Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Kế hoạch triển khai “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Một trong các nhiệm vụ đặt ra là mở rộng các dự án xây dựng dữ liệu cộng đồng theo hình thức của đề án Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối các cộng đồng trí tuệ nhân tạo (AL), cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, nghiên cứu, cộng đồng nghề nghiệp phát triển và ứng dụng AL và khoa học dữ liệu (KHDL) trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch, Bộ sẽ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới AL; triển khai mạnh mẽ hình thức hợp tác công-tư, đồng tài trợ cho các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm ứng dụng AL; đầu tư hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về AL và KHDL trong một số trường đại học, viện nghiên cứu công lập; đầu tư cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm về AL và KHDL trong các trường đại học, viện nghiên cứu công lập; thúc đẩy xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo về AL, hình thành một số thương hiệu của Việt Nam về AL trên thế giới.

Kế hoạch cũng sẽ triển khai nhiệm vụ, giải pháp là thúc đẩy hình thành các nhóm chuyên môn mở trong các lĩnh vực, cho phép rút ngắn thời gian hoàn thành các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy sử dụng dùng chung, chia sẻ, mở dữ liệu, công nghệ và ứng dụng AL theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành để đẩy nhanh tốc độ hình thành các kết quả và nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực khác; khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nghiên cứu, phát triển sản phẩm AL đặc thù của Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, chính quyền trung ương và địa phương sẽ phát triển sản phẩm AL theo phương thức nào? Dùng tiền ngân sách hay đặt hàng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học?

Các chuyên gia cho rằng, đối với vấn đề đào tạo nhân lực AL, như tập trung đào tạo nhân lực ở cấp chuyên gia, cấp kỹ sư, hay các chương trình đào tạo nhằm phổ cập kiến thức, năng lực, kỹ năng về phân tích, ứng dụng AL cho mọi người dân, cán bộ, công chức, lãnh đạo ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề; hoặc tập huấn các nền tảng mở về dữ liệu và ứng dụng AL; thúc đẩy các cộng đồng, diễn đàn nguồn mở về AL… bắt buộc phải dùng các khoản chi từ ngân sách.

Một nội dung khác là tổ chức các chuỗi sự kiện về AL, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong nước tham gia các hội thảo, triển lãm, kỳ thi quốc tế về AL; tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương về AL; thúc đẩy phát triển cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu AL.. cũng thuộc nguồn chi này.

Nhưng với nội dung phát triển sản phẩm AL, chính quyền trung ương và địa phương có thể nghiên cứu  cơ chế đặt hàng, mua sắm công; thực hiện theo cơ chế dịch vụ để mời gọi doanh nghiệp tham gia, chứ không nhất thiết phải chi bằng ngân sách. Muốn làm được điều này hiệu quả, chính quyền các cấp phải xác định được một số bài toán từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn cần giải quyết, từ đó đặt hàng nghiên cứu các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia giải quyết.

Cho đến nay, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá đi đầu trong lĩnh vực này. Trong chiến lược phát triển và ứng dụng AL đến năm 2030, Thành phố đặt mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững. Trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hạ tầng tính toán hiệu năng cao, hạ tầng dữ liệu, đến đào tạo nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách AL, ứng dụng, chuyển giao các giải pháp AL.

Cuối năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đến 2025, trong đó đặt ra hai mục tiêu. Thứ nhất, tạo ra một số sản phẩm của riêng Việt Nam, dựa trên các lợi thế của Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước, đồng thời đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Thứ hai, xây dựng năng lực nội tại cho lĩnh vực này, gồm xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, máy móc, công nghệ để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.