Quyết định hình phạt đối với tội cướp tài sản trong trường hợp phạm tội có tổ chức theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

NCS. ThS. Đoàn Trọng Chỉnh (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech))

Tóm tắt:

Hiện nay, quyết định hình phạt đối với tội phạm có tổ chức nói chung, tội cướp tài sản dưới hình thức phạm tội có tổ chức nói riêng được thực hiện tương đối nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, có những hạn chế, vướng mắc về việc phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng người phạm tội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các căn cứ quyết định hình phạt, khó khăn về mặt pháp lý và hướng khắc phục khó khăn, do thiếu quy định về nguyên tắc quyết định hình phạt trong phạm tội có tổ chức.

Từ khóa: tội cướp tài sản, phạm tội có tổ chức, đồng phạm, giúp sức, hình phạt, nguyên tắc quyết định hình phạt, xúi giục, Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội có tổ chức nói chung và trường hợp phạm tội cướp dưới hình thức phạm tội có tổ chức nói riêng là trường hợp quyết định hình phạt đặc biệt, được thực hiện bởi Tòa án sau khi xác định tội danh chung mà những người phạm tội có tổ chức đã cùng thực hiện. Trong quá trình quyết định hình phạt, Tòa án cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm đặc biệt của loại tội phạm này so với các trường hợp đồng phạm khác, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người phạm tội để quyết định miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc xác định khung hình phạt, quyết định loại hình phạt, mức hình phạt áp dụng đối với từng người phạm tội trong trường hợp phạm tội có tổ chức.

Phạm tội có tổ chức nói riêng là một hình thức đồng phạm đặc biệt. Những đặc điểm riêng biệt đó quyết định tính đặc thù của việc quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, những người cùng thực hiện tội phạm cố ý cùng thực hiện một tội phạm đã làm cho tội phạm thay đổi về chất và làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi hơn hẳn tội phạm được thực hiện riêng lẻ. Bên cạnh đó, tuy cùng thực hiện một tội phạm, nhưng mức độ thực hiện của mỗi cá nhân khác nhau, nhân thân của mỗi người khác nhau, nên khi quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội có tổ chức nói chung và trong trường hợp tội cướp tài sản với tình tiết phạm tội có tổ chức nói riêng, Tòa án phải cân nhắc một cách đầy đủ và toàn diện các căn cứ.

2. Các căn cứ quyết định hình phạt đối với tội cướp tài sản dưới hình thức phạm tội có tổ chức

Căn cứ thứ nhất, các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS). Trước hết, Tòa án dựa vào căn cứ quyết định hình phạt chung quy định tại Điều 50 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung (SĐ, BS) năm 2017, chế tài được quy định tại Khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017), các quy định khác về quyết định hình phạt chung được áp dụng cho trường hợp đồng phạm, quy định tại Điều 58 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) đối với trường hợp đồng phạm.

Căn cứ thứ hai, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tòa án phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội chung của tất cả những người đồng phạm. Tuy nhiên, tính chất và mức độ tham gia của mỗi người là khác nhau, nên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội trong hành vi của từng người đồng phạm khác nhau và trách niệm hình sự là trách nhiệm cá nhân, nên đòi hỏi Tòa án phải xem xét tính chất, mức độ tham gia của mỗi người. Điều này được quyết định bởi vai trò mà người đồng phạm đảm nhận, tác dụng hành vi của người đó đối với hoạt động phạm tội chung của cả nhóm. Xác định tính chất tham gia phạm tội của từng người đồng phạm trong phạm tội có tổ chức chính là xác định người đồng phạm đó đóng vai trò như thế nào trong vụ án, là người tổ chức, xúi giục, giúp sức hay thực hành. Mỗi vai trò tham gia của người đồng phạm có tính nguy hiểm khác nhau. Có thể người tổ chức, cầm đầu, chỉ huy, xúi giục có vai trò nguy hiểm hơn vai trò của người khác, lúc đó hình phạt được quyết định cho những người này phải nghiêm khắc hơn. Tùy mỗi trường hợp cụ thể, vai trò của mỗi người trong đồng phạm có lúc này hoặc lúc khác là nguy hiểm hoặc không nguy hiểm hơn vai trò của những người đồng phạm khác.

