Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy: Từ thực tiễn tại tỉnh Bình Dương

LÊ VĂN GẤM (Trường Đại học Thủ Dầu Một)

TÓM TẮT:

Ma túy là mối hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, tình hình tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết này được thực hiện dựa trên những nghiên cứu cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn của quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy tại tỉnh Bình Dương.

Từ khóa: Ma túy, phòng chống ma túy, tệ nạn, quản lý nhà nước, tỉnh Bình Dương.

1. Các khái niệm

1.1. Khái niệm về ma túy

Theo nghĩa gốc Hán - Việt, ma túy có nghĩa là “làm mê mẩn”. Trong từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê, 2012, tr. 778): “Ma túy được hiểu là tên gọi chung các chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện. Nghiện ma túy. Nạn ma túy”.  

Theo Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961, 1971, 1981 của Liên Hợp quốc thì: Ma túy nghĩa là bất kỳ chất liệu nào trong danh mục các chất ma túy, tiền chất và các chất hó học dùng để điều chế các chất ma túy theo bảng I, bảng II (Đi kèm Công ước) dù dưới dạng tự nhiên hay tổng hợp được ban hành theo Nghị định của Chính phủ số 67/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2001([1]).

Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 đã quy định các tội phạm về ma túy. Theo đó ma túy bao gồm: Nhựa, lá, hoa, quả tươi và khô sấy thuốc phiện, cây cần sa; Hêrôin, Côcain; Các chất ma tuý tổng hợp ở thể lỏng, thể rắn,...

1.2. Khái niệm quản lý nhà nước về phòng chống ma túy

Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy là một dạng quản lý xã hội dựa trên cơ sở của pháp luật - hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức xã hội do nhà nước ủy quyền, được tiến hành trên cơ sở pháp luật, để thi hành pháp luật nhằm thực hiện các chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy là một nhiệm vụ trọng yếu trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và an toàn xã hội (quản lý dựa trên cơ sở thực thi pháp luật).

2. Thực trạng ma túy tại tỉnh Bình Dương

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những trung tâm phát triển năng động, có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao. Tỉnh Bình Dương có 3 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện (với 41 phường, 2 thị trấn và 50 xã), với nhiều khu công nghiệp thu hút lao động của các tỉnh, thành phố trong cả nước và cả người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.

Thực trạng tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Dương([2]) cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất, đã xuất hiện các đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn tỉnh Bình Dương để trung chuyển ma túy số lượng lớn. Phương thức thủ đoạn của tội phạm về ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động, trang bị vũ khí nóng sẵn sàn chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, chúng cấu kết với các đối tượng hình sự hoạt động băng nhóm. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy không có chiều hướng giảm mà còn gia tăng, lan rộng ra tất cả các huyện, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy không chỉ ở lứa tuổi thanh niên mà còn ở tuổi vị thành niên. Qua khảo sát, toàn Tỉnh có 2.773 người nghiện, so với cùng kỳ tăng 280 đối tượng (+11,23%) nhưng con số thực tế chưa thống kê được còn nhiều hơn. Hiện nay, việc sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” ngày càng phổ biến và dần thay thế heroin, các đối tượng thường tụ tập thành từng nhóm tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện như bar, karaoke, nhà nghỉ, nhà trọ để vừa sử dụng vừa mua bán trái phép chất ma túy.

Vì thế, ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động phòng, chống ma túy như Sắc lệnh số 47/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc giữ tạm thời các luật, lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ quy định về các tội phạm ma túy do không trái với nội dung chính thể Cộng hòa cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn quốc; Nghị định số 150/TTg ngày 5/3/1952 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc xử lý đối với những hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện; Nghị định số 225/TTg ngày 22/12/1952 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế tài đối với những người có hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện như hình thức phạt tiền, tịch thu thuốc phiện hoặc bị truy tố trước tòa án nhân dân; Nghị định số 580/TTg ngày 15/9/1955 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung Nghị định số 150/TTg quy định những trường hợp có thể bị đưa ra Tòa án để xét xử.

Bên cạnh đó, nhằm kịp thời phòng, chống các tệ nạn ma túy, ngày 09/12/2000, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy và luật này có hiệu lực từ ngày 01/6/2001. Đây có thể coi là cơ sở pháp lý quan trọng của hoạt động phòng, chống ma túy tại Việt Nam hiện nay.

