Quy mô và hiệu quả sử dụng tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần giai đoạn 2010 - 2021

ThS. Hoàng Quang Dũng (Ngân hàng TMCP Bắc Á)

Tóm tắt:

Bài viết này tập trung đánh giá những thay đổi về quy mô, chất lượng và hiệu quả sử dụng tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) trong giai đoạn 2010 - 2021, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển cho giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Từ khóa: hiệu quả sử dụng tài sản, ngân hàng thương mại cổ phần, giai đoạn 2010 - 2021.

1. Đặt vấn đề

Trải qua 2 giai đoạn tái cơ cấu 2011 - 2015 và 2016 - 2021, hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, như: thanh khoản được đảm bảo, nợ xấu được kiểm soát, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn hoạt động theo thông lệ quốc tế.

Kết thúc năm 2021, Tổng tài sản của toàn ngành không chỉ đạt mức tăng trưởng ấn tượng về quy mô mà chất lượng tài sản và hiệu quả sinh lời cũng được cải thiện rõ rệt. Đây là một trong những kết quả nổi bật trong giai đoạn vừa qua và là cơ sở quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành Ngân hàng trong các giai đoạn tiếp theo.

Bài viết này tập trung đánh giá những thay đổi về quy mô, chất lượng và hiệu quả sử dụng tài sản của các NH TMCP trong giai đoạn 2010 - 2021, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển cho giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bài viết sử dụng số liệu Báo cáo tài chính hợp nhất của 22 ngân hàng không do Nhà nước sở hữu cổ phần chi phối và có đầy đủ Báo cáo tài chính hợp nhất được công bố trên website của các ngân hàng từ năm 2010 đến năm 2021 (bao gồm ABB, BAB, MSB, NAB, NVB, MBB, SHB, SCB, SGB, STB, VPB, OCB, HDB, VIB, VAB, LPB, EIB, PGB, ACB, KLB, SSB, TCB).

2. Những thay đổi về quy mô, chất lượng và hiệu quả sử dụng tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần trong giai đoạn 2010 - 2021

2.1. Quy mô và tăng trưởng Tổng tài sản

Trong giai đoạn 2010 - 2021, Tổng tài sản của các ngân hàng tăng trưởng khá, với tốc độ trung bình 18%/năm. (Hình 1)

Hình 1: Tổng tài sản của các ngân hàng giai đoạn 2010 - 2021

Đơn vị: nghìn tỷ đồng, %

tài sản

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Giai đoạn 2008 - 2010, kinh tế thế giới trải qua cuộc khủng hoảng và suy thoái kéo dài cùng với sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn. Hoạt động ngân hàng - tài chính trong nước cũng bộc lộ nhiều rủi ro và bất ổn từ sau năm 2010. Cuối năm 2012, Tổng tài sản của 22 NH TMCP được nghiên cứu giảm nhẹ 2% so với năm 2011.

Từ năm 2013 đến năm 2021, Tổng tài sản tăng trưởng mỗi năm đạt trên 10%. Sự tặng trưởng đó là những tác động tích cực từ Đề án Tái cơ cấu hệ thống NHTM, cùng với các quy định siết chặt trong lĩnh vực đầu tư vàng, bất động sản, ngoại hối,… khiến nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng trở nên ổn định, các TCTD yếu kém được xử lý và kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng tín dụng được phục hồi qua các năm.

2.2. Cơ cấu tài sản

Cơ cấu tài sản của các ngân hàng có sự dịch chuyển rõ rệt từ năm 2010 đến năm 2021 theo hướng tăng dần tỷ trọng Cho vay khách hàng và giảm dần tỷ trọng của các khoản mục khác, cụ thể như Hình 2

Hình 2: Cơ cấu tài sản của các ngân hàng giai đoạn 2010 - 2021

tài sản

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Năm 2010, Cho vay khách hàng chỉ chiếm tỷ trọng 44% trên Tổng tài sản. Đứng thứ hai là các khoản đầu tư (bao gồm đầu tư chứng khoán và góp vốn đầu tư dài hạn) với 21%. Các khoản mục còn lại như tiền mặt, tiền gửi và cho vay tại TCTD khác, tài sản cố định, tài sản Có khác,… chiếm 35% Tổng tài sản. Đến cuối năm 2021, tỷ trọng Cho vay khách hàng trên Tổng tài sản tăng lên 63%, đầu tư giảm còn 14%. Tỷ trọng của các khoản mục còn lại trong Tổng tài sản cũng giảm đáng kể so với những năm đầu giai đoạn.