Căn cứ thứ ba, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách niệm hình sự. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có liên quan đến hành vi và nhân thân của cá nhân mỗi người đồng phạm nên nó chỉ được áp dụng đối với chính cá nhân người đồng phạm có tình tiết đó mà không liên quan đến những người đồng phạm khác. Tuy nhiên, đối với các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chung của vụ án mà tất cả những người đồng phạm đều biết thì áp dụng chung cho tất cả, ví dụ như tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi;…

Căn cứ thứ tư, nhân thân người phạm tội. Tòa án phải cân nhắc nhân thân của từng người đồng phạm để từ đó quyết định hình phạt với từng người đồng phạm, vì nhân thân của mỗi người đồng phạm làm ảnh hưởng đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội trong hành vi của người đồng phạm đó mà thôi.

Việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội có tổ chức nói chung, cướp tài sản dưới hình thức phạm tội có tổ chức nói riêng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu về việc áp dụng hình phạt đối với những người đồng phạm phải chính xác, phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, vai trò trong việc thực hiện hành vi phạm tội và nhân thân của mỗi người. Trong vụ án cướp tài sản dưới hình thức phạm tội có tổ chức, dù với vai trò nào (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục hay người giúp sức) thì tất cả những người phạm tội trong vụ án đều bị áp dụng tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tổ chức”. Tuy nhiên, mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự cụ thể đối với từng người tùy thuộc vào vai trò của họ trong vụ án. Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm nói chung và những người phạm tội có tổ chức nói riêng không phải và không thể ngang bằng nhau, thể hiện qua việc hình phạt áp dụng đối với mỗi người là khác nhau, thực hiện nguyên tắc cá thể hóa và phân hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với mỗi người đồng phạm. Với cách phân loại những người đồng phạm theo Luật Hình sự Việt Nam hiện hành thì trong số những người đồng phạm, người tổ chức chịu trách nhiệm hình sự ở mức cao nhất. BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) cũng đã thể hiện quy định này trong nguyên tắc xử lý tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy,...”. Vì vậy, khi quyết định hình phạt, mức hình phạt của người tổ chức trong tội cướp tài sản thường không thấp hơn người thực hành, người xúi giục hoặc người giúp sức nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau. Nói như thế bởi, trong trường hợp dù là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy nhưng người này lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ được áp dụng cho cá nhân họ, thì hình phạt đối với họ có thể được cân nhắc và có thể nhẹ hơn những người đồng phạm khác. Điều này do nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật và cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức vai trò của người tổ chức lại thường đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, người tổ chức được xác định là người nguy hiểm hơn cả, nên bị xử lý nghiêm khắc nhất. Còn đối với người xúi giục, người giúp sức, người thực hành vẫn chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, trong khi áp dụng hình phạt đối với những người đồng phạm trong một số vụ án phạm tội có tổ chức nói chung và cướp tài sản dưới hình thức phạm tội có tổ chức nói riêng vẫn tồn tại sai sót, áp dụng không thống nhất, quyết định hình phạt nhẹ hoặc quá nặng, chưa công bằng giữa người chủ mưu cầm đầu, chỉ huy và những người đồng phạm khác dẫn đến quyết định hình phạt chưa chính xác, không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm. Ví dụ như trong vụ án sau: Do không có tiền ăn chơi, Vũ Xuân T rủ rê Nguyễn Văn G, Nguyễn Tất M, Hoàng Thanh S đi cướp tài sản của các lái xe taxi. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, T và G đã chủ động bàn bạc kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội, thuê xe taxi từ thành phố Hồ Chí Minh đi Long An, đến chỗ vắng để thực hiện tội phạm và phân công: Nguyễn Văn G ngồi ghế phụ cạnh lái xe để chỉ đường, tắt khóa điện, giật phanh tay ô tô; Vũ Xuân T ngồi ghế sau, phía sau lái xe dùng dao khống chế, đe dọa; Nguyễn Tất M, Hoàng Thanh S ngồi ghế sau cạnh T hỗ trợ, khống chế lái xe và cùng đồng bọn chiếm đoạt tài sản. Thực hiện kế hoạch đã bàn bạc, trong 2 ngày, cả bọn đã thực hiện trót lọt 2 lần phạm tội với phương thức thực hiện hành vi tương tự nhau: dùng dao khống chế, dùng dây điện thoại trói chân, tay, dùng áo nhét vào miệng nạn nhân và chiếm đoạt các tài sản gồm tiền mặt, điện thoại di động với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 5.700.000 đồng của anh Nguyễn Văn L và anh Nguyễn Văn M là 2 tài xế taxi. Hành vi nêu trên của các bị cáo Vũ Xuân T, Nguyễn Văn G, Nguyễn Tất M và Hoàng Thanh S đã phạm vào tội cướp tài sản, với 2 tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội có tổ chức và sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác. Với các hành vi phạm tội và tội danh như trên, bản án sơ thẩm đã áp dụng Điểm a, d Khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017); Điểm h, s Khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017); Điểm g Khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017), tuyên phạt Vũ Xuân T 8 năm tù, Nguyễn Văn G 08 năm tù, Nguyễn Tất M 8 năm tù, Hoàng Thanh S 7 năm tù.

