Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA và CPTPP có mức độ mở cửa cao hơn trong WTO đối với một số ngành như dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, dịch vụ vận tải…

 

Cam kết về thương mại dịch vụ và đầu tư

Hình thức cam kết:

Trong Hiệp định EVFTA, hai bên xây dựng biểu cam kết cụ thể theo cách tiếp cận chọn-cho, tức là liệt kê các ngành, phân ngành có cam kết mở cửa thị trường.

Biểu cam kết cụ thể Hiệp định EVFTA chỉ phải chịu nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng, tức là trong trường hợp chính sách trong nước cho phép mở cửa hơn so với mức độ cam kết thì trong tương lai nếu thay đổi chính sách này sẽ không được kém hơn mức cam kết tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực.

Trong khi đó, trong Hiệp định CPTPP, các nước xây dựng biểu cam kết theo cách tiếp cận chọn-bỏ, tức là liệt kê các ngành, phân ngành bị hạn chế về mở cửa thị trường.

Ngoài ra, các nước cũng cam kết áp dụng nguyên tắc “chỉ tiến không lùi”, tức là chỉ được điều chỉnh, thay đổi chính sách theo hướng tốt hơn mức đã áp dụng trước đó. Riêng Việt Nam có thời gian chuyển đổi 3 năm mới phải áp dụng nguyên tắc này.

Mức độ mở cửa thị trường:

Cả EVFTA và CPTPP có mức độ mở cửa cao hơn trong WTO đối với một số ngành như dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, dịch vụ vận tải… Trong số các dịch vụ này, giữa hai Hiệp định có mức độ cam kết khác nhau nhất định:

Đối với dịch vụ tài chính: Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao hơn khi xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần (ngoại trừ các ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) của Việt Nam trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Dịch vụ vận tải: Trong EVFTA, đối với dịch vụ gom hàng và dịch vụ tái phân phối công-ten-nơ rỗng, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế của EU hoặc thành viên EU thực hiện các dịch vụ này trên tuyến Quy Nhơn - Cái Mép, sau 5 năm sẽ cho phép thực hiện dịch vụ tái phân phối công-ten-nơ rỗng trên tất cả các tuyến.

Với dịch vụ nạo vét, Việt Nam cho phép doanh nghiệp EU lập liên doanh tới 51%. Đối với dịch vụ mặt đất ở sân bay, Việt Nam cam kết sau 5 năm kể từ khi mở cửa cho khu vực tư nhân sẽ cho phép các doanh nghiệp EU lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó vốn của phía nước ngoài không quá 49%, để đấu thầu cung cấp dịch vụ này.

Ba năm sau đó, hạn chế vốn nước ngoài sẽ là 51%. Đây là những nội dung cam kết cao hơn của Hiệp định EVFTA so với Hiệp định CPTPP.

Về dịch vụ phân phối: Cả hai Hiệp định đều có mức cam kết cao hơn so với WTO ở điểm bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Tuy nhiên tại cam kết về ENT, trong EVFTA, Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp kế hoạch và quy hoạch không phân biệt đối xử, trong khi không bảo lưu tương tự trong Hiệp định CPTPP.

Về diện mặt hàng, trong Hiệp định CPTPP ta đã loại bỏ mặt hàng gạo và đường mía ra khỏi bảo lưu dịch vụ phân phối, trong khi đó vẫn duy trì bảo lưu trong Hiệp định EVFTA.

Mua sắm của Chính phủ

Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, Hiệp định EVFTA và CPTPP khác nhau chủ yếu về diện cam kết.

Trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa đối với mua sắm của các Bộ, ngành trung ương và không cam kết mở cửa đối với mua sắm của các cơ quan cấp địa phương và các tập đoàn, tổng công ty.

Nhưng trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa mua sắm đối với cả các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương, cụ thể là các Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ phục vụ mục tiêu an ninh - quốc phòng), 2 địa phương là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ

Cả hai Hiệp định EVFTA và CPTPP đều có mức bảo hộ cao đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên cơ sở Hiệp định TRIPS của WTO. Về mức độ cam kết cụ thể, có một số điểm khác biệt chính như:

Về sáng chế, Hiệp định EVFTA yêu cầu phải có cơ chế bù đắp thỏa đáng cho trường hợp thời gian khai thác bằng sáng chế đã có hiệu lực bị rút ngắn vì chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành thuốc. Trong khi ở Hiệp định CPTPP, cam kết về đền bù thời gian khai thác bằng sáng chế do chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành thuốc đã được tạm hoãn.

Về kiểu dáng công nghiệp, thời hạn bảo hộ trong EVFTA ít nhất là 15 năm, còn CPTPP là 10 năm

Về chỉ dẫn địa lý, tại EVFTA chỉ áp dụng đối với các chỉ dẫn địa lý về rượu vang, rượu mạnh, sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Việt Nam cam kết công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU (chủ yếu là chỉ dẫn địa lý dùng cho rượu và thực phẩm), và EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Hiệp định CPTPP không yêu cầu các bên phải bảo hộ một danh sách các chỉ dẫn địa lý nhất định như Hiệp định EVFTA. Thay vào đó, các bên có thể bảo hộ chỉ dẫn địa lý qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng.

Về biện pháp thực thi, Hiệp định CPTPP có yêu cầu xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Hiệp định EVFTA không yêu cầu chế tài hình sự.

[Quảng cáo]