Như vậy, nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng chủ yếu được sử dụng cho hoạt động cấp tín dụng, góp phần đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn và hỗ trợ phát triển cho các khu vực kinh tế theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

2.3. Cho vay khách hàng

2.3.1. Quy mô, tăng trưởng

Sau thời kỳ tăng trưởng nóng (2008 - 2010), Cho vay khách hàng từ năm 2011 đến năm 2021 tăng trưởng chậm lại và ổn định trong mức giới hạn được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước. (Hình 3)

Hình 3: Quy mô và tốc độ tăng trưởng Cho vay khách hàng giai đoạn 2010 - 2021

Đơn vị tính: nghìn tỷ đồng, %

tài sản của ngân hàng thương mại

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Khi hoạt động ngân hàng - tài chính trong nước phải đối mặt với nhiều rủi ro, do các NHTM cấp tín dụng quá lớn vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã giao giới hạn tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng/nhóm ngân hàng dựa trên kết quả phân loại TCTD. Từ đó, tốc độ tăng trưởng Cho vay khách hàng giảm đáng kể so với giai đoạn trước, đạt 14 - 17% từ năm 2011 đến năm 2013.

Kể từ năm 2014, nợ xấu cơ bản được xử lý, thanh khoản được đảm bảo, lãi suất thị trường dần ổn định, hoạt động Cho vay khách hàng bắt đầu tăng trưởng trở lại, nhưng không quá nóng như giai đoạn trước. Tốc độ tăng trưởng chung của cả nhóm đạt 27% tại thời điểm cuối năm 2015 - mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Cho vay khách hàng duy trì tốc tăng trưởng khá (trung bình 18%/năm), tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, cho vay đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời tuân thủ giới hạn tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

2.3.2. Chất lượng tín dụng

Tỷ lệ nợ xấu tăng dần từ năm 2010 đến năm 2012 và giảm dần về mức 1,7% vào cuối năm 2015, sau đó tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp từ năm 2016 đến nay. (Hình 4)

Hình 4: Tỷ lệ nợ xấu của nhóm 22 ngân hàng giai đoạn 2010 - 2021

tài sản của ngân hàng thương mại

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu của cả nhóm 22 ngân hàng được nghiên cứu tại cuối năm 2012 là 4,0% - mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Nợ xấu tại thời điểm này là hệ quả của quá trình tăng trưởng nóng và tập trung tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro cao trong giai đoạn trước, cùng với tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Triển khai nội dung của Đề án Tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng thực hiện sáp nhập và mua lại những ngân hàng yếu kém, thành lập Công ty mua bán nợ của các TCTD (VAMC), định hướng cơ cấu tín dụng theo hướng hạn chế cho vay phi sản xuất,… Cùng với đó, các NHTM đã tập trung xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro hoặc bán nợ cho VAMC, thắt chặt các điều kiện cấp tín dụng, tăng cường quản lý rủi ro tín dụng,… Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đã giảm về mức 1,7% vào cuối năm 2015 và tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 3% trong các năm tiếp theo. Đây là một trong những kết quả nổi bật xuyên suốt 2 giai đoạn tái cơ cấu vừa qua.

Một số ngân hàng có thành tích tốt trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng và có tỷ lệ nợ xấu thấp trong cả nhóm là BAB, ACB, TCB. Trong đó, BAB và ACB có tỷ lệ nợ xấu luôn dưới 1% kể từ năm 2015 và năm 2016 đến nay, còn TCB có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong 22 ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2020 - 2021 (0,5% và 0,7%).