Vụ án trên cho thấy, với các yếu tố về nhân thân tương đối giống nhau, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng giống nhau, mức hình phạt mà bản án sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo chưa phù hợp và chưa đảm bảo công bằng. Bởi vì: Thứ nhất, mức hình phạt đối với trường hợp phạm tội cướp tài sản dưới hình thức phạm tội có tổ chức trong trường hợp này chưa phù hợp: Trong vụ án này, hành vi phạm tội của các bị cáo thỏa mãn 2 tình tiết định khung tăng nặng quy định tại Khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017), nhưng mức hình phạt đối với các bị cáo chỉ ở mức tối thiểu của khung hình phạt (khung hình phạt quy định tại khoản 2 là từ 7 năm đến 15 năm); Thứ hai, mức hình phạt được áp dụng với mỗi bị cáo chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi của các bị cáo gây ra, chưa phù hợp nguyên tắc phân hóa hình phạt theo vai trò, mức độ nguy hiểm của hành vi của mỗi bị cáo trong vụ án, nhất là với nguyên tắc quyết định hình phạt đối với trường hợp đồng phạm: mức hình phạt được áp dụng đối với bị cáo T và G bằng với bị cáo M. Trong vụ án này, Vũ Xuân T, Nguyễn Văn G là 2 bị cáo giữ vai trò chính: T khởi xướng và cùng G bàn bạc kế hoạch phạm tội, rủ rê các bị cáo khác cùng thực hiện hành vi phạm tội, chuẩn bị phương tiện, phân công vai trò, vị trí cho từng bị cáo,… Bên cạnh đó, T và G là 2 bị cáo thực hiện liên tục 2 hành vi phạm tội một cách tích cực nhất. Ngoài ra, vai trò khi thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án này của bị cáo T cao hơn bị cáo G do ban đầu T chủ động rủ rê G trước. Theo nguyên tắc quyết định hình phạt, căn cứ vào vai trò trong vụ án, bị cáo T phải chịu mức hình phạt cao nhất, sau đó là bị cáo G. Hai bị cáo này phải chịu mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác trong vụ án mới phù hợp với vai trò người tổ chức, rủ rê, lôi kéo các bị cáo khác. Các bị cáo khác chỉ thực hiện tội phạm với vai trò người thực hành nên mức hình phạt phải chịu sẽ thấp hơn bị cáo T và G. Bên cạnh đó, mức hình phạt đối với các bị cáo nên được áp dụng ở mức cao hơn do tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội tương đối cao với 2 tình tiết tăng nặng định khung. Tuy nhiên, chưa có quy định của pháp luật một cách rõ ràng về việc quyết định hình phạt này. Do vậy, việc quyết định hình phạt trên thực tế phụ thuộc vào nhận định của người tiến hành tố tụng. Trong vụ án này, do nhận định chưa toàn diện, nên Hội đồng xét xử đã tuyên mức hình phạt chưa phù hợp đối với hành vi phạm tội của các bị cáo.

3. Cần bổ sung quy định về nguyên tắc quyết định hình phạt trong phạm tội có tổ chức vào phần chung của Bộ luật Hình sự hiện hành

Để đảm bảo việc quyết định hình phạt đối với tội phạm được thực hiện dưới hình thức phạm tội có tổ chức nói chung và tội cướp tài sản dưới hình thức phạm tội có tổ chức nói riêng được thực hiện một cách chính xác, thống nhất, bảo đảm cá thể hóa hình phạt đối với từng người phạm tội với vai trò khác nhau cần có quy định rõ ràng về nguyên tắc quyết định hình phạt trong phạm tội có tổ chức.

