Quản lý di tích văn hóa ở quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

MAI THỊ THÙY NGÂN (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

TÓM TẮT:

Di tích văn hóa là thành quả lao động sáng tạo của ông cha để lại. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm, ở bất kỳ nơi đâu trên đất Việt đều bắt gặp những di tích văn hóa như đình, chùa, miếu, lăng tẩm. Đây là những tài sản vô cùng quý giá mà cha ông đã để lại cho hậu thế. Ngày nay, vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của di tích văn hóa góp phần làm đẹp thêm truyền thống của dân tộc luôn được ngành văn hóa quan tâm. Bài viết nghiên cứu về quản lý di tích văn hóa ở quận Hoàn Kiếm, qua đó đã cho thấy những kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Từ khóa: Di tích văn hóa, quản lý di tích văn hóa, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã chỉ rõ: Di tích văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng và bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể.

Hoàn Kiếm là quận nằm ở vị trí trung tâm của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Tên quận được đặt theo tên của hồ Hoàn Kiếm. Quận Hoàn Kiếm có phía Tây giáp quận Đống Đa; phía Tây Bắc giáp quận Ba Đình và quận Đống Đa; phía Nam giáp quận Hai Bà Trưng; dọc từ phía Bắc xuống phía Nam là sông Hồng. Toàn bộ Quận vốn là đất thuộc huyện Thọ Xương cũ. Quận Hoàn Kiếm được hình thành cách đây gần 1.000 năm, có bề dày lịch sử phát triển. Nơi đây là đầu mối giao lưu với “tứ trấn” và cũng là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp 4 phường mà tên các phố hôm nay còn ghi đậm dấu ấn, như: Hàng Đào, Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Khay, Hàng Quạt, Hàng Da… Trải qua những biến động của tự nhiên, xã hội, các thế hệ đã xây dựng, gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau nhiều di tích văn hóa có giá trị lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đang có xu hướng làm biến dạng văn hóa nơi đây; đặc trưng di tích bị mất gốc, lai căng, “thương mại hóa”; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa còn kém hiệu quả; vai trò của các cơ quan chức năng trong quản lý di tích văn hóa chưa nổi bật, có nơi có lúc còn buông lỏng quản lý. Vấn đề đặt ra là cần phải làm gì và làm như thế nào để bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa, đồng thời để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân khi tiếp cận với di tích văn hóa.

2. Những kết quả tích cực

Thời gian qua, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã có nhiều nỗ lực trong quản lý di tích văn hóa trên địa bàn, kết quả bước đầu đã mang lại những dấu hiệu ưu điểm như:

Thứ nhất, ưu điểm trong cụ thể hóa, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách và văn bản pháp luật về di tích văn hóa.

 Thực hiện Luật Di sản Văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Xây dựng; Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về Ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 01/6/2017 của UBND Thành phố Hà Nội, về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hoá, quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về công tác quản lý di tích, lễ hội.

Quán triệt và thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận luôn được Quận ủy - HĐND - UBND quận xác định là nhiệm vụ quan trọng, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động sự tham gia tích cực của MTTQ, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia thực hiện. Quận ủy, HĐND - UBND quận đã ban hành 6 chương trình, đề án, kế hoạch, thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có Chương trình số 03 - CTr/QU ngày 07/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hoàn Kiếm về “Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh theo hướng phát triển toàn diện”; Đề án số 13/ĐA-QU ngày 29/11/2016 của Quận ủy Hoàn Kiếm về “Tập trung bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế”; ra Nghị quyết số 255/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của Hội đồng nhân dân quận về đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 để bố trí nguồn vốn hàng năm thực hiện công tác tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quận; UBND Quận đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 185/KH- UBND ngày 13/10/2017 về Giải phóng mặt bằng và tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (giai đoạn 2016 - 2020), trong đó thống nhất giữ nguyên số lượng (11 đi tích) theo Kế hoạch và quyết định bổ sung thêm di tích đình Hà Vĩ (tại 11 phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai) vào kế hoạch GPMB và tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (giai đoạn 2016 - 2020), đồng thời tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng của đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”. UBND Quận đã ban hành văn bản số 92/UBND-VHTT ngày 24/01/2017; văn bản số 141//UBND-NV ngày 26/01/2018 về Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, quản lý văn hóa, di tích, lễ hội trước trong và sau Tết nguyên đán Đỉnh Dậu 2017, Mậu Tuất 2018, để chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các phòng, ban chuyên môn, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và UBND 18 phường trong quận tham gia vào công tác chỉ đạo và quản lý lễ hội trên địa bàn; Đảm bảo thực hiện tốt an ninh, trật tự, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trước, trong dịp Tết Nguyên Đán và lễ Rằm tháng Giêng và sau lễ hội hàng năm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. UBND quận đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin xây dựng và triển khai Kế hoạch số 01/KH-VHTT ngày 23/01/2017; Kế hoạch số 45/KH-VHTT ngày 9/02/2018; Kế hoạch số l7/KH-VHTT ngày 15/01/2019 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; Kế hoạch số 16/KH-VHTT ngày 15/01/2019 về hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành văn hoá trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2019,

