Sóc Trăng đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản

Năm 2021, Sóc Trăng một lần nữa trở thành “điểm sáng” về xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đang dẫn đầu cả nước
ong chieu
Ông Võ Văn Chiêu – Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng

Năm 2021, một lần nữa đại dịch Covid-19 lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, đặc biệt là hoạt động thương mại. Tuy nhiên, xuất khẩu của Sóc Trăng vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc khi kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2021 đạt trên 1 tỷ 50 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ và gần bằng cả năm 2020 (năm 2020 đạt 1 tỷ 115 triệu USD).

Nguyên nhân nào giúp cho Sóc Trăng có bước phát triển đột phá về xuất khẩu như vậy, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Võ Văn Chiêu – Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng.

Biểu đồ
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Sóc Trăng đứng đầu khu vực ĐBSCL

PV: Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng đứng đầu tốc độ tăng trưởng của khu vực ĐBSCL với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Năm 2021, Sóc Trăng một lần nữa trở thành “điểm sáng” về xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đang dẫn đầu cả nước. Xin ông cho biết, nguyên nhân nào khiến kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng tăng ngoạn mục như vậy?

Ông Võ Văn Chiêu: Từ đầu năm 2021 đến nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng so cùng kỳ nhờ tác động từ lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết với nhiều nước trên thế giới. Song song với các lợi thế đến từ các FTA song phương và đa phương, Việt Nam còn có lợi thế do việc kiểm soát tốt dịch bệnh tạo ra tính ổn định trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và tăng trưởng xuất khẩu.

Ngoài ra, theo dự báo, quy mô thị trường tôm toàn cầu sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026. Vì vậy, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 ảnh hưởng sản xuất và chuỗi cung ứng xuất khẩu; tăng năng lực cạnh tranh và thị phần ở các thị trường lớn và chiến lược như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… Nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tận dụng lợi thế thuế quan cho xuất xứ thuần Việt Nam của sản phẩm tôm nuôi trong các FTA.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Sóc Trăng cũng rất linh hoạt và nhạy bén để khai thác cơ hội giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên theo nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trong thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tôm
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Sóc Trăng

PV: Ông có thể cho biết những sản phẩm nào là sản phẩm chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu của Sóc Trăng?

Ông Võ Văn Chiêu: Xuất khẩu là thế mạnh của tỉnh với nhiều mặt hàng chủ lực cho giá trị lớn, trong đó tôm và gạo là nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2021 ước đạt 835 triệu USD  (trong đó tôm ước đạt 805 triệu USD), tăng 21% so với cùng kỳ, xuất khẩu gạo đạt 183 triệu USD tăng 41% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản hy vọng sẽ chạm mốc 1 tỷ USD, xuất khẩu gạo sẽ gần mốc 200 triệu USD.

 Ngoài gạo và tôm đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu còn có các sản phẩm rau, quả đóng hộp và sản phẩm may mặc. Với tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng xuất khẩu nêu trên, khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch năm, tăng 7,6% so với năm trước.

Gạo
Gạo ST25 của Sóc Trăng đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới

PV: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương Sóc Trăng sẽ thực hiện những giải pháp nào để kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng vào cuối năm 2021?

Ông Võ Văn Chiêu: Sở Công Thương Sóc Trăng sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, hỗ trợ các DN chế biến xuất khẩu trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh trong đó có thế mạnh là tôm xuất khẩu.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp vừa phù hợp với thị trường, vừa đồng bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm và nhất là khai thác được lợi thế cơ cấu ngành hàng thế mạnh của tỉnh.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế như tham gia các hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường; Thông tin nhanh những quy định mới của các nước nhập khẩu sản phẩm Sóc Trăng về phòng chống dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các quốc gia vùng dịch. Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, nhất là đối với các ngành hàng chủ lực.

Hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu hàng hóa theo quy định mới về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản. Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh việc vận chuyển nguyên, nhiên liệu đầu vào và vấn đề vận chuyển container hàng xuất khẩu.

Nuôi tôm
Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm

Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến thủy sản; Áp dụng ngày càng nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mô hình tôm – lúa; chuyển đổi các mô hình nuôi thuỷ sản nhỏ lẻ công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp sang nuôi thuỷ sản công nghiệp có quy mô lớn;

Hỗ trợ kết nối cung cầu thị trường lao động, bảo đảm không thiếu hụt, nhất là các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh, với ngành hàng chế biến, xuất khẩu thủy sản, gạo. Làm tốt cơ chế điều hành mùa vụ nuôi trồng để sẵn sàng nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp xuất khẩu. Tiếp tục thu hút các dự án nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản tại Sóc Trăng.

Tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

 

Nguyên Vỵ thực hiện