Rà soát văn bản pháp luật thực thi cam kết quốc tế: Cần phổ biến ngay tới doanh nghiệp

Các kết quả rà soát cho thấy, về cơ bản chúng ta đã đưa ra được một danh sách các văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hay xây dựng ban hành mới nhằm đáp ứng các nghĩa vụ cam

Kết quả rà soát

Cùng với việc ký kết, gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), các điều ước quốc tế, những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế.

Để bảo đảm tính tương thích của pháp luật Việt Nam hiện nay với việc gia nhập Cộng đồng ASEAN, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát pháp luật Việt Nam trong các năm 2010, 2011, 2013 và 2015.

Qua tổng hợp kết quả rà soát pháp luật trong ASEAN cho thấy, đến ngày 31/12/2015, tổng số văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương được rà soát bao gồm 83 Luật, 4 Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 8 Pháp lệnh, 162 Nghị định của Chính phủ, 34 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 16 Thông tư liên tịch, 199 Thông tư/Quyết định của các bộ, ngành.

Kết quả rà soát cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực, phần lớn phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong ASEAN và đáp ứng được việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, trừ một số ít vấn đề kỹ thuật có thể cần cụ thể hóa hơn.

Đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã có tổng cộng 194 văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, bao gồm 86 luật, 14 pháp lệnh, 84 nghị định, 3 nghị quyết của Chính phủ và 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã rà soát bước đầu nhiều văn bản do các bộ, ngành ban hành gồm 57 thông tư và 10 quyết định.

Tổng số văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 34 văn bản, gồm: 10 luật, 22 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 9 văn bản được kiến nghị ban hành mới, gồm: 1 luật, 7 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 01 pháp lệnh được đề nghị bãi bỏ.

Đối với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), đã tiến hành thực hiện chuỗi rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA trong 05 lĩnh vực quan trọng (bao gồm Hải quan và tạo thuận lợi thương mại, Đầu tư, Mua sắm công, Sở hữu trí tuệ, Minh bạch).

Kết quả rà soát cho thấy, nhìn chung đã có sự tương thích về pháp luật giữa hai bên; phần lớn các nghĩa vụ cam kết trong EVFTA đã được tuân thủ theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, nhất là ở những vấn đề liên quan đến minh bạch và cạnh tranh.

Vấn đề cấp bách nhất

Các kết quả rà soát trên cho thấy, về cơ bản chúng ta đã đưa ra được một danh sách các văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hay xây dựng ban hành mới nhằm đáp ứng các nghĩa vụ cam kết, thực thi các FTA, cũng như các điều ước quốc tế; góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng…

Vì vậy, vấn đề được cho là cấp bách nhất trong tình hình hiện nay là phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp những nghĩa vụ cam kết quốc tế trong các FTA, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; những văn bản quy phạm pháp luật mà Việt Nam đã hiệu chỉnh lại, những nội dung đang và sẽ hiệu chỉnh lại trong thời gian tới.

Bên cạnh việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm… để phổ biến tới người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cần đưa những nội dung trên lên trang website của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhất là những nội dung còn chưa tương thích về pháp luật giữa các bên tham gia FTA và hướng sửa đổi, bổ sung.

Chẳng hạn, như trong EVFTA, hiện nay còn có một số cam kết, tuy đã được quy định trong pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam nhưng chưa hoàn toàn tương thích. Đó là: Một số quyền phải ghi nhận đối với người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; một số biện pháp bảo hộ chi tiết nhằm chống lại hành vi xâm phạm các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền hay các thông tin quản lý quyền; Một số tiêu chuẩn bảo hộ mới đối với kiểu dáng công nghiệp; Một số yêu cầu tăng cường thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong triển khai các biện pháp dân sự trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ…