Sản phẩm trợ lực người khuyết tật của Panasonic chính thức được sử dụng tại WPPO và Paralympic Tokyo 2020

Tập đoàn Panasonic, đối tác chính thức của Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic toàn cầu, tuyên bố là nhà cung cấp bộ trợ lực trong Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới (WPPO) và Thế vận hội Paralympic Tokyo 2020.

Các bộ trợ lực này được sử dụng cho những người hỗ trợ trận đấu khi phải di chuyển vật nặng và nâng tạ trong cuộc thi. Bộ trợ lực được trang bị cảm ứng tích hợp nhằm phát hiện những chuyển động của tay chân kết hợp với các động cơ được đồng bộ hóa góp phần tạo sức mạnh cho người mặc để thực hiện các công việc nặng nhọc dễ dàng và an toàn hơn.

Atoun - Model - Y, mẫu sản phẩm được lựa chọn cho sự kiện, có khả năng giảm áp lực lên vùng thắt lưng của người mặc khi nâng lên hoặc hạ xuống các đồ vật từ mặt sàn tới độ cao ngang thắt lưng. Sản phẩm ban đầu được thiết kế để hỗ trợ các nhân viên thường xuyên phải di chuyển vật nặng tại sân bay, nhà máy, hậu cần, công trình xây dựng hoặc khu nông nghiệp. 

Bộ trợ lực được trang bị cảm ứng tích hợp của Panasonic
Bộ trợ lực được trang bị cảm ứng tích hợp, tạo sức mạnh cho người mặc để thực hiện các công việc nặng nhọc dễ dàng và an toàn hơn

Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới chính thức lựa chọn bộ trợ lực của Panasonic để sử dụng trong suốt Paralympic Tokyo 2020. Panasonic sẽ là nhà cung cấp chính thức của liên đoàn quốc tế dựa trên thỏa thuận được ký giữa Panasonic và WPPO vào ngày 25 tháng 9 năm 2019.

Giải cử tạ người khuyết tật là cuộc thi đẩy tạ dành cho các vận động viên khuyết tật chi dưới. Giải đấu được tổ chức với 10 hạng cân từ 49kg đến hơn 107kg cho nam, và 41kg đến hơn 86kg cho nữ. Trong các giải đấu lớn, mỗi người hỗ trợ thường phải vận chuyển tới hơn 100 đĩa tạ trong mức từ 10kg đến 50kg.

Giải cử tạ người khuyết tật Thế giới
Giải cử tạ người khuyết tật Thế giới chính thức lựa chọn bộ trợ lực của Panasonic

Mẫu bộ trợ lực ATOUN của Panasonic đã được sử dụng thành công tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới khu vực châu Á - châu Đại dương Kitakyushu 2018 và Giải vô địch cử tạ người khuyết tật tại Nhật Bản Kitakyushu 2017 – cả hai giải đấu đều được WPPO chấp thuận. Việc sử dụng bộ trợ lực cho thấy những lợi ích bao gồm:

  • Tăng cường độ an toàn và chính xác khi di chuyển đĩa tạ ra/vào thanh
  • Việc thay đổi mức tạ giữa mỗi lần thi nhanh hơn, không làm gián đoạn trận đấu
  • Cải thiện hiệu quả làm việc của những người hỗ trợ
  • Giảm nguy cơ chấn thương cho những người hỗ trợ
  • Tạo cảm giác an toàn hơn cho các vận động viên khi đẩy tạ

Là đối tác chính thức của Paralympic toàn cầu, Panasonic hỗ trợ Thế vận hội với những giải pháp, công nghệ và sản phẩm tiên tiến. Panasonic cam kết đồng hành cùng sự phát triển hơn nữa của Thế vận hội Paralympic bằng cách chia sẻ niềm đam mê và hứng khởi cùng người dân trên khắp thế giới trong sự kiện thể thao hàng đầu thế giới.

Về sản phẩm trợ lực

Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới là những bài kiểm tra mức độ cao nhất về sức mạnh thân trên trong đó đôi khi các vận động viên phải nâng mức tạ nặng hơn gấp ba lần trọng lượng cơ thể. Trong các giải vô địch cử tạ thế giới, những người hỗ trợ cuộc thi thường phải di chuyển tạ cho hơn 180 vận động viên. Ước tính những người trợ lý này sẽ phải mang tổng cộng hơn 8.650 kg đĩa tạ trong các cuộc thi của cả nam và nữ.

bộ đồ trợ lực Atoun - Model - Y của Panasonic
Bộ đồ trợ lực Atoun - Model - Y của Panasonic

Mẫu bộ đồ trợ lực Atoun - Model - Y của Panasonic là một loại robot có thể mặc vào người với trọng lượng chỉ 4,5kg giúp giảm bớt áp lực cho thắt lưng và lưng của những người trợ lý khi họ thường xuyên phải mang vác vật nặng. Khi một vật nặng được nâng lên, các cảm biến vị trí cơ thể sẽ phát hiện sự vận động của thân mình và kích hoạt các động cơ được đồng bộ hóa với chuyển động của người, từ đó, giảm áp lực vùng thắt lưng bằng cách bù đắp khả năng vận động trung bình tối đa của người mặc.

Về những đóng góp của Panasonic cho Thế vận hội người khuyết tật

Tập đoàn Panasonic lần đầu tiên cung cấp các thiết bị nghe nhìn cho Thế vận hội người khuyết tật mùa đông Nagano 1998, lần đầu tiên tài trợ Thế vận hội người khuyết tật vào năm 2002 và đã trở thành đối tác chính thức của Ủy ban Paralympic Quốc tế toàn cầu (IPC) từ năm 2014. Bên cạnh những hỗ trợ liên tục cho phong trào Paralympic, Panasonic còn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mà những người khuyết tật, người cao tuổi và những người có nhu cầu đặc biệt có thể sử dụng được.

Panasonic tin tưởng Thế vận hội người khuyết tật là một phong trào thúc đẩy hòa bình thế giới thông qua thể thao, cũng chính là ý nghĩa mở rộng của triết lý Tập đoàn “Một cuộc sống tốt đẹp hơn, Một thế giới tươi đẹp hơn”.

Theo ông Satochi Takeyasu, Phụ trách Truyền thông thương hiệu Panasonic: “Chúng tôi rất vinh dự được đóng góp cho giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới và Thế vận hội người khuyết tật Tokyo 2020 với sản phẩm trợ lực này. Chúng tôi cam kết bằng những tiến bộ công nghệ đưa Thế vận hội người khuyết tật Tokyo 2020 trở thành thế vận hội tân tiến nhất trong lịch sử”.

 

Nguyên Hà