Nguồn cung năng lượng suy giảm

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa cho biết sẽ chú trọng xuất khẩu năng lượng sang châu Á nhằm đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Hồi đầu tháng này, EU đã thông qua việc cấm nhập khẩu than đá từ Nga và hiện đang xem xét khả năng cấm nhập khẩu dầu thô và hạn chế nhập khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) từ nước này. EU cũng đang tăng cường đa dạng hoá nguồn cung nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Ông Vladimir Putin nhấn mạnh hiện không có nguồn cung năng lượng nào có thể thay thế hợp lý cho nguồn cung từ Nga tại châu Âu và các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân đẩy giá năng lượng tăng vọt, gây ra bất ổn trên toàn cầu.

Giới quan sát nhận định các biện pháp trừng phạt của phương Tây vốn có hiệu lực từ ngày 15/5 tới đây sẽ khiến thị trường mất đi một lượng đáng kể nguồn cung dầu mỏ từ Nga. Hiện chỉ có Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), hai thành viên duy nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có đủ khả năng tăng thêm nguồn cung dầu thô cho châu Âu. Tuy nhiên, hai quốc gia này hiện vẫn từ chối đề nghị tăng mạnh sản lượng khai thác dầu.

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng UAE ông Suhail al-Mazrouei nói rằng nước này từ lâu đã kêu gọi tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ để tăng nguồn cung. Tuy nhiên, lời kêu gọi không được thực hiện vì các quốc gia và tổ chức quốc tế khác chịu sức ép cắt giảm ngân sách cho các loại nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng các cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Đơn cử, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa khuyến cáo các nhà đầu tư không cung cấp vốn cho các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch mới, nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải ròng xuống bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

“Thực trạng này đem lại những rủi ro khá lớn, khiến các quốc gia sản xuất dầu mỏ không thể tăng sản lượng, dù ai cũng nói rằng hãy bơm thêm dầu vào thị trường lúc này vì nhu cầu đột nhiên trở nên cao hơn” - ông Suhail al-Mazrouei cho biết.

Cạnh tranh năng lượng giữa châu Á – châu Âu

nguồn cung khí đốt
Liên minh châu Âu đang tích cực thu gom các lô khí LNG trên toàn cầu nhằm tiến tới giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga (Ảnh: Financial Times)

Việc EU muốn dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga cũng làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc tranh giành năng lượng gay gắt giữa châu Á – châu Âu. Theo hãng tin Bloomberg, châu Á đang là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc là những nước nhập khẩu một lượng lớn khí LNG trong năm 2020.

Trong khi đó, châu Âu đang muốn nhập khẩu thêm 50 tỉ m3 khí LNG trong năm 2023, tương đương với một nửa lượng khí đốt mà khu vực này vốn đang nhập khẩu từ Nga. Lượng khí LNG được nhập khẩu bổ sung này sẽ khiến nhu cầu sử dụng trên toàn cầu tăng tới 10%, khiến các quốc gia tiêu thụ khí LNG lớn trên thế giới phải cảnh tranh để kiếm được nguồn cung.

Tập đoàn tài chính ANZ (Australia) nhận định việc phương Tây rời bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ tạo ra một lỗ hổng gần như không thể thay thế trên thị trường. Nguồn cung năng lượng từ Nga chiếm tới 18% xuất khẩu năng lượng toàn cầu trong năm 2020. Hãng nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie (Anh) cảnh báo “Trong ba năm tới, cạnh tranh về nguồn cung năng lượng, nhất là khí LNG, sẽ vô cùng khốc liệt giữa châu Á và châu Âu”.

Nhằm thực hiện cam kết tăng nguồn cung năng lượng cho EU để đối phó với Nga, Hoa Kỳ đã tuyết phục các quốc gia đồng minh tại châu Á, bao gồm Nhật Bản, giảm mua khí LNG và nhiều tàu LNG từ Hoa Kỳ đã chuyển hướng tới châu Âu thay vì châu Á. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định trong bối cảnh nguồn cung năng lượng ngày càng suy yếu thì những đề nghị giảm mua của Hoa Kỳ sẽ rất khó được thực hiện và càng khiến sự cạnh tranh nguồn cung giữa các bên trở nên gay gắt hơn.

Bộ trưởng Năng lượng UAE ông Suhail al-Mazrouei nhận định các rắc rối địa chính trị hiện nay sẽ càng trở nên phức tạp hơn do khi phải đáp ứng nhu cầu của một bên thì nguồn cung cho các bên khác cũng sẽ phải giảm xuống.

Các chuyên gia phân tích nhận định cạnh tranh năng lượng ngày càng gay gắt từ châu Âu sẽ tạo ra hai xu thế ở châu Á. Những nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo để bù đắp nguồn cung, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn năng lượng ô nhiễm cao như than đá, trì hoãn quá trình chuyển đổi sang những nguồn cung năng lượng sạch hơn như khí LNG.

Đối với các nước đang phát triển ở khu vực Nam Á, giá năng lượng cao đồng nghĩa với rủi ro mất điện diện rộng. Trong trường hợp giá năng lượng tiếp tục tăng, tình trạng thiếu nhiên liệu có nguy cơ lan rộng tại Bangladesh, Ấn Độ và Thái Lan. Các nhà máy nhiệt điện ở Pakistan và Ấn Độ đang đối mặt tình trạng cạn kiệt nhiên liệu khi giá than đá và dầu ở mức cao kỷ lục.