Rất khó để có thể gọi vốn một dự án trên giấy

Hành trình khởi nghiệp bắt đầu từ khi chúng ta thức dậy cho đến khi chúng ta đi ngủ, từng phút từng giây luôn trong tâm thế sẵn sàng, cho dù thành công hay thất bại thì khởi nghiệp cũng giúp chúng ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ và tự chủ hơn. Khó khăn không quật ngã được chúng ta thì chỉ làm cho chúng ta mạnh hơn mà thôi. Đó là tâm sự của anh Trần Ngọc Mạnh, Founder ManMo.

Công ty Cổ phần Công nghệ số ManMo Việt Nam, trước đây là Công ty Cổ phần Công nghệ số Mantan Việt Nam với dự án ManMo – là một platform 2 chiều kết nối giữa người có nhu cầu thuê phòng ngắn hạn với chủ cơ sở lưu trú. ManMo cung cấp cho cơ sở lưu trú bộ công cụ quản lý phòng, bộ công cụ này giúp các cơ sở lưu trú quản lý khách checkin, checkout, quản lý đặt phòng, thu chi công nợ, kho hàng hóa, phân quyền nhân viên và rất nhiều các chức năng khác…

ManMo là ứng dụng tìm kiếm cơ sở lưu trú miễn phí dành cho người dùng di động tại Việt Nam. Ứng dụng sử dụng tọa độ GPS của người dùng làm nền tảng với các tính năng chính: Tìm kiếm nhà nghỉ xung quanh, hiển thị dưới dạng bản đồ Google Map hoặc danh sách,  Xem thông tin nhà nghỉ, Đặt phòng, Nhà nghỉ yêu thích. Ứng dụng hiện hỗ trợ các nền tảng: iOS, Android, Web Browser.

ManMo có khả năng giúp người dùng tìm kiếm cơ sở lưu trú gần nhất thông qua định vị GPS và hỗ trợ đặt phòng trực tuyến. Người dùng có thể tìm kiếm tất cả các loại hình lưu trú như nhà nghỉ, homestay, hostel, khách sạn trên ManMo, đăc biệt là trong phân khúc thị trường giá rẻ.

Bên cạnh tính năng tìm kiếm, ManMo hỗ trợ chỉ đường, đặt phòng online và công nghệ ảnh 360 nhằm cung cấp cho người dùng cái nhìn trực quan nhất về chất lượng cơ sở lưu trú trước khi đặt phòng. Đây là một ứng dụng giúp cho người dùng chọn được nơi ở thuận tiện mà hợp lý nhất ngay cả trong những tình huống bất ngờ.

Ít ai có thể nghĩ rằng, để có được sự thành công như ngày hôm nay anh Trần Ngọc Mạnh CEO của Công ty Cổ phần Công nghệ số ManMo Việt Nam đã trải qua những thăng trầm của sự nghiệp.

Anh Trần Ngọc Mạnh, Founder ManMo cho biết, tôi bắt đầu đi làm từ khi là sinh viên năm 3 đại học, may mắn tôi được làm công việc đúng chuyên ngành nên sau khi ra trường tôi đã có 2 năm kinh nghiệm, với số vốn tích lũy được trong thời gian vừa học vừa làm cùng tinh thần khởi nghiệp tôi đã bắt đầu sự nghiệp của mình ngay sau khi ra trường.

Tuy nhiên, không thành công nào mà không có đôi lần vấp ngã, dự án đầu tiên của tôi đã phải dừng lại sau 2 năm vận hành do chọn sai đối tượng khách hàng cũng như chưa có sự khảo sát kỹ về nhu cầu thị trường. Sản phẩm tốt nhưng không có ai sử dụng thì cũng là đồ bỏ đi, đây là bài học tôi đã rút ra sau lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại của mình.

Sau đó tôi dành một năm làm việc cho một công ty của Nhật, tôi đã học được rất nhiều điều ở đó, từ quy trình đến văn hóa làm việc. Những kinh nghiệm và kiến thức đó là nền tảng để tôi xây dựng doanh nghiệp bây giờ. Lần thứ 2 khởi nghiệp, tôi và các cộng sự đã xây dựng lên Hệ sinh thái ManMo đang phục vụ hàng nghìn đối tác và người dùng mỗi ngày.

Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ khá sớm (năm 2012), tại thời điểm đó, phong trào khởi nghiệp chưa được mạnh mẽ như bây giờ nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các kiến thức chung về phát triển sản phẩm hay marketing. Nhưng với tinh thần “cứ đi rồi sẽ tới”, tôi và các cộng sự tự tìm hiểu, nghiên cứu để cho ra sản phẩm, rồi từng bước làm marketing, thời gian đầu mọi thứ khá tự phát, nhưng sau dần thì cũng tạo thành các quy trình.

