Phát triển Trung tâm logistics Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế

Việc thành lập Trung tâm logistics Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khai thác cơ hội kinh doanh từ các thị trường này.

Trở ngại khiến logistics Việt Nam chậm phát triển

Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, với bờ biển dài hơn 3.000 km là những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện đa số doanh nghiệp logistics nội địa đang hoạt động do quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL mà cụ thể là dịch vụ vận tải hàng hóa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL) vốn không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa, còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác (thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm). Đây là trở ngại khiến logistics Việt Nam nhiều năm qua chậm phát triển.

logistics
Theo ông Tạ Hoàng Linh,hiện nay có 5 yếu tố đang cản trở sự phát triển của ngành logistics Việt Nam như: hệ thống hạ tầng giao thông, thủ tục hải quan...

Chia sẻ trong Hội thảo “Xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng và logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ” diễn ra mới đây, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có 5 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của ngành logistics Việt Nam. Thứ nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ.

Điểm yếu thứ hai theo ông Linh là quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa.

Thứ ba là vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ.

“Yếu tố thứ tư là sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics và cuối cùng là việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau", ông Linh nêu rõ.

Một yếu tố quan trọng cản trở sự phát triển của ngành logistics Việt Nam được ông Linh chỉ ra đó là đại đa số doanh nghiệp Việt Nam thường là người gia công và cung cấp các sản phẩm phụ, thậm chí không phải trực tiếp mà gián tiếp cho những nhà sản xuất của các thương hiệu toàn cầu, điển hình nhất là trong lĩnh vực thời trang, may mặc, giày dép, đồ gỗ và hàng gia dụng…

Trong khi đó, thị trường châu Âu và châu Mỹ đang mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, bờ biển dài hơn 3 nghìn km là những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế, ông Linh dẫn chứng.

Châu Âu, châu Mỹ - thị trường tiềm năng cho logistics Việt

Chia sẻ về cơ hội tại hai thị trường châu Âu, châu Mỹ, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, đây là hai thị trường thương mại tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã và sẽ tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các thị trường này.

logistics
Phát triển các trung tâm logistics Việt Nam tại châu Âu, châu Mỹ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tạo thêm lợi thế trong xây dựng chuỗi cung ứng nhằm giảm thêm chi phí

“Thị trường châu Mỹ đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân, thu nhập bình quân cao gấp đôi ASEAN nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại khai thác chưa tốt do vướng 2 nguyên nhân chính là: vấn đề văn hóa, ngôn ngữ và khoảng cách địa lý. Song kinh nghiệm của các doanh nghiệp Việt Nam đã kinh doanh tại các thị trường này cho thấy, khoảng cách địa lý không phải là vấn đề lớn”, ông Thành cho biết.

Bởi vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều ý kiến tại Hội thảo đề xuất, Chính phủ cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quản lý mang tính vĩ mô, trong đó có việc phát triển các trung tâm logistics Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ.

“Trung tâm logistics phải có vai trò tối ưu hóa mức dự trữ, đảm bảo chất lượng cao dịch vụ khách hàng, tối thiểu thời gian lưu chuyển hàng hóa và giảm chi phí tới mức tối ưu. Đơn cử như tại Hoa Kỳ, ngành logistics là một mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp cao kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng qua nhiều phương thức vận tải (dịch vụ chuyển phát nhanh, hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ).

Bài học kinh nghiệm từ các nước lớn cho thấy, Việt Nam cần xác định vị trí, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, nằm gần các trung tâm kinh tế thương mại lớn. Xác định được quỹ đất, chi phí và triển vọng cho trung tâm logistics hoạt động trong thời gian dài ra sao? Ngoài ra, với vốn đầu tư lớn cộng với thời gian thu hồi vốn rất dài, rủi ro cao... nên cần có chính sách đặc thù về thuế, hỗ trợ vốn, gắn với đặc khu để thu hút đầu tư...”, ông Thành khuyến nghị.

Tán thành đề xuất trên, nhiều chuyên gia tại Hội thảo cũng chỉ ra, hiện nay hoạt động sản xuất cũng như xuất nhập khẩu của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, với tốc độ tăng GDP năm 2018 khoảng 7% - tốc độ tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy khối lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường là rất lớn, khẳng định vai trò quan trọng của logistics, và gắn liền với đó là chi phí.

Do vậy, khi phát triển được các trung tâm logistics sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tạo thêm lợi thế trong xây dựng chuỗi cung ứng nhằm giảm thêm chi phí, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.

Hạ Vũ