2.3.4. Dự phòng rủi ro (DPRR) cho vay khách hàng

Khả năng chống đỡ rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu, bù đắp rủi ro tín dụng trong tương lai được xác định bằng tỷ lệ Quỹ DPRR cho vay khách hàng trên tổng nợ xấu. (Hình 5)

Hình 5: Tỷ lệ Quỹ DPRR cho vay khách hàng/tổng nợ xấu cho vay khách hàng giai đoạn 2010 - 2021

tài sản của ngân hàng thương mại

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu của nhóm 22 ngân hàng được ghi nhận cao nhất trong giai đoạn 2010 - 2021 là 4,0% vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp phân loại nợ theo thông lệ quốc tế thì nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam còn cao hơn rất nhiều. Cuối năm 2012, tỷ lệ Quỹ DPRR/Nợ xấu giảm mạnh so với giai đoạn 2010 - 2011, chỉ đạt 44%.

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN đã siết chặt các quy định về phân loại nợ, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của các TCTD. Mặt khác, các ngân hàng cũng chủ động trích lập DPRR nghiêm túc, đầy đủ theo Thông tư 02, vì đây là nguồn chính để xử lý nợ xấu. Do đó, tỷ lệ Quỹ DPRR/Nợ xấu tăng dần, đảm bảo vai trò chống đỡ rủi ro và bù đắp cho các tổn thất tín dụng trong tương lai của Quỹ DPRR.

Cũng cần nhấn mạnh thêm là, dự phòng chung thường chiếm từ 40 - 60% tổng Quỹ DPRR của các ngân hàng. Vì dự phòng chung được tính trên số dư của các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 nên tỷ lệ này càng cao phản ánh chất lượng nợ càng tốt.

2.4. Hoạt động đầu tư

Hoạt động đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2021 không tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng trưởng đầu tư qua các năm không đồng đều và tỷ trọng đầu tư trên Tổng tài sản có xu hướng giảm dần. (Hình 6)

Hình 6: Quy mô và tốc độ tăng trưởng đầu tư giai đoạn 2010 - 2021

Đơn vị tính: nghìn tỷ đồng, %

tài sản của ngân hàng thương mại

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Trong danh mục đầu tư của các ngân hàng, đầu tư chứng khoán thường chiếm trên 90%, góp vốn đầu tư dài hạn chỉ chiếm dưới 10%.

Các chứng khoán phần lớn đều có độ an toàn cao, được các ngân hàng nắm giữ ngoài mục đích sinh lời còn vì mục đích dự trữ thanh khoản. Tỷ lệ dự phòng rủi ro trên tổng số dư chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư qua các năm chỉ dưới 5%, chất lượng của các chứng khoán được đảm bảo, do đó có tính thanh khoản cao và có thể cho mức sinh lời ổn định.

Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các TCTD trong giai đoạn này được kiểm soát chặt chẽ theo quy định của Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 và định hướng của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả là: tình trạng sở hữu chéo giữa các TCTD được xử lý cơ bản triệt để; các ngân hàng cũng cơ cấu lại danh mục góp vốn đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, tránh đầu tư dàn trải, thoái dần vốn khỏi các đơn vị hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hoặc không nằm trong lĩnh vực ưu tiên.

Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ dự phòng giảm giá đầu tư/giá trị góp vốn đầu tư dao động trong khoảng 10-15%. Việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn được các TCTD thực hiện theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

2.5. Tài sản Có khác

Tỷ trọng tài sản Có khác và các khoản lãi, phí phải thu trên Tổng tài sản giảm dần trong giai đoạn vừa qua, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản của các ngân hàng. (Hình 7)

Hình 7: Tỷ lệ Tài sản Có khác/Tổng tài sản và Lãi, phí phải thu/Tổng tài sản giai đoạn 2010 - 2021

tài sản của ngân hàng thương mại

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Tài sản Có khác bao gồm các khoản phải thu (phải thu bên ngoài, phải thu nội bộ); các khoản lãi và phí phải thu (từ tiền gửi, cho vay, đầu tư chứng khoán, công cụ tài chính phái sinh và các khoản phí khác); các công cụ dụng cụ và chi phí chờ phân bổ,… trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản lãi và phí phải thu.