Thứ hai, ưu điểm trong tổ chức thực hiện hoạt động quản lý di tích văn hóa

Công tác quản lý, sử dụng di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay do UBND quận và UBND các phường quản lý trực tiếp, toàn diện (trừ 8 di tích do Thành phố trực tiếp quản lý).

Căn cứ vào thực tế trong quá trình quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích theo phân cấp quản lý di tích của Thành phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm từ trước đến nay, UBND quận giao cho phòng Văn hóa và thông tin quận là đơn vị hướng dẫn và quản lý về mặt chuyên môn, việc quản lý di tích vẫn được giao cho UBND các phường quản lý trực tiếp, không có gì thay đổi.

Do đặc thù riêng của quận Hoàn Kiếm có Khu phố cổ nên UBND quận đã Quyết định giao cho Ban Quản lý phố cổ Hà Nội trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa 04 di tích: Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, Ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây, Đền Quan Đề - 28 Hàng Buồm, Đình Kim Ngân - 42 Hàng Bạc. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thông được quan tâm bảo tồn theo Đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm”. Các lễ hội đã được quan tâm khôi phục, nâng cấp về quy mô nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, nâng cao đời sống tỉnh thần của nhân dân. Thường xuyên tổ chức các biểu diễn nghệ thuật dân tộc hát Xâm, Ca trù, hát Chầu văn vào các tối cuối tuần trên đường phố, các điểm di tích trong Khu phố cổ và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; tổ chức giao lưu văn hóa, trình diễn nghệ thuật, giới thiệu tranh ảnh, trang phục Hà Nội, nghề thủ công truyền thống tại các địa điểm di sản, như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, Đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm, Trung tâm Giao lưu văn hóa 50 Đào Duy Từ thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài và trong nước tới tham quan, tìm hiểu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quận.

  Thứ ba, ưu điểm trong tuyên truyền, giáo dục ý thức, bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa trong quản lý di tích văn hóa

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, phát huy giá trị di tích, công tác tuyên truyền, phổ biến, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích di tích trên địa bàn quận đã được xây dựng chương trình theo các nhiệm kỳ, quán triệt nội dung chương trình đến đội ngũ cán bộ chủ chốt quận và cơ sở Đảng trực thuộc; thành lập Ban chỉ đạo chương trình do đồng chí Phó bí thư Thường trực Quận ủy làm Trưởng ban, đồng chí Phó chủ tịch UBND Thường trực Quận phụ trách văn hóa xã hội làm phó ban; thành viên là các đồng chí Quận ủy viên, trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa, Phòng Văn hóa và thông tin quận được giao là cơ quan thường trực.

  Thứ tư, ưu điểm trong thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý di tích văn hóa

Hàng năm đều duy trì thường xuyên kiểm tra công tác tổ chức thực hiện tại một số đơn vị, tập trung chủ yếu là các phòng, ban chuyên môn, các phường, đánh giá cụ thể công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, qua đó rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tiếp theo. Đồng thời bổ sung các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về công tác quản lý di tích. Đã tổ chức sơ kết việc thực hiện các chương trình, đề án theo tiến độ để ra, biểu dương các đơn vị cơ sở làm tốt, nghiêm túc kiểm điểm những nguyên nhân tồn tại, hạn chế, yếu kém để kịp thời khắc phục, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết đã đề ra. Qua đó phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Quận.