3. Thực hiện chính sách, kế hoạch về phòng chống ma túy

Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm bằng việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy. Đáng chú ý là Luật Phòng, chống ma túy - văn bản pháp lý, cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan tổ chức trong phòng, chống ma túy (được quy định từ Điều 6 đến Điều 14, Chương II Luật Phòng, chống ma túy). Pháp luật, với những giá trị vốn có của nó đã trở thành công cụ chủ yếu để Nhà nước thực hiện sự quản lý đối với xã hội nói chung, lĩnh vực phòng, chống ma túy nói riêng.

Để quản lý nhà nước về phòng, chống tội ma túy có hiệu quả, trước hết Nhà nước phải ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách cụ thể để tác động, điều chỉnh tổng thể các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức, hoạt động có liên quan đến ma túy và đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thuộc lĩnh vực này sẽ bao gồm các hoạt động cụ thể như: Xây dựng chính sách, luật pháp làm cơ sở xây dựng chiến lược, kế hoạch về phòng, chống ma túy; Ban hành các văn bản quy định danh mục chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần,…

Riêng chính sách phòng, chống ma túy của ủy ban nhân dân cấp tỉnh là một tập hợp các quyết định chính trị - pháp lý có liên quan của Nhà nước để lựa chọn mục tiêu và những giải pháp, công cụ chính sách phòng, chống ma túy nhằm giải quyết các vấn đề chính sách phòng, chống ma túy theo mục tiêu tổng thể đã xác định của chủ thể quyền lực.

Pháp luật về phòng, chống ma túy là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân, được Nhà nước đảm bảo thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động của phòng, chống ma túy vì mục đích bảo vệ, bảo đảm cuộc sống có an ninh, trật tự của con người và sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm tra đánh giá tình hình phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh, triển khai và nhân rộng các phong trào, mô hình phòng, chống ma túy tiên tiến; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất với các cơ quan chuyên môn cấp trên.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp với giữa các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể liên quan để tổ chức tuyên truyền, vận động, phòng, chống ma túy; quản lý và giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Nhân sự làm công tác phòng, chống ma túy là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ đồng thời phải hiểu biết, am hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy và có kiến thức toàn diện, bao quát, chuyên sâu đối với lĩnh vực đặc thù là ma túy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện bằng nhiều hình thức như cung cấp tài liệu, tập huấn, tham gia các lớp học ngắn hạn, dài hạn về quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy nói riêng.

Cuối cùng, nhận thức được công tác phòng, chống ma túy là vấn đề “nhạy cảm”, gây ra mất an toàn xã hội, cho nên, chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh Bình Dương xác định quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và giải quyết tốt mối quan hệ xã hội; cộng đồng dân cư chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh và lịch sự./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Chính phủ (2011), Nghị định số 17/2011/NĐ-CP Bổ sung, sửa tên chất, tên khoa học đối với một số chất thuộc Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 của Chính phủ và Nghị định số 163/2007/NĐ-CP ngày 12/11/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001.

2. Công an tỉnh Bình Dương, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (2019), Báo cáo số 44/BC-PC04 ngày 10/6/2019 công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy 6 tháng đầu năm 2019 (từ ngày 16/11/2018 đến ngày 15/5/2019), tr. 1.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Thị Mai Anh (2017), Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Luận văn thạc sĩ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia.

2. Võ Thị Trâm Anh (2019), Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 từ thực tiễn tỉnh Bình Dương, Luận văn thạc sĩ Luật hiến pháp và luật hành chính, Học viện Khoa học xã hội.

3. Học viện Hành chính Quốc gia (2002), Giáo trình quản lý nhà nước về an ninh - quốc phòng, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 19.

 The role of state management in drug prevention and control from practical perspectives in Binh Duong Province

Le Van Gam

Thu Dau Mot University

ABSTRACT:

Drug is a great danger to the whole society, harms health, degrades the dignity of human beings, destroys family happiness, and seriously affects social order, safety and national security. Vietnam in general and Binh Duong Province in particular pay special attention to the fight against drugs in order to lower the number of drug addicts. This article is based on theoretical, legal and practical studies on the state management in drug prevention and control in Binh Duong Province.

Keywords: Drugs, drug prevention, evils, state management, Binh Duong Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]