TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Châu Thành. Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh; Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, nhóm tác giả còn thu thập dữ liệu sơ cấp từ 100 hộ nghèo tại các xã trên địa bàn huyện Châu Thành. Sử dụng phương pháp thông kê mô tả, so sánh, phân tích và đánh giá; nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng quản lý nhà nước đối với hộ nghèo và giảm nghèo của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện. Từ kết quả đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp tăng cường vai trò của Nhà nước nhằm thúc đẩy giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh thời gian tới.

Từ khóa: quản lý nhà nước, giảm nghèo, Khmer, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Trà Vinh được tách ra từ tỉnh Cửu Long năm 1992 (thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh), bao gồm 7 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã thuộc tỉnh, dân số 1.009.168 người, trong đó người dân tộc Khmer 318.231 người, chiếm 31,53%. Toàn tỉnh hiện còn 9.214 hộ nghèo, chiếm 3,22% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh (286.248 hộ). Trong đó, số hộ nghèo là người dân tộc Khmer có 5.394 hộ, chiếm 6,05%. Riêng đối với huyện Châu Thành với diện tích tự nhiên là 34.900,90 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 26.376,80 ha, chiếm 75,58% diện tích tự nhiên. Dân số chung là 40.662 hộ, với 151.209 nhân khẩu; trong đó, hộ dân tộc Khmer là 13.319 hộ, với 50.912 nhân khẩu, chiếm 33,67%...

Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, toàn huyện còn 277 hộ nghèo, chiếm 0,7% và 1.993 hộ cận nghèo, chiếm 5,02%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer là 125 hộ, chiếm 45,12% so với tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo dân tộc Khmer là 1.055 hộ, chiếm 52,93% so tổng số hộ cận nghèo.

Là huyện có tới trên 30% là đồng bào dân tộc Khmer, điều kiện phát triển kinh tế chậm (chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản) nên đời sống nhân dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 0,7%, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer chiếm 45,12% so tổng số hộ nghèo.

Từ đó cho thấy, đời sống người dân trong huyện còn nhiều khó khăn, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khmer. Nguyên nhân chủ yếu do chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của địa phương, số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao, số lao động thiếu việc làm ở nông thôn còn nhiều, đa số hộ nghèo thiếu việc làm ổn định, thu nhập thấp. Bên cạnh đó, cũng có một số hộ nghèo còn trông chờ chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Nhà nước nên việc quản lý và thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương chưa mang tính bền vững.

2. Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về giảm nghèo đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

2.1. Thực trạng hộ nghèo đồng bào dân tộc giai đoạn 2016 - 2021

Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, tình hình hộ nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành còn ở mức rất cao so với các huyện trong tỉnh Trà Vinh, cụ thể như sau:

Hình 1: Kết quả rà soát hộ nghèo hàng năm của huyện Châu Thành
giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021

quản lý nhà nước

Nguồn: Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

Năm 2016, tổng số hộ nghèo là 5.636 hộ, chiếm 14,4% so với tổng số hộ dân cư (trong đó có 3.210 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 56,95% so với tổng hộ nghèo và chiếm 24,84% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Khmer). Năm 2017, Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ trên địa bàn huyện Châu Thành theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số hộ dân của toàn huyện là 39.518 hộ; trong đó, số hộ dân tộc thiểu số là 12.990 hộ, chiếm 32,9%.

Riêng năm 2020, tổng số hộ nghèo giảm còn 788 hộ, chiếm 1,94% so với tổng số hộ dân cư toàn huyện, trong đó: Hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập là 788 hộ, chiếm 100% so với tổng số hộ nghèo. Năm 2021, số hộ nghèo là 277 hộ, chiếm 0,70% so với tổng số hộ dân cư (trong đó có 125 hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 45,12% so với tổng số hộ nghèo).