Công tác kiểm tra hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được thường xuyên coi trọng và duy trì tốt công tác kiểm tra chống vi phạm, bảo vệ di tích trên địa bàn theo phân cấp quản lý và Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Chủ động hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định của Nhà nước tại cơ sở.

3. Những hạn chế, tồn tại

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác quản lý di tích văn hóa ở quận Hoàn Kiếm còn nhiều hạn chế như:

Thứ nhất, hạn chế trong cụ thể hóa, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách và văn bản pháp luật về di tích văn hóa. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật cũng như chủ trương của Đảng về quản lý di tích văn hóa của quận Hoàn Kiếm vẫn còn nhiều hạn chế. Việc cụ thể hóa còn diễn ra chậm chạp và chưa được chi tiết. Nhất là chưa cụ thể hóa Luật Di sản văn hóa cũng như Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do vậy, chưa xây dựng được quy chế làm việc riêng với những nội dung quy định cụ thể và chi tiết để các Ban quản lý di tích có căn cứ nhiệm vụ, chức năng rõ ràng; phân công được nhiệm vụ được cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý di tích.

  Thứ hai, hạn chế trong tổ chức thực hiện hoạt động quản lý di tích văn hóa. Công tác quản lý nhà nước đối với các di tích văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến còn nhiều khó khăn, tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án tu bổ, tôn tạo di tích; giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân, cơ quan, đơn vị, trường học ra khỏi di tích tuy có cố gắng nhưng còn chậm, một số công trình dự án phải giãn hoặc hoãn tiến độ. Số lượng di tích có giá trị đã bị xuống cấp, nguy hiểm, cần được tu bổ, tôn tạo còn nhiều. Chưa có giải pháp quản lý hiệu quả đối với các đi tích bị biến dạng hoàn toàn, không còn yếu tố thờ tự, chỉ còn vết tích.

          Ngoài ra, việc tuyên truyền, giáo dục mặc dù đã phần nào giúp người dân hình thành ý thức bảo vệ di tích, song chưa thực sự có tác động mạnh mẽ tới nhận thức của người dân về sự kết hợp quản lý của nhà nước với một số công trình di tích văn hóa. Nhất là ở các hộ gia đình có truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng lâu đời. Thực tế ở Hoàn Kiếm, một số di tích cách mạng kháng chiến thuộc sự quản lý của các cơ quan, hoặc gia đình, dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy tác dụng. Công tác kiểm tra, thanh tra trong quản lý cổ vật tại các di tích trên địa bàn Quận chưa được tiến hành thống kê, phân loại và giám định niên đại cho di vật, cổ vật hòa chỉnh. Ở một số nơi chưa có kế hoạch kiểm kê, lập hồ sơ cho các cổ vật. Công tác kiểm kê di tích, cấm mốc giới các khu vực di tích trên thực địa, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, lập quy hoạch khảo cổ, quy hoạch tổng thể và công bố danh mục di tích để bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa còn thực hiện chậm do chưa có kế hoạch và lộ trình rõ ràng, khoa học.

4. Những giải pháp cần thực hiện

Để phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế trên, trước hết theo tác giả cần nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với quản lý di tích văn hóa trên địa bàn.

Cấp ủy Đảng có vai trò quan trọng trong công tác quản lý di tích văn hóa ở quận Hoàn Kiếm, do đó cần xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời đưa ra các nghị quyết, phương hướng và giải pháp để quản lý di tích văn hóa trên địa bàn Quận. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di tích lịch sử văn hóa. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng và đảng viên đối với công tác quản lý di tích văn hóa. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chất lượng đảng viên, đặc biệt là nâng cao chất lượng Đảng viên giữ vai trò chủ chốt. Cần phải xác định và giải quyết hợp lý các mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng và bộ máy quản lý ở Quận, đỏi hỏi cấp ủy Đảng phải linh hoạt trong việc xây dựng các phương hướng, rnục tiêu cho việc quản lý và phát triển các hoạt động bảo tồn di tích văn hóa.