Đến năm 2017, khi phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam bắt đầu trở lên mạnh mẽ, tôi được tiếp cận với các khóa học đào tạo kiến thức nền tảng cơ bản, thông qua các cuộc thi khởi nghiệp và đặc biệt là Đề án số 844 của Chính phủ về việc “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”, tôi trang bị thêm kiến thức để vững bước trên con đường mình đã chọn.

Trần Ngọc Mạnh, Founder ManMo cũng chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm gọi vốn, theo anh, đến thời điểm hiện tại, khẩu vị của các nhà đầu tư cũng đã thay đổi rất nhiều. Rất khó để có thể gọi vốn một dự án trên giấy. Tất cả đều đã phải thành hình sản phẩm, ít nhiều đã tạo ra doanh thu. Vậy nên, phần lớn vốn ban đâu sẽ chính là vốn của các co-founder sáng lập. Sau khi cho ra những phiên bản đầu tiên của sản phẩm hoặc chuẩn bị thương mại hóa thì mới có thể bắt đầu gọi vốn.

Trần Ngọc Mạnh, Founder ManMo chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm gọi vốn

Có rất nhiều mô hình gọi vốn, các bạn có thể thực hiện gọi vốn cộng đồng, gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần hoặc từ các quỹ. Nhưng dù gọi vốn từ nguồn nào thì cũng cần có một bản kế hoạch tài chính rõ ràng vì bản chất của đầu tư vẫn là để sinh lời nên không ai muốn đầu tư mạo hiểm tại thời điểm bây giờ.

Tùy từng lĩnh vực mà mức gọi vốn ở các vòng sẽ khác nhau, nhưng thường là không vượt quá 20% ở lần gọi vốn đầu. Đối với các dự án đã có doanh thu thì lợi nhuận chưa hẳn là yếu tố tiên quyết để định giá dự án, thay vào đó là số lượng khách hàng thường xuyên, tỷ lệ khách hàng quay lại, số lượng đơn hàng, số lượng truy cập website hoặc tải app ứng dụng mới là các thông số phản ánh chính xác nhất tiềm năng của dự án.

Khi tìm đến một nhà đầu tư hoặc một quỹ đầu tư thì ngoài khoản tiền đầu tư các startup còn phải tìm hiểu về lĩnh vực kinh doanh hoặc lĩnh vực đầu tư của đơn vị đầu tư có phù hợp với startup của mình hay không, hệ sinh thái hiện có của đơn vị đầu tư sẽ là đòn bẩy giúp dự án của bạn bay cao, bay xa hơn là dùng số tiền gọi vốn được để mở rộng thị trường.

Một khi bạn đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp thì giống như chiến binh ra chiến trường, không trường lớp nào đào tạo các bạn chính xác cần phải làm gì cho đến khi chính bạn vấp ngã và quy trình được tạo ra từ đó, kiến thức nền tảng là hành trang để bạn vững tâm bước lên phía trước nhưng quy trình là bản đồ để dẫn bạn đến với thành công mà chịu ít tổn thất nhất.

Yếu tố quan trọng nhất để dẫn tới thành công vẫn sẽ là con người

Khởi nghiệp đòi hỏi có đủ nền tảng về kiến thức, tài chính, con người, phần lớn đều bắt đầu từ những ý tưởng, một người phải kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc là điều hiển nhiên trong startup. Nhưng cũng nhờ vậy mà những người khởi nghiệp học được nhiều kiến thức hơn, có cơ va chạm với nhiều vấn đề hơn, và với tinh thần khởi nghiệp họ nhanh chóng thích nghi cũng như phát triển bản thân để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Không ai có thể thành công một mình được, kết quả tôi đạt được ngày hôm nay là sự đóng góp công sức của các cộng sự, vậy nên yếu tố quan trọng nhất để dẫn tới thành công vẫn sẽ là con người, những người đang sát cánh hàng ngày cùng các bạn. Founder giống như hoa tiêu định hướng, cộng sự là những người chèo thuyền, con thuyền có tới đích được hay không thì cần có sự phối hợp ăn ý của cả hoa tiêu và những tay chèo. Dù sóng to gió lớn cũng không quật ngã được những tay chèo mạnh mẽ, kiên trì, và trên hết cả là tầm nhìn định hướng của hoa tiêu.

Trong hành trình khởi nghiệp ai cũng có lúc khó khăn và muốn bỏ cuộc, khi đó hãy nghĩ tới lý do chúng ta đã bắt đầu, nghĩ tới những khó khăn chúng ta đã vượt qua, và hơn cả hãy nghĩ tới những người vẫn luôn đặt niềm tin ở bạn. Hãy vững bước tiến lên, khôn khéo tìm cách thích nghi với hiện trạng, từ đó bình tĩnh để tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.

Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg

Phan Nho