2.2. Thực trạng quản lý nhà nước về giảm nghèo đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2016 - 2021

Hình 2: Thực trạng quản lý nhà nước về giảm nghèo đồng bào dân tộc huyện Châu Thành

quản lý nhà nước

Nguồn: UBND huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

Giai đoạn 2016 - 2021, công tác giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khmer đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2016 từ 14,4% tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện (tương đương với 5.636 hộ, trong đó, 3.207 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer,  chiếm 56,9% tổng số hộ nghèo) đã giảm xuống còn 788 hộ vào cuối năm 2021. Như vậy, đã giảm tới 86,02% (bình quân hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo là 17,2%), trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer là 376 hộ, chiếm 52,3%.

2.3. Đánh giá công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2016 - 2021

- Công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật chưa liên tục; chưa có tổ chức tuyên truyền nghiêm túc về công tác giảm nghèo, vì vậy số lượng người nghèo có giảm nhưng chưa nhiều.

- Công tác thực hiện chính sách mua bảo hiểm xã hội cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số được tiến hành chưa đồng bộ, thực tế còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Các địa phương đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, nhưng đến 31/5/2018 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 71 để thực hiện chính sách cho nhóm hộ nghèo N2; Đến ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 1010/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 1049/QĐ-TTg làm căn cứ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, từ đó đã làm hạn chế quyền lợi của người dân.

- Trình độ, năng lực của các cán bộ trong công tác xóa đói giảm nghèo còn thấp, việc theo dõi, quản lý hộ nghèo ở địa phương chưa sát, chưa xác định rõ nguyên nhân nghèo để hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

- Nguồn vốn tín dụng cho vay hộ nghèo dư nợ nhiều do tồn tại qua nhiều năm. Người dân thực hiện đáo hạn theo định kỳ để không trở thành nợ quá hạn, nhưng thực tế nguồn vốn còn nằm trong hộ gia đình rất ít, vì vậy hiệu quả nguồn vốn mang lại không cao.

- Khả năng quản lý và sử dụng các nguồn vốn của một số xã, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu, sự chỉ đạo và tác động của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở đối với nguồn vốn đầu tư chưa cao. Việc triển khai xây dựng các dự án, phương án từ nguồn vốn của Chương trình còn rất chậm so với thời gian đã được phân bổ vốn.   

4. Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

4.1. Tạo điều kiện để người Khmer tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo.

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 01/8/2018 của Huyện ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, gắn với xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai công tác giảm nghèo hàng năm. Triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, người đồng bào dân tộc; Nhân rộng mô hình giảm nghèo; Nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá chương trình.

4.2. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình, sáng tạo có hiệu quả về giảm nghèo

- Tuyên truyền kết quả việc thực hiện kế hoạch giảm nghèo để khuyến khích, nâng cao trách nhiệm của hộ dân và các ngành, các cấp; kịp thời phát huy, khen thưởng những người vượt khó vươn lên thoát nghèo; những tập thể cá nhân, có thành tích trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác giảm nghèo, đề cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững tại cơ sở.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc lập kế hoạch và xây dựng giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo cụ thể hàng năm; triển khai và thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ, chăm lo về vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (tập trung vào những hộ trong danh sách dự kiến thoát nghèo hàng năm) và các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế,… tạo điều kiện để hộ nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, hạn chế tối đa nghèo phát sinh và tái nghèo. Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm bợ cho hộ nghèo khó khăn nhà ở, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, nhằm đồng bộ chính sách nhà ở cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách.

- Hàng năm, khai thác tốt các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ, xây dựng các mô hình thiết thực, phù hợp nhu cầu của từng địa phương, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, động viên người dân phát huy nội lực, ý chí tự lực vươn lên không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên khá, giàu.

4.3. Xã hội hóa công tác giảm nghèo thông qua các nguồn lực xã hội

-  Vận động doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài huyện đồng góp Quỹ vì người nghèo. Huy động sử dụng vốn, hỗ trợ của các đoàn thể, các tổ tiết kiệm, tương trợ, hùn vốn luân phiên xây dựng nhà ở… để hộ nghèo giúp nhau trong sản xuất và cuộc sống. Huy động nguồn lực, khai thác tốt các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các chính sách đối với vùng nông thôn, cùng với nguồn lực của huyện, nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.