Chính quyền cần quan tâm đổi mới, nâng cao, tăng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cơ quan, các phòng ban, nhất là đối với phòng Văn hóa - Thông tin nhằm tăng hiệu quả công việc đối với công tác quản lý di tích văn hóa. Tăng cường sự kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND các phường để hoạt động quản lý được thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối, kế hoạch đã được đặt ra.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan báo chí truyền thông trong công tác quản lý di tích văn hóa. Những chủ thể này có lực lượng đoàn viên hội viên rất lớn,  có tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, vì vậy khi nhận được sự quan tâm, phối hợp của họ sẽ làm cho công tác quản lý xã hội đối với di tích lịch sử văn hóa được toàn diện và hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động lễ hội, các thiết chế văn hóa tại một số vùng, thanh tra hành chính. Phối hợp cùng các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện những hiện tượng sai phạm.

Cần mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý di tích về bảo vệ phát huy giá trị di tích văn hóa trên địa bàn quận. Hiện nay, mô hình hoạt động của Ban quản lý đã, đang giải quyết kịp thời, có hiệu quả đối với các di tích văn hóa vật thể, còn đối với các di tích văn hóa phi vật thể như lễ hội, tín ngưỡng... thực sự ban quản lý di tích chưa với tới được. Do vậy, cần nâng cao trách nhiệm quản lý của ban quản lý di tích bằng việc quản lý toàn bộ các lĩnh vực của di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, thành lập Quỹ bảo tồn di sản có nhiệm vụ kêu gọi, huy động, tìm nguồn tài trợ từ cộng đồng đề phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và khai thác giá trị di tích cả về vật thể lẫn phi vật thể.

Các cơ quan quản lý các cấp cần khai thác thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo, đài, internet...) làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò, giá trị của di tích văn hóa phi vật thể và vật thể ở quận. Nhận thức quyết định hành động của con người. Trong hoạt động quản lý di tích, cần nỗ lực tạo điều kiện cho cộng đồng nhận diện đúng giá trị của di tích văn hóa nói chung, di tích văn hóa nói riêng, được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất thông qua hoạt động giữ gìn, bảo vệ di tích. Qua đó, lòng tự hào, tình yêu di tích văn hóa luôn được giữ lửa trong cộng đồng, tạo ra động lực tinh thần cho họ đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của cho các dự án tu bố, tôn tạo di tích.

Trong việc giáo dục, tuyên truyền về di tích cũng cần chú ý tới thế hệ trẻ, định hướng để cho thế hệ này có sự nhìn nhận đúng về truyền thống văn hóa của dân tộc. Vì vậy, cần tổ chức tuyên truyên, phố biến giá trị di tích trong các trường học, lồng ghép với các chương trình giảng dạy hoặc thông qua các lớp bồi dưỡng, học ngoại khóa, tổ chức tham quan di tích, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, di tích của địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Di sản Văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, NXB Chính trị Quốc gia, 2013, Hà Nội.
  2. Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (2013), Kể hoạch số 51/KH-UBND ngày 10/3/2013 của UBND quận về tuyên truyền, quảng bá Quy hoạch tổng thể khu di tích văn hóa ở Hoàn Kiếm.
  3. Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (2013), Quyết định số 892/QĐ- UBND ngày 10/7/2013 “Về việc thành lập Ban điêu hành hoạt động du lịch quận Hoàn Kiếm”.
  4. Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (2015), Kế hoạch số 55/KH- UBND ngày 20/4/2015 của UBND quận về việc “Triển khai Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 25/12/2014 của HĐND quận Hoàn Kiếm về việc thông qua Đề án quản lý, bảo tồn và phải huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tâm nhìn 2030”.

 

CULTURAL RELICS MANAGEMENT OF HOAN KIEM DISTRICT, HANOI

MAI THI THUY NGAN

Academy of Journalism and Communication

 

ABSTRACT:

Cultural relics are creative works left by our father. History of Vietnam is rich with thousands of years. Throughout Vietnam, there are many cultural relics such as communal houses, temples, shrines, and tombs. These structures are extremely valuable assets that our fathers left. Nowadays, the issue of protecting and promoting the values ​​of cultural relics in order to promote Vietnam’s traditions has always received special attention from administrative agencies for culture. This paper is to study and highlight positive results of the cultural relics management of Hoan Kiem district, Hanoi.

Keywords: Cultural relics, cultural relics management, Hoan Kiem District, Hanoi City.