TÓM TẮT:

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, thực hiện các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, đòi hỏi tiêu chuẩn đối với xuất khẩu hàng nông sản ngày càng khắt khe hơn, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt hơn đã đặt ra những thách thức lớn đối với nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Góp phần khắc phục những hạn chế đó, thời gian qua, ở nước ta đã phát triển các Sở giao dịch hàng hóa nhằm kết nối sản xuất với thị trường và tiêu dùng, kết nối thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm, từ người sản xuất, đến nhà chế biến, nhà phân phối và người tiêu dùng, mang lại lợi ích cho các thành viên trong chuỗi. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả hoạt động của các Sở giao dịch hàng hóa nông sản ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được vai trò kết nối cung - cầu, nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Bài viết tập trung phân tích những kết quả và hạn chế trong phát triển Sở giao dịch hàng hóa nông sản ở Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển Sở giao dịch hàng nông sản trong bối cảnh mới.

Từ khóa: Sở giao dịch hàng hóa, hàng hóa nông sản, kết nối sản xuất, chuỗi cung ứng sản phẩm, nhà chế biến, nhà phân phối, người tiêu dùng.

1. Thực trạng về Sở giao dịch hàng hóa nông sản ở Việt Nam hiện nay

Cho đến nay, ở Việt Nam đã hình thành và phát triển một số Sở giao dịch hàng hóa nông sản như sau:

- Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam - VNX: Đây là Sở giao dịch hàng hóa đầu tiên được cấp phép hoạt động ở nước ta, giao dịch, mua bán các hàng hóa là cà phê (Robusta, Arabica), cao su RSS3 và thép cuộn cán nóng. Chức năng chính của Sở là nhằm kết nối các thành viên trong chuỗi giá trị sản phẩm và đóng vai trò bảo hiểm giá.

- Sở giao dịch hàng hóa Info - Info Comex: Được thành lập theo Giấy phép số 2556/GP - BCT ngày 22/4/2013 của Bộ Công Thương, hoạt động trong lĩnh vực tổ chức mua bán thép, cà phê, cao su và các loại hàng hóa khác theo quy định của pháp luật, nhằm tạo thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là nông dân Việt Nam đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế; mở ra con đường mới từ người sản xuất hàng hóa đến thị trường quốc tế.

- Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột - BCCE: Được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từTrung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, với các mặt hàng được giao dịch, gồm: cà phê robusta, tiêu đen, cao su.

Sau thời gian hoạt động, các Sở giao dịch này đã đạt được một số thành tựu và vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

1.1. Lợi ích, vai trò của Sở giao dịch hàng hóa

Trong thời gian qua ở nước ta, sự hình thành và phát triển của các Sở giao dịch nhận được sự quan tâm từ phía Nhà nước, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh. Cùng với đó là sự nhận thức, quan tâm của các đối tượng tham gia như nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng tăng, thu hút các thành phần kinh tế tham gia... Các Sở giao dịch ra đời và đã xây dựng được mô hình hoạt động, tổ chức bộ máy, phương thức vận hành trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ mô hình tổ chức, phương thức vận hành của các Sàn giao dịch nông sản thành công trên thế giới. Một số Sở giao dịch bên cạnh việc vận dụng phương thức giao ngay, còn thực hiện cả các phương thức giao dịch mới, hiện đại như: giao dịch giao sau, giao dịch kỳ hạn. Các sở giao dịch này đã thể hiện được vai trò chủ yếu như:

- Các Sở giao dịch hàng hóa đã tạo bước đột phá trong sự hội nhập của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa vào hệ thống kinh tế thế giới; Tạo nên một phương thức giao dịch mới ở Việt Nam phù hợp với xu thế của thế giới.

- Góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa các nhà sản xuất với thị trường, chống tình trạng đầu cơ và ép giá nông dân; xóa bỏ tình trạng được mùa - mất giá đối với nông sản Việt Nam và góp phần chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam thời gian qua.

- Sở giao dịch hàng hóa cũng là nơi huy động vốn phục vụ sản xuất; gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế hàng hóa, quá trình hội nhập vào thị trường hàng hóa toàn cầu của nông sản Việt Nam.

- Thông qua các Sở giao dịch hàng hóa, góp phần tiêu thụ hàng hóa, kết nối cung - cầu đối với mặt hàng nông sản hàng hóa ở nước ta thời gian qua, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

1.2. Những hạn chế trong phát triển Sở giao dịch hàng hóa ở nước ta

- Số lượng nhà đầu tư tham gia tại Sở giao dịch vẫn còn hạn chế, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, tính thanh khoản chưa cao.

- Các Sở giao dịch chưa thực sự kết nối cung - cầu hàng nông sản trên thị trường trong nước cũng như kết nối với thị trường ngoài nước.

- Hiệu quả hoạt động của một số Sở giao dịch chưa cao, số lượng và giá trị giao dịch tại các Sở giao dịch còn khiêm tốn.

- Mặt hàng tham gia giao dịch tại Sở chưa đa dạng, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.

