Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1724/QĐ-BCT ngày 7/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 8/7/2021 Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hành công văn gửi Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên… yêu cầu các đơn vị chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống tại địa phương.

Bên cạnh đó, đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá hàng hoá bất hợp lý nhưng không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hoá, nhất là việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.

TP HCM tăng cường các biện pháp phòng chống dịch covid-19
Từ ngày 31/1/2020 đến ngày 12/7/2021, tổng số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng lên đến 9.751 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,78 tỷ đồng

Trước đó, với những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về thực hiện biện pháp chủ động phòng chống dịch, Tổng cục QLTT đã ra nhiều văn bản, công văn đốc thúc Cục QLTT các địa phương tăng cường các biện pháp, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, công văn số 846/TCQLTT-CNV ngày 10/5/2021 yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.

Tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh. Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tính đến ngày 12/7/2021, báo cáo nhanh của lực lượng QLTT cả nước cho biết, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ. Các hành vi vi phạm như đầu cơ, găm hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết… bị xử phạt nghiêm.

Kết quả, từ ngày 24/7/2020 đến ngày 12/7/2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 458 vụ; tổng số tiền xử phạt là 1,83 tỷ đồng. Từ ngày 31/01/2020 đến ngày 12/7/2021, tổng số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng QLTT lên đến 9.751 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,78 tỷ đồng.

Điển hình, tại Hà Nội, trong tháng 5 và 6/2021, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng trăm bộ test nhanh Covid-19, cũng như một lượng lớn nước sát khuẩn, găng tay y tế giả, đã qua sử dụng.

Cụ thể, ngày 7/6/2021, Đội QLTT số 13 phối hợp với Công an quận Cầu Giấy kiểm tra, phát hiện xe ô tô vận chuyển 400 hộp dụng cụ xét nghiệm Covid-19 Q Standard Covid-19 Ag Home Test loại 02 bộ/hộp có ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe Trần Hoàng Anh không xuất trình được hoá đơn chứng từ hợp pháp kèm theo. Đội QLTT số 13 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

bộ kit test nhanh Covid-19
Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng trăm bộ kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc

Ngày 3/6/2021, Đội QLTT số 1 cũng kiểm tra phát hiện 29 hộp Test thử nhanh Covid-19 nhãn “GICA Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle For IVD Use only. HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA” tại cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Bà Đào Hồng Thắm không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Qua thẩm tra xác minh, Đoàn kiểm tra xác định số hàng hóa trên là hàng hóa nhập lậu..

Tại Sơn La, ngày 30/5/2021 Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Sơn La tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh của ông Vũ Đức Công ở Bản Thẳm, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang bày bán 243 hộp khẩu trang (12.150 chiếc) trên bao bì không thể hiện thông tin nơi sản xuất hàng hóa, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên.

Tại Lạng Sơn, ngày 18/5/2021, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với Đội Tuần tra Kiểm soát Giao thông đường bộ cao tốc số 2 thuộc Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ- Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tiến hành kiểm tra xe ô tô khách 16 chố biển kiểm soát 29B 043.02 do ông Đỗ Ngọc Anh sinh năm 1992, địa chỉ Khối 5 thị trấn Nhã Nam huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang điều khiển vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 200 chiếc máy đo nhiệt kế hồng ngoại nhãn hiệu CK-T1803 do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp có trị giá khoảng 20 triệu đồng, cùng nhiều loại hàng hóa vi phạm khác.

Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm trên, tiếp tục xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan để xử lý vụ việc theo quy định.

Tại Hưng Yên, ngày 13/5/2021, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Hưng Yên phối hợp với Đội 3 – Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH đầu tư và phát triển công nghệ GSE tại thôn Hành Lạc - Như Quỳnh - Văn Lâm - Hưng Yên.

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty đang thực hiện gia công theo hợp đồng mặt hàng găng tay y tế. Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện 1.065kg găng tay cao su chứa đựng trong các bao tải dứa không có nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số găng tay cao su nói trên.

Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 20/5/2021, Đội QLTT số 6 kiểm tra 5 điểm kinh doanh khẩu trang vải có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại các điểm: cửa hàng Ngọc Nguyên, địa chỉ 98 đường Tháp Mười, phường 2, quận 6; cửa hàng Thành Đạt, địa chỉ sap 1A chợ Bình Tây, cửa hàng Thu Hà, địa chỉ sạp 4A chợ Bình Tây; cửa hàng Bảo Ngọc, địa chỉ 66 đường Tháp Mười, phường 2, quận 6 và cửa hàng Phong Phú 1, địa chỉ 04-06 đường Nguyễn Hữu Thận, phường 2, quận 6. Đội lập biên bản tạm giữ 1.470 cái khẩu trang hiệu Chanel để xử lý.

Ngày 17/5/2021 Đội QLTT số 17 kiểm tra hiệu thuốc số 19 thuộc Công ty TNHH Usar Việt Nam địa chỉ 94 đường Nguyễn Văn Lạc, phường 19, quận Bình Thạnh do bà Nguyễn Thị Minh Châu làm đại diện nhà thuốc. Tại đây đang kinh doanh 302 cái găng tay cao su y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá 906.000 đồng. Đội lập biên bản tạm giữ số hàng trên để xử lý…

Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục yêu cầu lực lượng QLTT chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.

Cùng với đó, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.