Trong quá trình tái cơ cấu, các ngân hàng đã tập trung rà soát các khoản lãi, phí phải thu đặc biệt là phải thu từ tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ thích hợp đồng thời điều chỉnh chính sách quản lý, kiểm soát chặt chẽ lãi, phí phải thu cũng như các tài sản Có khác. Tỷ lệ tài sản Có khác/Tổng tài sản từ năm 2015 đến nay chỉ dao động quanh mức 8%. Lãi và phí phải thu/Tổng tài sản cũng giảm dần từ 3,8% vào năm 2015 xuống còn 2,5% vào cuối năm 2021.

2.6. Hiệu quả sinh lời của tài sản

2.6.1. Tỷ lệ Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản (ROA)

ROA của cả nhóm 22 ngân hàng giảm dần trong suốt giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 và bắt đầu tăng trưởng trở lại từ năm 2016 đến năm 2021. (Hình 8)

Hình 8: ROA của nhóm 22 ngân hàng trong giai đoạn 2010 - 2021

tài sản của ngân hàng thương mại

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Bước vào đầu giai đoạn 2010 - 2021, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lợi nhuận kinh doanh của các ngân hàng trong nước suy giảm đáng kể khi phải đối diện với tình trạng thanh khoản khó khăn, nợ xấu tăng cao, tăng trưởng tín dụng bị hạn chế. Trong khi đó, Tổng tài sản vẫn tăng nhẹ qua từng năm. Năm 2015, ROA của cả nhóm chỉ đạt 0,5% - mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua.

Từ năm 2016 trở đi, kinh tế phục hồi, ổn định cùng với quá trình tái cơ cấu các TCTD bắt đầu cho thấy hiệu quả rõ nét. Hầu hết các ngân hàng đã năng động thích ứng với bối cảnh mới, nhanh chống đầu tư cho công nghệ, phát triển nhanh các dịch vụ tiện ích hiện đại, từ đó tạo ra sự bứt phá về lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong các năm gần đây. Do đó, hiệu quả sử dụng tài sản cũng tăng mạnh và đạt 1,6% vào cuối năm 2021 - mức cao nhất trong cả giai đoạn.

Một số ngân hàng thường có tỷ lệ ROA trên 2% - cao hơn so với mặt bằng chung của cả nhóm là: MBB, VPB, ACB và TCB. Đây đều là các ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn và mức tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng trong thời gian vừa qua.

2.6.2. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM)

Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng chỉ sụt giảm vào các năm 2013 - 2014 và tăng dần từ năm 2015 đến năm 2021. (Hình 9)

Hình 9: NIM của nhóm 22 ngân hàng trong giai đoạn 2010 - 2021

tài sản của ngân hàng thương mại

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất đã kiểm toán của các ngân hàng

Thu nhập từ lãi chiếm phần lớn trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, do đó, NIM càng cao thì ngân hàng càng có lợi nhuận lớn, đồng thời phản ánh kết quả của một cấu trúc huy động vốn/sử dụng vốn hợp lý. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường tiêu dùng và bán lẻ phát triển nhanh chóng, các ngân hàng đều tăng cường đầu tư vào công nghệ, dịch vụ, tiện ích để giành thị phần và thu hút nguồn tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn từ dân cư, từ đó giảm chi phí huy động vốn bình quân. Do đó, NIM của cả nhóm ngân hàng đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2013 - 2014 và tăng liên tiếp từ năm 2016 đến năm 2021.

Trong số 22 ngân hàng được nghiên cứu, MBB, VPB, HDB, VIB, ACB và TCB là các ngân hàng có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên cao hơn so với mức bình quân của cả nhóm, đồng thời cũng là những ngân hàng đang dẫn đầu về mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ và có tỷ lệ tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức khá cao.

3. Giải pháp

Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn thứ 3 liên tiếp thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đồng thời cũng là giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Do đó, các NHTM sẽ tiếp tục tuân thủ định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD.

