Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của ngành Công Thương trong năm qua. Thứ nhất, các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt được kết quả quan trọng, một số ngành có kết quả nổi bật. Năm 2021, ngành điện đã thực hiện tốt việc cung ứng điện bảo đảm an toàn, thông suốt, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Sản lượng điện tiêu thụ đạt 255,37 tỉ kWh, tăng 3,34% so với cùng kỳ. Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng, tiêu thụ điện, nhiều công trình lớn được hoàn thành. Đã hoàn thành đưa vào vận hành 7.317 MW điện, nâng tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 77.982 MW, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, có 4.087 MW điện gió, góp phần từng bước chuyển đổi công nghệ năng lượng tái tạo.

Ngành dầu khí đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu quan trọng  vượt kế hoạch từ 1 đến 3 tháng: Sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,87 triệu tấn, vượt  kế hoạch 1,15 triệu tấn; sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu, bằng 100% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 1,69 triệu tấn, vượt kế hoạch 4,2%,…Tổng doanh thu năm 2021 đạt 618.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 26%; nộp ngân sách nhà nước đạt 112.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 61%; lợi nhuận trước thuế đạt 41.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 145 %,…

Đánh giá tổng quát lại, các ngành dầu khí, điện lực, than khoáng sản, xi măng, sắt thép,.…đã tận dụng ưu điểm, lợi thế khép kín của chu trình công nghệ sản xuất, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, phải dừng sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, lao động nhưng đã chủ động phục hồi sản xuất, nhất là sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Nhờ vậy, quý III/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp từ chỗ -3,5% đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng cao (đạt 6,5%) trong quý IV/2021, đặc biệt là tháng 12/2021 đã tăng trưởng 8,7%, giúp cho kết quả cả năm tăng trưởng 4,82%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020 (năm 2020 tăng trưởng 3,3%)

Thứ hai, xuất nhập khẩu năm 2021 có chuyển biến tích cực, tăng trưởng mạnh mẽ vào các tháng cuối năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Ngành Công Thương đã tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU)…..Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu ngày càng phong phú; chất lượng hàng hóa được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc,....

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu với EU đạt 40,73 tỷ USD tăng 14,2%, với Hoa Kỳ đạt 95,7 tỷ USD tăng 24,2%, với Nhật Bản 23 tỷ USD tăng 6,4%, với Trung Quốc đạt 56,266 tỷ USD tăng 15%, với Hàn Quốc 22,125 tỷ USD tăng 15,6%,….

Thứ ba, hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa có nhiều đổi mới, công tác quản lý thị trường được tăng cường. Hàng hóa sản xuất trong nước phong phú cùng với hàng hóa nhập khẩu đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.789 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.950 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2020.

Nhờ vậy, trong điều kiện giãn cách xã hội diện rộng, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, giá cả hàng hóa được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với 2020, thấp nhất trong 6 năm kể từ năm 2016.

Thứ tư, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính được triển khai có hiệu quả.

Bộ Công Thương đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đã hoàn thành trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng; ban hành theo thẩm quyền 25 Thông tư liên quan đến các lĩnh vực quan trọng như: điện lực, dầu khí, phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa,...…Qua đó, đã góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Đối với nhiệm vụ giải pháp năm 2022, Phó Thủ tương nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm. Một là, tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành Công Thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản,.….

Thứ ba, năm 2022 được dự báo có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dự báo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có biến động khó lường.

Vì vậy, ngành Công Thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các Bộ ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối… nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, ngành Công Thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các Luật, các Nghị định, Thông tư, các quy định của ngành) điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.