Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp - hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 3,8% và tăng 1,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% và tăng 29,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6% và tăng 16,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% và tăng 11,1%. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, IIP ước tính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7% (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6% (cùng kỳ năm trước giảm 6,5%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước giảm 0,3%); riêng ngành khai khoáng giảm 5,7% (cùng kỳ năm trước giảm 6,8%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 37,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 32,9%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,9%; sản xuất đồ uống tăng 16,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 14,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,9%. 

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 2%; khai thác than cứng và than non giảm 2,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,9%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 61,8%; ô tô tăng 52,5%; điện thoại di động tăng 21,3%; ti vi các loại tăng 20,9%; xe máy tăng 20%; bia các loại tăng 18,1%; sắt, thép thô tăng 17,4%; giày, dép da tăng 13,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 12%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 10,1%. 

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu mỏ thô khai thác giảm 10,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; phân u rê giảm 3,9%; than sạch giảm 2,8%.

“Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Việt Nam 4 tháng đầu năm đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế, tuy nhiên chưa đồng đều trong các lĩnh vực và vẫn đang rất mong manh khi thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng cũng như ở trong nước. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực rất cao trong việc thực hiện nghiêm các giải pháp vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra”, Bộ Công Thương nhận định.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ lãnh đạo các đơn vị quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.