lang son

 

Những năm trước đây, bà con nông một số huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn sản xuất và tiêu thụ nông sản vô cùng khó khăn. Ngoài việc cấy 2 vụ lúa chiêm Xuân và lúa mùa để giải quyết nguồn lương thực và phục vụ tại chỗ cho chăn nuôi trong gia đình, bà con bố trí thêm vụ khoai Đông để có sản phẩm bán ra thị trường sau dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên việc tiêu thụ khoai tây vô cùng khó khăn khi thị trường thiếu tính ổn định, giá cả bấp bênh… đã có rất nhiều năm sản phẩm bị tồn đọng không bán được. Đây chính là bức tranh chung trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã vươn mình đổi mới. Trong đó, việc liên kết chuỗi giá trị đã được thực hiện với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp và xuất hiện nhiều điển hình trong lĩnh vực này. Đảng ủy chính quyền xã Điềm He - xã vùng II của huyện Văn Quan, đã định hướng cho các hộ gia đình thực hiện mô hình trồng rau an toàn và trồng cây dược liệu cúc hoa theo chuỗi giá trị sản xuất liên kết khép kín từ cung ứng giống cây trồng, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người nông dân thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn mới.

Điềm He đã triển khai thực hiện 2 mô hình phát triển kinh tế theo hình thức sản xuất liên kết là: mô hình trồng bí ăn nụ và mô hình trồng cây thảo dược cúc hoa. Bà con được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, một số hộ đã mạnh dạn trồng  thảo dược cúc hoa và bí ăn nụ, sau 1 tháng trồng chăm sóc thì được thu hoạch, hộ trồng nhiều nhất là 3 sào trong 2 tháng thu được hơn 20 triệu đồng cao gấp 2,5 lần so với trồng lúa.

Mô hình trồng bí ăn nụ đem lại hiệu quả kinh tế tại Thôn Bản Làn xã Điềm He huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn.
Mô hình trồng bí ăn nụ đem lại hiệu quả kinh tế tại Thôn Bản Làn xã Điềm He huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn.

Ở huyện Lộc Bình, người nông dân cũng bắt đầu làm quen với hình thức sản xuất mới - sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đó là việc liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Lạng Sơn sản xuất hạt giống lúa thuần. Tham gia vào chuỗi liên kết này, người nông dân không còn phải lo tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Đồng thời bà con nông dân dần làm quen với cách thức sản xuất mới, tích lũy một số kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất tập thể. Công ty CP Giống cây trồng Lạng Sơn đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, bố trí ứng trước các loại vật tư kể cả thiết bị máy móc trong quá trình sản xuất. Trước đây làm các giống lúa thông thường thì bà con chỉ bán được 6.500 – 6.700 đồng/kg thóc khô. Nhưng nay chuyển sang sản xuất theo chuỗi giá trị, trồng gạo chất lượng cao, bà con bán được 7.000 đồng/kg thóc tươi, thu nhập tăng thêm hơn gần 30% so với trước.

Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh Ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, đưa ra 2 mục tiêu. Một là, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung đủ lớn về quy mô diện tích, sản lượng, phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên và xã hội của tỉnh; khuyến khích phát triển các sản phẩm có tính đặc trưng của từng vùng là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ và quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách lâu dài, bền vững, có hiệu quả.

Hai là tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu đáp ứng tiêu chuẩn, thị trường trong nước và quốc tế.

Cụ thể, Giai đoạn 2020 - 2025: Xây dựng vùng sản xuất rau các loại với diện tích 4.000 ha tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn; Lúa đặc sản chất lượng cao 5.000 ha tại các huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định; Khoai tây, Khoai lang 1.500 ha tại các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định; Thạch đen 3.000 ha tại các huyện Tràng Định, Bình Gia; Chè 600 ha tại các huyện Đình Lập, Bình Gia, Bắc Sơn. Đến năm 2030: Mở rộng diện tích vùng rau các loại lên 5.000 ha, Lúa đặc sản, chất lượng cao 10.000 ha; Khoai tây, Khoai lang 2.000 ha; Thạch đen 4.000 ha; Chè 1.500 ha.

huyện Chi Lăng tham quan mô hình trồng na VietGAP trên địa bàn
Tham quan mô hình trồng na VietGAP tại huyện Chi Lăng

Trong nâng cao chất lượng sản phẩm vùng trồng cây ăn quả tập trung, Nghị quyết xác định, giai đoạn 2020 - 2025: Phát triển, nâng cao chất lượng vùng sản xuất Na với diện tích 3.500 ha, tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; Quýt 1.500 ha, tại các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định; Hồng vành khuyên, Hồng Bảo Lâm 2.000 ha, tại các huyện Văn Lãng, Cao Lộc, Chi Lăng; cây có múi khác 1.300 ha. Đến năm 2030: Phát triển, mở rộng vùng Na lên 4.500 ha; Quýt 2.000 ha; Hồng Vành Khuyên và Hồng Bảo Lâm 2.500 ha; cây có múi khác 1.500 ha. Phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng một số cây trồng mới có tiềm năng, như: Táo đại, Chanh leo, Mắc ca, Hoa đào cảnh...

Trong nâng cao chất lượng sản phẩm vùng trồng cây lâm nghiệp tập trung, giai đoạn 2020 - 2025: Phát triển, nâng cao chất lượng vùng sản xuất Hồi diện tích 35.000 ha, tập trung tại các huyện Văn Quan, Bình Gia.... vùng Thông 130.000 ha, tại các huyện Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc; vùng Keo 35.000 ha, Bạch đàn 10.000 ha tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Đình Lập; vùng Quế 6.000 ha tại Tràng Định, Văn Lãng; Sở 5.000 ha tại Cao Lộc, Lộc Bình; sản xuất cây giống lâm nghiệp 200 triệu cây/năm; cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC, PEFC) 5.000 ha.

Đến năm 2030: Phát triển, duy trì vùng Hồi diện tích 36.000 ha; Thông duy trì diện tích 130.000 ha; Keo 40.000 ha; Bạch đàn duy trì 10.000 ha; Quế 8.000 ha; Sở 8.000 ha; sản xuất cây giống lâm nghiệp 250 triệu cây/năm; cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC, PEFC) 10.000 ha.

Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động tổ chức sản xuất của các hợp tác xã hiện có; khuyến khích, hỗ trợ thành lập, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác theo nguyên tắc tự nguyện trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về sản xuất của địa phương và khả năng, nguyện vọng của các hộ nông dân để tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu, hàng hóa tập trung, có quy mô lớn, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp "hạt nhân" đảm nhiệm các công đoạn mà hộ sản xuất không làm được hoặc làm không hiệu quả, như: Cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đạt chất lượng cao; thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; xử lý vệ sinh môi trường; hướng dẫn, phổ biến khoa học, kỹ thuật trong sản xuất…

Trong giải pháp khoa học công nghệ, sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp tổ chức, quản lý sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến như: VietGAP, GlobalGAP, HACCP, FSC, PEFC,...; ứng dụng các biện pháp thâm canh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vượt trội, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Có thể khẳng định rằng mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên doanh liên kết là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, được người dân đồng tình hưởng ứng và kỳ vọng sẽ tăng hệ số sử dụng đất, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống ngay trên mảnh đất quê hương mình.