Sản lượng khai thác dầu của Nga giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây

Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo nội bộ của liên minh OPEC+ cho thấy sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4/2022 chỉ đạt 9,16 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 0,86 triệu thùng/ngày so với tháng 3/2022. Đây là mức sụt giảm sản lượng khai thác mạnh nhất của Nga kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ hồi năm 1991.
khai thác dầu thô
 Mặc dù sản lượng khai thác sụt giảm kỷ lục nhưng doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng 4/2022 đã tăng mạnh nhờ giá dầu thế giới tăng vọt (Ảnh: Energy Connects)

Mức sản lượng này cũng thấp hơn tới 1,28 triệu thùng/ngày so với mục tiêu sản lượng mà Nga được liên minh OPEC+ phân bổ trong kế hoạch nâng dần sản lượng khai thác qua các tháng. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Nga đã giảm mạnh trong tháng 4 vừa qua nhưng hoạt động khai thác đã được khôi phục dần trở lại trong tháng 5 này.

Bộ Tài chính Nga cho biết mặc dù sản lượng khai thác giảm nhưng việc giá dầu thô tăng mạnh đã giúp doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng 4 lên tới 1,81 nghìn tỷ Ruble (27,92 tỷ USD), so với tổng số 2,97 nghìn tỷ Ruble trong 3 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) tại Phần Lan cho biết doanh thu của Nga từ việc cung ứng năng lượng hoá thạch cho Liên minh châu Âu (EU) trong hai tháng diễn ra xung đột quân sự Nga – Ukraine đã tăng gần gấp đôi, giúp Nga bù đắp được những thiệt hại về tài chính do giảm khối lượng xuất khẩu.

CREA nhận định bất chấp các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Nga vẫn đang tiếp tục hưởng lợi nhờ sự phụ thuộc mạnh của EU vào nguồn cung năng lượng từ Nga. CREA cũng cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhắm vào Nga, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô, có thể khiến giá dầu thô trên thế giới tiếp tục tăng cao.  

Báo cáo của liên minh OPEC+ cũng cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của khối OPEC trong tháng 4 vừa qua thấp hơn tới 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra. Trong đó, các quốc gia thành viên tại khu vực Tây Phi, gồm Nigeria và Angola đang gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật để nâng sản lượng khai thác.

Thị trường hiện theo dõi sát diễn biến tái mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc sau nhiều tuần thực hiện các biện pháp phong toả chặt chẽ nhằm kiểm soát đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Kể từ ngày 19/5, Thượng Hải, trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, đã cho phép người dân ra ngoài mua sắm và chuẩn bị nối lại hoạt động của nhiều tuyến tàu điện ngầm kể từ ngày 22/5 tới đây. Thượng Hải cũng đang đặt ra nhiều phương án để kết thúc phong toả tại các khu vực trên toàn thành phố một cách toàn diện hơn. Điều này có thể giúp cải thiện triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc trong thời gian tới.

Quỳnh Trang