1.3. Nguyên nhân của hạn chế

- Hoạt động giao dịch qua Sở giao dịch nông sản ở nước ta là một phương thức mới đang ở giai đoạn đầu (mặc dù trên thế giới đã xuất hiện và thành công từ khá lâu), chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia, thiếu các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm.

- Khung pháp lý liên quan đến Sở giao dịch còn thiếu, chưa hoàn thiện, đặc biệt là các văn bảnquy phạm pháp luật về giao dịch giao ngay nông sản, gây khó khăn cho các chủ thể tham gia giao dịch tại Sở.

- Sự hiểu biết về thị trường giao saucủa các chủ thể tham gia còn hạn chế. Người dân và các doanh nghiệp chưa quen với cách thức giao dịch qua sàn giao dịch. Đồng thời, trình tự, thủ tục tham gia giao dịch tại Sở chưa thuận tiện, nên chưa thu hút được các chủ thể tham gia.

- Còn thiếu các điều kiện cho sự tham gia của cả phía cung và cầu hàng hóa tại thị trường trong nước, đặc biệt là chủ thể tham gia các giao dịch.

2. Đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển Sở giao dịch hàng hóa nông sản ở Việt Nam trong thời gian tới

2.1. Hoàn thiện khung pháp lý về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

- Trước tiên, cần có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ, không chỉ giới hạn ở việc tuyên truyền quảng bá thương hiệu, mà còn cả ở việc tổ chức vận hành hoạt động của Sở giao dịch. Do vậy, cần xây dựng chiến lược phát triển các Sở giao dịch nông sản một cách cụ thể, bài bản; quản lý nhà nước đối với các Sở giao dịch nông sản phải trên cơ sở tạo thuận lợi và hỗ trợ; đặc biệt là hỗ trợ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, các chuyên gia có trình độ chuyên sâu về thị trường.

- Hoàn thiện các quy định về mua bán hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng tại các Sở giao dịch. Trong đó, có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả đối với hoạt động mua bán hàng hóa nông sản tại các Sở giao dịch để hạn chế những giao dịch không lành mạnh. Đồng thời, có chế tài đối với các hành vi vi phạm hoạt động mua bán hàng hóa tại Sở giao dịch.

- Hoàn thiện các quy định pháp luật về những hợp đồng liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch.

2.2. Hoàn thiện cơ chế giao dịch tại Sở giao dịch

- Tăng cường liên kết trong sản xuất hàng hóa nông sản để kiểm soát nguồn cung hàng hóa giao dịch qua Sở. Việc tăng cường hợp tác liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông nghiệp với các Sở giao dịch trong nước và quốc tế, hay hợp tác giữa các thương nhân và các tổ chức khác không chỉ giúp tăng khối lượng và chất lượng hàng hóa giao dịch qua Sở, còn tạo điều kiện để xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và các doanh nghiệp.

Đồng thời, các Sở giao dịch trong nước cần tăng cường hợp tác, liên kết với các Sở giao dịch hàng hóa quốc tế để vừa học hỏi kinh nghiệm, mô hình tổ chức, quản lý hiệu quả, vừa gắn kết các thị trường thông qua hệ thống máy tính nối mạng toàn cầu, qua đó giúp nắm bắt được các thông tin về thị trường quốc tế.

- Nâng cao các tiện ích giao dịch tại Sở trên cơ sở cung cấp đa dạng các dịch vụ tại Sở để hỗ trợ, bổ sung cho các hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa nông sản tại Sở, bao gồm các dịch vụ, như: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ hỗ trợ thanh toán, dịch vụ cung cấp thông tin.

Cần phát triển hệ thống giao hàng và cung cấp dịch vụ vận chuyển cho người sản xuất, đặc biệt tại khu vực nông thôn để giải quyết khó khăn về khoảng cách địa lý giữa người sản xuất và người mua hàng, bởi thông thường hàng nông sản được sản xuất tại khu vực nông thôn, khá xa với khách hàng. Theo đó, Sở giao dịch cần hợp tác với hãng vận tải chuyên nghiệp và thông báo về dịch vụ vận chuyển đến những vùng được ưu tiên hỗ trợ dịch vụ này, sẵn sàng cung cấp dịch vụ khi người sản xuất có nhu cầu bán hàng qua Sở giao dịch thông qua đường dây nóng của Sở.

Đối với dịch vụ hỗ trợ thanh toán, Sở giao dịch cần liên kết, phối hợp với các ngân hàng để giúp người nông dân khi giao dịch hàng hóa qua Sở có thể thuận tiện hơn trong việc nhận tiền bán hàng, thay vì người nông dân tại các địa phương phải đến Sở giao dịch để nhận tiền bán hàng như hiện nay.

Đối với dịch vụ cung cấp thông tin, các Sở giao dịch cần hỗ trợ thông tin về tình hình thị trường đối với từng loại hàng nông sản như giá cả, nhu cầu và yêu cầu của thị trường… một cách cập nhật nhưng miễn phí cho người sản xuất trên cơ sở thành lập bộ phận tư vấn khách hàng, giải đáp thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi từ các đối tượng tham gia Sở giao dịch.

