Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng:Góp phần thiết thực cho khôi phục và tăng độ che phủ của rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) qua 11 năm triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng (Quỹ) được thành lập từ năm 2009, là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN&PTNT. Với chức năng nhiệm vụ được giao, hơn 10 năm qua Quỹ đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, chủ động, kịp thời tham mưu cho Hội đồng quản lý, Sở NN&PTNT và UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trên địa bàn tỉnh.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Lâm Đồng
Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Lâm Đồng

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 38 nhà máy thủy điện; 18 nhà máy (đơn vị) sản xuất và cung cấp nước sạch, 34 điểm du lịch và 5 cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Trong những năm qua, Quỹ thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, bằng nhiều hình thức phù hợp từng đối tượng nhằm thường xuyên nâng hiểu biết về chính sách và kết quả thực hiện tại địa phương. Từ đó,nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân và các đối tượng liên quan trực tiếp chính sách, nhất là người dân sống gần rừng, các chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, được nâng lên rõ rệt và cùng đồng hành với chính sách suốt thời gian qua. Từ đó, tạo được sự đồng thuận và tích cực tham gia chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mục tiêu tạo sự công bằng. Hầu hết các đơn vị sử dụng dịch vụ đều chấp hành nộp tiền đầy đủ kịp thời; chủ rừng, hộ nhận khoán đã thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng cung ứng DVMTR.

Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã thu được một nguồn tài chính lớn ngoài ngân sách nhằm phục vụ lại cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh và cụ thể hóa được chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và nhà nước. Tiền thu từ DVMTR đã hỗ trợ và giảm chi từ nguồn ngân sách cho nhiệm vụ BV&PTR hàng năm;

Trong giai đoạn 2009-2019, tổng số tiền DVMTR thu được là 1.754 tỷ đồng (bình quân 175,4 tỷ đồng/năm); trong đó: Thu từ thủy điện chiếm 94,6% tổng thu. Đến năm 2019, diện tích rừng cung ứng được chi trả hàng năm là: 392.000 ha. Ngoài tiền chi trả cho diện tích cung ứng, hàng năm tiền thu từ DVMTR còn hỗ trợ một số hoạt động BV&PTR tại địa phương.

Đồng thời, hàng năm có khoảng 16.000 hộ (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn) nhận khoán BVR từ diện tích được chi trả với các chủ rừng nhà nước. Với đơn giá khoán đến hộ từ 550.000-650.000 đồng/ha/năm và diện tích nhận 20ha - 30ha/hộ đã tạo thu nhập bình quân cho mỗi hộ từ 12,0 triệu -18,0 triệu đồng/hộ/năm; cùng với chính sách ưu tiên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán BVR của UBND tỉnh thì nguồn thu nhập này mang tính ổn định và là một yếu tố rất quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo cho đối tượng này.

Diện tích rừng được chi trả lớn (71,2% diện tích rừng toàn tỉnh), cùng với đơn giá cao hơn so với đơn giá chi trả bằng nguồn vốn ngân sách trước đây và lực lượng nhận khoán BVR đã tạo điều kiện cho các chủ rừng chủ động tổ chức lực lượng và bảo vệ tốt hơn diện tích rừng được giao góp phần làm hạn chế việc phá rừng mỗi năm trên 5%; khôi phục và tăng độ che phủ của rừng.

Chung Thắng