Các siêu thị, trung tâm thương mại đã thông báo kế hoạch tăng thời gian mở cửa để phục vụ người dân mua sắm Tết Nguyên đán.

Hầu hết hệ thống siêu thị sẽ hoạt động đến 12h ngày 30 Tết và mở cửa trở lại từ Mùng 2 Tết. Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, các siêu thị cũng bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà; đồng thời tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp.

Hệ thống Big C tăng thời gian mở cửa từ 7h - 23h từ 17 tháng Chạp và duy trì đến 28 Tết. Riêng 29 Tết, hệ thống Big C sẽ mở cửa lúc 6h và dừng hoạt động lúc 14h. Siêu thị này cũng đóng cửa vào ngày mùng 1 nhưng mở cửa phục vụ người dân từ 8h - 22h30 vào mùng 2 và 3.

Các cửa hàng, địa điểm kinh doanh của Hapro sẽ mở cửa phục vụ muộn nhất đến 18h ngày 29 Tết (ngày 31-1) và mở cửa trở lại từ mùng 3 Tết, tức ngày 3-2 (từ 7h đến 22h). Hệ thống siêu thị Hapromart tại huyện Gia Lâm mở cửa trở lại từ ngày 4 Tết, tức ngày 4-2 (từ 9h đến 17h).

Riêng Nhà hàng Thủy Tạ phục vụ khách hàng đến 24h ngày 29 Tết và mở cửa trở lại từ 1h – 10h sáng mùng 1 Tết. Hệ thống siêu thị Hapromart tại huyện Gia Lâm mở cửa trở lại phục vụ người tiêu dùng từ ngày 4 Tết (từ 9h – 17h.

Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, các cửa hàng, điểm kinh doanh của Hapro cũng bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà; đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp và khu vực ngoại thành Hà Nội.

Tương tự, siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) cho biết, siêu thị sẽ bán hàng đến 12h ngày 29 Tết và mở cửa ngày mùng 4 Tết. Từ ngày 6-2 (tức mùng 6 Tết) siêu thị mở cửa bình thường từ 8h đến 22h.

Trong khi đó, VinMart và VinMart+ có thời gian nghỉ Tết dài nhất trong các hệ thống siêu thị. Theo đó, Vinmart sẽ mở cửa phục vụ khách mua sắm đến 12h ngày 29 Tết. VinMart+ sẽ mở đến 16h cùng ngày. Toàn bộ hệ thống mở trở lại từ ngày mùng 4 Tết.

Hệ thống siêu thị Aeon cho biết sẽ hoạt động thêm giờ và mở cửa xuyên Tết để phục vụ người dân đến mua sắm, giải trí.

Không chỉ tăng thời gian mở cửa phục vụ nhân dân dịp Tết, các siêu thị còn bảo đảm nguồn hàng dồi dào, không biến động về giá. Theo dự báo, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên sức mua tháng giáp Tết Nguyên đán có thể không tăng so cùng kỳ, nhu cầu người dân chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tập trung dự trữ những mặt hàng truyền thống trong nước với chất lượng bảo đảm, giá cả ổn định, mẫu mã phong phú.

Hàng hóa phục vụ thị trường Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Nước mắm, dầu ăn, thực phẩm khô, thịt tươi sống gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến sẵn, bánh mứt, kẹo, xăng dầu... Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc gián đoạn nguồn cung.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô mua sắm Tết là 18.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu.

Thành phố Hà Nội cũng chủ động phương án đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).

Các nhóm hàng bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gồm: Các thực phẩm thiết yếu, như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... cùng với đó là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng nằm trong danh sách chuẩn bị nguồn cung.

[Quảng cáo]