- Hạn chế tối đa các mức phí tham gia tại Sở giao dịch để khuyến khích các đối tượng đăng ký tham gia làm thành viên tại Sở giao dịch, chẳng hạn như phí giao dịch, phí thông tin, phí thành viên hoặc có thể miễn/giảm các phí này trong thời gian đầu khi các thành viên chưa có giao dịch ổn định.

- Tăng cường tuyên truyền, thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các Hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội Nông dân để nâng cao ý thức của người sản xuất và của các thương nhân, doanh nghiệp về vai trò và những lợi ích của Sở giao dịch.

2.3. Đối với hàng hóa giao dịch tại Sở

- Nâng cao chất lượng hàng hóa trên cơ sở áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến nông sản hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp và người nông dân để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng của thị trường, gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm để hàng nông sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa.

- Đa dạng hàng hóa giao dịch tại Sở để thu hút được nhiều đối tượng tham gia giao dịch tại Sở. Do vậy, ngoài một số mặt hàng nông sản đang được giao dịch tại các Sở giao dịch như cà phê, cao su, rau an toàn… cần nghiên cứu, bổ sung một số mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam vào danh mục các mặt hàng giao dịch tại Sở, chẳng hạn như: nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, nếp thơm Điện Biên…

- Thực hiện sản xuất hàng nông sản theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng sản xuất tự phát dẫn đến cung vượt cầu, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người sản xuất.

2.4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

- Xây dựng trung tâm dữ liệu, đảm bảo môi trường hoạt động tiêu chuẩn cho máy chủ và đảm bảo an toàn các dữ liệu giao dịch.

- Xây dựng hệ thống phần mềm giao dịch trực tuyến để tạo thuận lợi cho các giao dịch qua các thiết bị di động, phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

- Xây dựng hệ thống cổng thông tin giao dịch nhằm hình thành cộng đồng nhà đầu tư, cộng đồng thông tin để truyền tải thông tin nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho thị trường, cũng như là kênh thông tin trao đổi hai chiều giữa cơ quan quản lý giao dịch với các nhà đầu tư, giữa các nhà đầu tư với nhau.

- Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ tác nghiệp nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư giao dịch tại Sở. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý kho bãi nhằm quản lý đồng bộ các quy trình xử lý liên quan của chuỗi giao dịch tại Sở.

2.5. Phát triển nguồn nhân lực

- Đối với nguồn nhân lực của các Sở giao dịch: Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động tại Sở giao dịch, đặc biệt là kinh nghiệm chuyên môn về thị trường tài chính, về các sản phẩm phái sinh và các công cụ bảo hiểm…, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Sở giao dịch, hạn chế những rủi ro cho cả người sản xuất và nhà đầu tư.

- Đối với các thương nhân tham gia giao dịch tại Sở giao dịch, cần tìm hiểu kỹ những quy định pháp luật hiện hành, quy tắc hoạt động tại Sở giao dịch để nâng cao hiểu biết và kỹ năng giao dịch nhằm tránh được những rủi ro khi tiến hành giao dịch tại Sở.

- Đối với người sản xuất/người nông dân tham gia giao dịch tại Sở giao dịch: Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người nông dân về vai trò, lợi ích của họ khi tham gia giao dịch hàng nông sản tại Sở giao dịch và có những hỗ trợ ban đầu khi người nông dân tham gia giao dịch tại Sở. Đồng thời, Sở có thể tổ chức các khóa tập huấn để người nông dân hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của Sở và các hình thức giao dịch hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Huy Khôi (2011), Nghiên cứu các sàn giao dịch hàng nông sản trên thế giới và kiến nghị điều kiện áp dụng vào Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ - Viện Nghiên cứu Thương mại.

2. Nguyễn Thị Minh Hiền (2016), Nghiên cứu giải pháp phát triển sở giao dịch hàng hóa nông sản ở Việt Nam, Đề tài NCKH Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Nguyễn Thị Yến (2011), Pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở Việt Nam, LATS Luật học – Trường Đại học Luật Hà Nội.

4. Bảo Trung (2009), Phát triển thể chế giao dịch nông sản ở Việt Nam, LATS kinh tế - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

DEVELOPING THE COMMODITY EXCHANGE

OF AGRICULTURAL PRODUCTS IN VIETNAM:

SITUATION AND SOLUTIONS

MA. LE THI THU HUONG

Ministry of Industries and Trade

ABSTRACT:

In the context of deep integration into the global economy, the implementation of FTA requires for stricter agricultural exports standards. The ever-increasing fierce market competition poses major challenges to Vietnam’s agricultural production. Contributing to overcome these limitations, in recent years, Vietnam has developed commodity exchanges to connect production with markets and consumption, and link members in the product supply chain like manufacturer, distributors and consumers. However, in practice, the performance of agricultural commodity exchanges in Vietnam is still limited, not living up to the role of the bridge for the supply-demand standard, hence the efficiency of agricultural production is not high. The paper focuses on analyzing the results and limitations in the development of the Commodity Exchange of Agricultural Products in Vietnam over the past few years. It also suggests some solutions to develop the Commodity Exchange of Agricultural Products in Vietnam in the new context.

Keywords: Commodity exchange, agricultural commodities, production connections, product supply chains, processors, distributors, consumers.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây