Trước tình hình đó, Sở Công Thương Phú Thọ đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, do đó các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại đều duy trì và đạt được mức tăng trưởng ổn định.

Phóng viên Tạp chí Công Thương (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ về những nỗ lực của ngành Công Thương trong công tác tham mưu phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững sản xuất kinh doanh tại địa phương.

PV: Tính đến thời điểm này, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm covid-19. Hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đều có ca nhiễm covid-19. Trong tình hình dịch bệnh như vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp phải những khó khăn gì thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Dịch bệnh bùng phát mạnh tại một số quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ. Điều này khiến nhu cầu thị trường giảm, hàng hóa sản xuất ra  tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho cao...

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Phú Thọ đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa… do chi phí vận tải logistic tăng cao đột biến và giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào đều tăng, trong khi giá bán không tăng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thị trường giảm.

Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 10, toàn tỉnh có 441 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 20,16% so với cùng kỳ. Trong các khu, cụm công nghiệp, 6 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp đang đầu tư phải tạm dừng đầu tư, dừng sản xuất, 27 doanh nghiệp đang đầu tư, lắp đặt máy móc thiết bị có nguy cơ chậm tiến độ. Đến đầu tháng 10, một số ngành có lượng hàng tồn kho lớn như xi măng (1 triệu tấn), gạch xây (800 triệu viên), gạch ốp lát trên 9 triệu m2... các sản phẩm nông sản như chè tồn kho trên 16 ngàn tấn, sản phẩm gỗ các loại, gỗ ván ép và gỗ gép thanh trên 6 ngàn m3, viên nén gỗ khoảng 220 tấn.

PV: Với vai trò quản lý Nhà nước, Sở Công Thương Phú Thọ đã tham mưu cho UBND tỉnh những nhiệm vụ gì nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua thời kỳ khó khăn này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không đứt gãy chuỗi sản xuất, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu thực hiện các nội dung tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Phú Thọ, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4787/KH-UBND ngày 18/10/2021 về đảm bảo sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hoá thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Kế hoạch được triển khai thực hiện với sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các tổ chức hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Phu Tho
Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Công Thương Phú Thọ kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị

Kế hoạch đề ra 4 phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu được xây dựng theo các Kế hoạch đưa ra nội dung khai thác, dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu đối với các nhóm hàng, cụ thể:

- Đối với nhóm hàng lương thực: Số lượng gạo cần là 17.782.608 kg/tháng. Sản lượng thóc gạo dự trữ trong dân và sản xuất tại địa phương có thể đáp ứng 20.233.000 kg/tháng. Ngoài ra, nếu khan hiếm cục bộ có thể khai thác nguồn cung cấp từ các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng và các địa phương lân cận.

- Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống: Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, gà, thủy hải sản của tỉnh: 6.535.108 kg/tháng, sản lượng tại địa phương có thể đáp ứng khoảng: 17.502.000 kg/tháng; Tiêu thụ trứng: 22.228.260 quả/tháng, sản lượng tại địa phương 35.833.333 quả/tháng; nhu cầu rau xanh là 14.226.086 kg/tháng, sản lượng tại chỗ có thể đáp ứng khoảng: 19.333.000 kg/tháng.

- Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng: Nhu cầu khoảng 4.000 tấn/1 tháng, Nước đóng chai: 88.913.040 lít, Giấy vệ sinh: 3.156.413 cuộn. Hiện nay nguồn đã có sẵn tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh là 3.000 tấn, các sản phẩm này hoàn toàn phải nhập từ các cơ sở chế biến trong nước, do vậy khi có nhu cầu sẽ phải nhập thêm khoảng 1.000 tấn từ các địa phương, hoặc các cơ sở sản xuất, chế biến trong nước.

- Đối với nhóm hàng xăng dầu, điện: Xăng dầu: Nhu cầu 1 tháng là 28.000m3, nguồn hàng xăng, dầu được 03 doanh nghiệp đầu mối và phân phối có kế hoạch dự trữ khoảng 31.000 m3 xăng dầu các loại.

Điện, nước: Công ty Điện lực Phú Thọ, Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Thọ cung ứng bảo đảm đủ điện, nước cho phòng chống dịch và cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

- Nhóm hàng chất đốt: Nhu cầu tiêu dùng LPG 1 tháng khoảng 800 tấn, sản lượng dự trữ khoảng 900 tấn. Nhu cầu than: 150 tấn/tháng, sản lượng dự trữ khoảng trên 200 tấn.

- Nhóm hàng hóa vật tư nông nghiệp duy trì cho sản xuất nông nghiệp: Vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi… được duy trì đảm bảo cung ứng.

Siêu thị
Hệ thống siêu thị luôn đầy ắp hàng hóa

Kế hoạch cũng đề ra phương án chi tiết đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu tại khu dân cư. Việc cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các huyện bằng các chuyến hàng lưu động của doanh nghiệp thông qua hệ thống các siêu thị Aloha, Co.opmart, Vinmart, EB Việt Trì, Phú Hưng… bố trí xe bán hàng lưu động, đảm bảo nguồn hàng, tổ chức thu tiền của dân theo đúng hóa đơn, bảng giá quy định của siêu thị.

Các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa được ưu tiên bố trí tại khu vực sân vận động, khu đất trống, khu đất đấu giá, khu đất trống trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trung tâm thể thao, sân bến xe khách, nhà văn hóa khu trên địa bàn các huyện. Bên cạnh đó thiết lập các điểm bán hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các trung tâm các xã, phương, thị trấn cho người dân đến trực tiếp mua hàng.

Hiện nay, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 1,48 triệu người dân. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 10%- 20% thị phần; Các thương nhân chợ đầu mối, chợ truyền thống (các mặt hàng rau, củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản) chiếm 60%-70% thị phần; Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác chiếm 20% - 30% thị phần.

Hệ thống phân phối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh phong phú và đa dạng, được phân bổ khắp toàn tỉnh. Hệ thống chợ truyền thống là 197 chợ (Trong đó có 3 chợ hạng I, 13 chợ hạng II và 181 chợ hạng III); Các siêu thị kinh doanh hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm gồm 13 siêu thị; Hệ thống cửa hàng tiện ích với 200 cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, còn có trên 10.000 cửa hàng tạp hoá kinh doanh hàng hóa thiết yếu và các cửa hàng kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các sở ngành liên quan nắm bắt tình hình thực tế để tránh tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, đồng thời, rà soát lại sản lượng, tính toán khả năng tiêu thụ của các loại nông sản, từ đó kịp thời đề xuất phương án hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Sở Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền cho các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cập nhật chính sách mới về xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương xuất bản cẩm nang về hiệp định thương mại tự do FTA, tổ chức các hội nghị trực tuyến với tham tán thương mại tại một số thị trường trọng điểm xuất nhập khẩu, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm, khai thác tốt thị trường nội địa, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phu Tho
Sở Công Thương Phú Thọ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp

Đồng thời, Sở cũng thành lập Nhóm công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực công thương cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ của Nhóm là phối hợp với  các ngành, UBND các huyện, thành, thị rà soát, nắm bắt thông tin để tham mưu, thực hiện triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công Thương, kịp thời tham mưu cho Giám đốc Sở trong việc tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực công thương cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

PV: Với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương Phú Thọ, xin ông cho biết những kết quả đạt được đến thời điểm này và các giải pháp thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2022 trong tình hình bình thường mới?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp trong nước và trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Công Thương, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của Ngành Công Thương trong công tác phòng, chống dịch, cho đến nay công tác phòng chống dịch cơ bản đã được khống chế, các ca bệnh F0 đã giảm nhiều (số ca F0 được điều trị khỏi bệnh là trên 1000 ca).

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản ổn định hoạt động sản xuất- kinh doanh, hàng hóa lưu thông thông suốt, với kết quả khả quan trong năm 2021 dự kiến, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,6%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 37.900 tỷ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ và đạt 101,7% so kế hoạch; xuất khẩu ước đạt 8.000 triệu USD, so cùng kỳ tăng 70,3% và đạt 178% so kế hoạch, đáp ứng mục tiêu kép đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hàng tồn kho đã giảm rõ rệt. Sản phẩm chè tồn kho trên 16 ngàn tấn nay giảm còn 6.216 tấn, sản phẩm gỗ các loại, gỗ ván ép và gỗ gép thanh trên 6 ngàn m3 còn 2.950 m3, viên nén gỗ 220 tấn nay còn 20 tấn. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hàng tồn kho đã giảm rõ rệt. Sản phẩm chè tồn kho trên 16 ngàn tấn nay giảm còn 6.216 tấn, sản phẩm gỗ các loại, gỗ ván ép và gỗ gép thanh trên 6 ngàn m3 còn 2.950 m3, viên nén gỗ 220 tấn nay còn 20 tấn.

Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu phục vụ Tết Nguyên đán 2022 và chủ động, tích cực triển khai kế hoạch của Ngành trong năm 2022, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh, ổn định thị trường, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch của ngành.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.