 Hỗ trợ cho con em các hộ nghèo, nhất là con em hộ nghèo dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật được đến trường, học nghề để có cơ hội cải thiện cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã, ấp có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện cuộc sống và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

4.4. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về các chính sách giảm nghèo

Tăng cường tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động trong hộ nghèo, nhất là các ngành nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xuất khẩu lao động một cách thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của từng hộ.

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm và chương trình xuất khẩu lao động. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và dạy nghề; chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, xây dựng nhiều mô hình ứng dụng có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và những mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất của hộ nghèo, người nghèo. Chú trọng chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ có liên quan đến sản xuất nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với hỗ trợ phát triển các làng nghề, tổ chức liên kết, hợp tác đảm bảo thị trường đầu ra của sản phẩm. Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đã thoát nghèo, đặc biệt ưu tiên những hộ nằm trong danh sách dự kiến thoát nghèo của xã, thị trấn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Thực hiện kiên cố hóa trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện chính sách nhằm thu hút đội ngũ y, bác sĩ về công tác tại địa phương, nhất là đối với tuyến cơ sở; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ưu tiên vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, nâng cao chất lượng nước hợp vệ sinh, nước sạch sử dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Quế Anh (2017). Hoạt động công tác xã hội trong giảm nghèo bền vững tại thành phố Nam Định tỉnh Nam Định. Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành: Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội.
  2. Lâm Vĩnh Ái (2017). Chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc Thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành: Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia.
  3. Phạm Quốc Cường (2017). Quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thỉểu số trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Luận văn thạc sĩ, Chuyên ngành: Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  4. Liêu Khắc Dũng (2017). Quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Quản lý công, Học viện Hành vhính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  5. Hồ Thụy Đình Khanh (2018). Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành: Chính sách công, Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  6. Trần Thị Bích Lệ (2017). Quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Binh Phước. Luận văn thạc sĩ, Chuyên ngành: Quản lý ông, Học viện Hành chính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  7. Nguyễn Thị Linh (2015). Giải pháp khắc phục những rào cản trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành: Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  8. Lương Hoàng Nhanh (2019). Quản lý nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Luận văn thạc sĩ, Chuyên ngành: Quản lý công, Trường Đại Học Trà Vinh.
  9. Thái Thọ (2019). Quản lý nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn Huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam. Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành: Quản lý Kinh tế, Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  10. UBND huyện Châu Thành (2020). Báo cáo số 184/BC-UBND ngày 26/3/2020 của UBND huyện Châu Thành về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của UBND Huyện Châu Thành.
  11. UBND tỉnh Trà Vinh (2022). Quyết định số 9649/QĐ-UBND, ngày 30/12/2021 của UBND huyện về việc phê duyệt kết quả ra soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên địa bàn Huyện Châu Thành.

THE STATE MANAGEMENT OF POVERTY REDUCTION

FOR KHMER PEOPLE LIVING IN CHAU THANH DISTRICT,

TRA VINH PROVINCE

Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN HONG HA1

• DUONG NHUT TRUONG2

1Vice Dean, Faculty of Economics and Law, Tra Vinh University

2People's Committee of Chau Thanh district, Tra Vinh province

ABSTRACT:

This study is to improve the state management of poverty reduction for Khmer people living in Chau Thanh district, Tra Vinh province. The study was carried out by collecting secondary data from the Department of Labor, Invalids and Social Affairs of Tra Vinh province, the People's Committee of Chau Thanh district for the period from 2016 to 2020. This study also collected primary data from 100 poor households in Chau Thanh district’s communes. Statistical methods were used to analyzed collected data. Based on the study’s results, some solutions are proposed to strengthen the state management of poverty reduction for Khmer people in Chau Thanh district, Tra Vinh province in the coming time.

Keywords: state management, poverty reduction, Khmer, Chau Thanh district, Tra Vinh province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]