Đối với người thực hành và người giúp sức thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội trong hành vi phạm tội của họ có đặc trưng riêng, nhưng xét về tổng thể, trong 4 loại người đồng phạm, theo tác giả thì 2 loại người đồng phạm này thể hiện gần nhau hơn so với người tổ chức và người xúi giục. Vai trò hỗ trợ hoạt động phạm tội của người giúp sức cũng là một trong những căn cứ để cá thể hóa trách nhiệm hình sự của người giúp sức với tính chất ít nguy hiểm hơn so với những loại người đồng phạm khác. Thực tiễn xét xử ở nước ta cũng cho thấy, trong một vụ án đồng phạm, người giúp sức thường có vai trò ít nguy hiểm hơn so với những người đồng phạm khác. Do đó, nếu Luật hình sự sử dụng cách phân loại này thì đường lối nghiêm trị đối với người phạm tội có tổ chức như hiện nay cần phải quy định rõ trong luật nguyên tắc xử lý người giúp sức nhẹ hơn so với người thực hành. Vì vậy, nên có quy định buộc người xúi giục phải chịu trách nhiệm như người thực hành, còn người giúp sức chỉ đóng vai trò thứ yếu nên mức độ trách nhiệm hình sự nhẹ hơn so với người thực hành. Quy định như vậy thể hiện sự đánh giá về vai trò, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi dụ dỗ, kích động, thúc đẩy việc thực hiện tội phạm của người xúi giục cao hơn so với hành vi của người giúp sức - chỉ đóng vai trò là người tạo ra các điều kiện vật chất và tinh thần cho người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm. Theo đó, có thể bổ sung quy định về nguyên tắc quyết định hình phạt trong đồng phạm vào phần chung BLHS hiện hành với nội dung như sau:

Trong trường hợp các tình tiết làm căn cứ để quyết định hình phạt trong phạm tội có tổ chức là như nhau. Người tổ chức phải chịu trách nhiệm hình sự tăng nặng hơn so với người thực hành. Người xúi giục chịu trách nhiệm hình sự như người thực hành. Người giúp sức chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn người thực hành”.

Việc quy định nguyên tắc quyết định hình phạt trong đồng phạm có mục đích phân hóa trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm nói chung và người phạm tội có tổ chức nói riêng, cũng như phản ánh đúng tính chất nguy hiểm cho xã hội trong hành vi của từng người phạm tội, làm cơ sở pháp lý cho việc quyết định hình phạt có tính chất phân hóa đối với từng người phạm tội. Điều này đảm bảo sự rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện cho việc quyết định hình phạt được rõ ràng, thống nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
  2. Trường Đại học Luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội.
  3. Nguyễn Ngọc Hòa (2015). Tội phạm và cấu thành tội phạm, NXB Tư pháp, Hà Nội.
  4. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên) (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần chung), NXB Tư pháp, Hà Nội.
  5. Phạm Văn Lợi (chủ biên) (2007). Chính sách hình sự trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội.
  6. Trần Quang Tiệp (2007). Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội.
  7. Võ Khánh Vinh (2013). Lí luận chung về định tội danh (Giáo trình sau đại học), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  8. Võ Khánh Vinh (chủ biên) (2014). Luật Hình sự Việt Nam phần chung, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

DECIDING PENALTIES FOR ORGANIZED PROPERTY ROBBERY UNDER PROVISIONS OF THE 2015 PENAL CODE (AMENDED AND SUPPLEMENTED IN 2017)

Ph.D student, Master. Doan Trong Chinh

Lecturer, Faculty of Law, Ho Chi Minh City University of Technology

Abstract:

Penalties for organized crime in general and organized property robbery in particular are frequently imposed in Vietnam. However, the process of deciding penalties for this type of crime still encounters many shortcomings including problems of judging criminal responsibilities of each offenders. This paper analyzes current provisions on deciding penalties and legal difficulties, and makes some recommendations to solve shortcomings arising from the lack of regulations and principles on deciding penalties for organized crimes.

Keywords: robbery crime, organized crime, accomplices, assistance, principles for deciding penalty, instigating, the 2015 Penal Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]