PV: Được biết, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty Phát điện 3 - EVNGENCO3 sẽ diễn ra trong thời gian ngắn sắp tới. Ông kỳ vọng gì ở việc CPH EVNGENCO3 với tư cách là một nhà đầu tư?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Do đầu tư nhà máy nhằm đáp ứng tốt nhất mức độ tăng trưởng cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa xây dựng nhà máy có công suất lớn, vừa nghiên cứu để tiếp tục đầu tư mới, nên EVNGENCO3 đã phải huy động nguồn vốn lớn từ trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, với kinh nghiệm dày dặn trọng lĩnh vực sản xuất điện, đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, các đối tác chiến lược chắc chắn sẽ hỗ trợ EVNGENCO3 không những về mặt quản trị, công nghệ mà còn cả vấn đề huy động vốn để cân bằng tài chính, tăng thêm nguồn vốn cho đẩy mạnh đầu tư thêm các dự án tiềm năng và tất nhiên là cũng giúp làm lành mạnh tài chính.


PV: Suy nghĩ như vậy liệu có quá lạc quan không, thưa ông?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Nói đi cũng phải nói lại, sở hữu cổ phần EVNGENCO3 cũng đem lại các lợi ích đặc biệt cho đối tác chiến lược khi sở hữu DN có thị phần lớn nhất trong các Tổng Công ty phát điện độc lập (chiếm 16%) ở một thị trường khá lớn có tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nhanh (khoảng 10%/năm trong 10 năm tới). Lượng FDI đăng kí và giải ngân sẽ là động lực hỗ trợ tăng trưởng ngành điện bên cạnh nền kinh tế nội địa cũng tăng trưởng khả quan. Chúng ta có thể thấy, tổng vốn FDI vào Việt Nam (cấp mới, điều chỉnh, mua cổ phần,…) năm 2017 vừa qua là gần 36 tỷ USD, tức là tăng xấp xỉ 45% so với năm 2016. Hay nói cách khác, chúng ta đang ở trong một nền kinh tế có thể nói là sôi động bậc nhất trong khu vực.

Đồng thời, rõ ràng sở hữu EVNGENCO 3 ở mức cao cho phép nhà đầu tư chiến lược cùng với EVNGENCO3 có thể phát triển các nhà máy điện dễ dàng hơn, đặc biệt về thủ tục chính sách. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu phát triển một nhà máy điện cỡ lớn ở Việt Nam cần từ 1,5-2 tỷ USD và phải thông qua hàng loạt các thủ tục chính sách, thì nay chỉ cần 500 triệu USD đã có thể sở hữu được một DN có 6 nhà máy. Và, nếu phát triển nhà máy mới dưới danh nghĩa EVNGENCO3 thì dễ dàng hơn nhiều so với tự phát triển. Nói chung, câu chuyện chúng tôi thấy ở đây là cả đối tác chiến lược và EVNGENCO3 nếu về được với nhau thì đều thấy có lợi cho cả hai bên.


PV: Với quan điểm cá nhân như vậy, có vẻ như sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư cá nhân?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Quan điểm của cá nhân tôi đúng là sẽ làm nản lòng nhà đầu tư cá nhân với mục tiêu đầu tư ngắn hạn khi định giá ở mức cao với giá khởi điểm 24.600 đồng/cp. Tuy nhiên, với việc đầu tư dài hạn có tầm nhìn 5-10 năm, và với lợi thế khi sở hữu cổ phần EVNGENCO3 như tôi trình bày ở trên thì với tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ có nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cổ phần EVNGENCO3. Trường hợp người Thái sẵn sàng trả 5 tỷ USD để mua cổ phần SABECO cho thấy mức độ hấp dẫn của các DN đầu ngành của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 10%/năm trong dài hạn và có những lợi thế độc quyền nhất định.


PV: Theo ông, EVNGENCO3 sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đáp ứng được những tiêu chí nào? Vì sao?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Thứ nhất, về kinh nghiệm trong ngành điện, tôi cho rằng EVNGENCO3 sẽ ưu tiên lựa chọn DN có kinh nghiệm trong ngành điện và có yếu tố công nghệ cao để hỗ trợ EVNGENCO3 tiếp tục đầu tư vào những nhà máy công nghệ cao với suất đầu tư vừa phải.

Thứ hai, về tiềm lực tài chính, đòn cân nợ của EVNGENCO3 ở mức cao, cho nên rõ ràng EVNGENCO3 cần một đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh.

Thứ ba, về chiến lược đầu tư và phát triển bền vững, EVNGENCO3 sẽ phải cảm nhận được sự hòa hợp về chiến lược giữa đội ngũ lãnh đạo cũ, mà các nhà đầu tư chúng tôi đánh giá là khá xuất sắc, với nhà đầu tư chiến lược mới. Bởi việc có thể sở hữu 36% vốn khiến cho quyền hạn của cổ đông chiến lược lớn hơn rất nhiều, và khi đó bất kỳ mâu thuẫn nào liên quan đến chiến lược phát triển cũng sẽ khiến EVNGENCO3 đi chậm lại. Chúng tôi nhận thấy, chiến lược sắp tới của EVNGENCO3 sẽ tập trung vào nhiệt điện khí sử dụng nhiên liệu LNG và năng lượng tái tạo. Vì thế, những DN mạnh ở mảng này sẽ được ưu tiên lựa chọn.

PV: Xin cảm ơn ông!