Sản xuất bảo đảm "3 tại chỗ" tại khu công nghiệp
Sản xuất bảo đảm "3 tại chỗ" tại khu công nghiệp

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những mục tiêu tổng quát.

Nghị quyết nhấn mạnh, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh; “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”; chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, nói đi đôi với làm; lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.

Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và an toàn phòng, chống dịch. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Nghị quyết đưa ra các mục tiêu cụ thể, gồm: tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu như:

- Lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh;

- Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động;

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn.

Căn cứ quan điểm, mục tiêu và tình hình thực tiễn nêu trên, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các địa phương chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.

Thứ hai, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao các địa phương cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;

Chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch;

Huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư để hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động.

Đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: “Một cung đường, hai điểm đến”, “3 tại chỗ”, “Ba cùng”… và các mô hình phù hợp để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách làm hay, mô hình hiệu quả vào thực tế địa phương; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương; không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản.

Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. Các địa phương áp dụng thống nhất quy định cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.