Sau khi Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 689/QĐ-Ttg, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực Quyết định 689. Các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này bao gồm: nâng cao năng lực quản trị điều hành của các TCTD trên cơ sở triển khai Basel II; thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo định hướng nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản của các NHTM trong giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

Một là, tăng trưởng tín dụng hợp lý theo định hướng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Tín dụng vẫn được xem là hoạt động trọng tâm của các NHTM trong giai đoạn 2021 - 2025, do đó, các ngân hàng cần bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng, tuân thủ giới hạn tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước và có các giải pháp thực hiện linh hoạt trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, cân đối nguồn vốn để phát triển tín dụng theo định hướng ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong thời kỳ này, như: tín dụng xanh, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa,…

Hai là, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.

Tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định, quản trị rủi ro tín dụng để giảm chi phí dự phòng, áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất.

Đối với các khoản nợ xấu phát sinh, NHTM cần có giải pháp và xây dựng phương án để xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu, đẩy nhanh thu hồi vốn, tránh tồn đọng vốn gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Ba là, thực hiện phân loại nợ, trích lập DPRR theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và tiến tới áp dụng theo thông lệ quốc tế.

Các NHTM phải áp dụng một cách đầy đủ và triệt để các nội dung quy định trong việc phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, góp phần phản ánh chính xác, minh bạch hơn chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng tương ứng với mức độ rủi ro. Đồng thời, cần có hệ thống xếp hạng tín dụng đồng bộ, hữu hiệu và áp dụng cách phân loại rủi ro định tính theo thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư.

Thực hiện công tác thẩm định, đánh giá độ rủi ro, khả năng sinh lời của các khoản đầu tư nhằm đảm bảo các khoản vốn đầu tư được bảo toàn, có hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao; thoái vốn góp tại các đơn vị hoạt động kinh doanh không hiệu quả hoặc không hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên theo định hướng hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và TCTD.

Năm là, kiểm soát và giảm dần tỷ trọng tài sản không sinh lời.

Thực hiện nghiêm túc các giải pháp về kiểm soát chất lượng nợ và các quy định nội bộ về kiểm soát các khoản phải thu - phải trả, đôn đốc thu hồi nợ từ đó giảm tỷ trọng lãi, phí phải thu từ Cho vay/Tổng tài sản, giảm tỷ trọng tài sản Có khác/Tổng tài sản, tránh đọng vốn gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng tài sản.

Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được xem là một trong những định hướng ưu tiên của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/6/2020. Do vậy, phát triển ngân hàng số với công nghệ hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới.

NHTM cần tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) nhằm tận dụng được mô hình kinh doanh tinh gọn và đẩy nhanh tốc độ phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, cần lên kế hoạch tài chính và dành một phần vốn điều lệ tăng thêm hàng năm để đầu tư phát triển công nghệ - nền tảng quan trọng nhất cho chuyển đổi ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Bảy là, phát triển mạng lưới, kênh giao dịch, đa dạng hóa dịch vụ tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm người dùng.

Bên cạnh việc phát triển mô hình ngân hàng số, các NHTM cần tiếp tục mở rộng hợp lý mạng lưới kênh dịch vụ truyền thống kết hợp với phát triển các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại đang triển khai như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua internet, thanh toán qua QR Code, máy ATM thế hệ mới,… Phát triển thêm các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ cho các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp xúc với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo tài chính hợp nhất được công bố trên website của các ngân hàng từ năm 2010 đến 2021 (bao gồm ABB, BAB, MSB, NAB, NVB, MBB, SHB, SCB, SGB, STB, VPB, OCB, HDB, VIB, VAB, LPB, EIB, PGB, ACB, KLB, SSB, TCB).
  2. https://banggia.hnx.vn/
  3. https://www.hsx.vn/Modules/Listed/Web

SCALE AND EFFICIENCY OF ASSET UTILIZATION OF COMMERCIAL JOINT STOCK BANKS FROM 2010 TO 2021

Master. Hoang Quang Dung

Bac A Commercial Joint Stock Bank

Abstract:

This article focuses on assessing the changes in scale, quality and efficiency of asset utilization of commercial joint stock banks from 2010 to 2021, thereby proposing some development solutions for the period 2022-2025, with the development orientation to 2030.

Keywords:scale, quality, efficiency of asset utilization, commercial joint stock banks, 2010 to 2021.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7  năm 2022]