Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về Cơ chế một cửa quốc gia

Chiều 11/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá một số bộ chưa tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục, nhất là kiểm tra hải quan chuyên ngành và coi đây là nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Phân tích kỹ về rào cản kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng cho biết các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 30-35% tổng số lô hàng mà tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, trong khi WB khuyến cáo tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành chỉ nên chiếm 15%.

“Vướng mắc hiện nay là văn bản pháp luật quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, quy định một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ. Có trường hợp một mặt hàng chịu nhiều hình thức kiểm tra của cùng một bộ. Có danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra (chiếm 50% tổng số lượng kiểm tra chuyên ngành của 9 bộ), có nghĩa là Bộ muốn kiểm tra gì cũng được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Để khắc phục các rào cản của kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ liên quan mà chủ yếu là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để hạn chế kiểm tra, tăng cường hậu kiểm; giao cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu...

Trước việc chỉ có 22 thủ tục hành chính đưa vào Cơ chế một cửa quốc gia từ đầu năm tới nay, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành kế hoạch đưa 130 thủ tục vào Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2017; rà soát, bổ sung các thủ tục mới qua Cơ chế một cửa quốc gia. Về Cơ chế một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sẽ chính thức kết nối khi Nghị định thư về cơ chế này có hiệu lực (hiện nay đã có 9 nước phê chuẩn).

Các bộ ngành hoàn thành chương trình mục tiêu, hành động cụ thể thực hiện cơ chế này, chậm nhất trong tháng 8/2017, nếu không sẽ công bố công khai cho xã hội, doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý và thủ tục hành chính phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; tích cực triển khai hệ thống công nghệ thông tin bảo đảm tính kết nối, an toàn và bảo mật...