Khai thác dầu thô
 Sản lượng khai thác dầu thô thực tế của liên minh OPEC+ sẽ tiếp tục khó có thể đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng tới đây (Ảnh: The New York Times)

Hãng tin Reuters cho biết sản lượng khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ trong tháng 5 thấp hơn mục tiêu khai thác đến 2,695 triệu thùng dầu/ngày. Nguyên nhân chủ yếu do một số quốc gia thành viên gặp khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc nâng thêm sản lượng khai thác và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Đầu tháng này, liên minh OPEC+ đã đạt thoả thuận nâng sản lượng khai thác thêm 648.000 thùng dầu/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới đây; con số này cao hơn đáng kể so với mức tăng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch cũ.

Nhiều nhà phân tích đã ngay lập tức cảnh báo liên minh OPEC+ sẽ khó đạt được mục tiêu đầy tham vọng này khi phần công suất khai thác dự phòng của các quốc gia thành viên ngày càng cạn kiệt và hiệu quả khai thác suy giảm. Công suất dự phòng là phần công suất khai thác có thể đưa vào sử dụng ngay trong vòng 90 ngày và duy trì trong thời gian dài để đáp ứng các nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.

Hãng tin Reuters cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong tháng 5 đạt 9,273 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ so với mức 9,159 triệu thùng/ngày trong tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn mức mục tiêu được liên minh OPEC+ phân bổ tới 1,276 triệu thùng/ngày.

Dữ liệu khai thác thực tế trong tháng 5 của liên minh OPEC+ thấp hơn mức mục tiêu đề ra càng củng cố nhận định của các chuyên gia phân tích. Trong ngày 10/6, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ông Suhail Al-Mazrouei cũng thừa nhận “Sản lượng của liên minh OPEC+ hiện đang thấp hơn mức mục tiêu khai thác khoảng 2,6 triệu thùng/ngày. Đây là một con số lớn”.

Việc liên minh OPEC+ tiếp tục không đạt mục tiêu khai thác đề ra đang khiến thị trường ngày càng lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu thô trên toàn cầu sẽ kéo dài. Tính chung cả tháng 5 vừa qua, giá dầu thô Brent đạt trung bình 123 USD/thùng - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá dầu thô Brent hiện đạt trung bình 118 USD/thùng.

Trong khi đó, OPEC dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ vượt mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 tới đây và mức trung bình nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu cả năm 2022 sẽ đạt 100,29 triệu thùng/ngày – cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.