Ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua các biểu hiện xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, sạt lở đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân Sóc Trăng. Mùa khô năm 2019 – 2020, trên địa bàn tỉnh mặn xâm nhập sớm, sâu và độ mặn cao hơn so với trung bình nhiều năm. Từ giữa tháng 11/2019 mặn đã xâm nhập theo cửa sông Hậu và sông Mỹ Thanh. Tình hình này đã có nhiều ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, ước tính tổng thiệt hại do xâm nhập mặn gần 21 tỷ đồng. 

Biến đổi khí hậu
Nhiều diện tích lúa ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng vì hạn hán và xâm nhập mặn

Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sóc Trăng cho biết, để hạn chế tình trạng này, Sở đã thẩm định và trình UBND tỉnh Sóc Trăng cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; công bố danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; triển khai Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Ngoài ra, nhiều giải pháp công trình và phi công trình cũng được thực hiện nhằm giảm thiệt hại đáng kể do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Trong đó, tăng cường hiệu quả, chất lượng của công tác dự báo, thường xuyên thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó giúp các tổ chức có liên quan và người dân kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động cho các hoạt động sản xuất.

Biên đổi khí hậu
Sóc Trăng đã có nhiều giải pháp chống biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với BĐKH, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Mục  tiêu của Kế hoạch này là tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các huyện, thị, thành phố; giao thông đường bộ, đường thủy phát triển đồng bộ, kết nối trong tỉnh, liên tỉnh và đảm bảo kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ với hệ thống thủy lợi, đê điều; xây dựng nông thôn mới thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường...

Lan tỏa mô hình chống rác thải nhựa

Tại Sóc Trăng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 700 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm tỷ lệ không nhỏ, gây mất nhiều thời gian và khó khăn cho việc xử lý. Đáng lo ngại, hiện nay nhiều người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn, rác thải được thu gom cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt để tập hợp về các bãi rác tập trung để xử lý theo hình thức chôn lấp hoặc đốt.

Rác thải nhựa
Các cơ quan công sở của Sóc Trăng dùng bình thủy tinh, cốc sứ thay cho chai nhựa dùng 1 lần

Trước những nguy cơ hiện hữu về ô nhiễm rác thải nhựa, thời gian qua, tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và tầng lớp nhân dân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa và túi nilông khó phân hủy trong sinh hoạt. Việc dễ nhận thấy nhất là trong các cuộc họp, hội nghị được tổ chức tại nhiều cơ quan nhà nước hiện nay không còn sử dụng chai nhựa dùng một lần để đựng nước uống, thay vào đó là chai thủy tinh, bình sứ.

Ngoài ra, Sở TN&MT và các sở, ngành, địa phương, đoàn thể của tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, chương trình bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều cách làm hay được đông đảo người dân và các em học sinh hưởng ứng thực hiện nhiệt tình như: Câu lạc bộ “Biến rác thành tiền”; Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; Ngôi nhà “Thu gom rác thải nhựa trong trường học”; đổi rác nhựa lấy phân bón hữu cơ…

Không chỉ vậy, nhiều cá nhân khác cũng có những cách làm sáng tạo để góp phần kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng ống hút sậy, sử dụng bao bì mì gói để làm túi xách, sử dụng ly giấy trong khi dùng nước uống... Những cách làm hay này đều hướng đến mục tiêu chung là góp phần hạn chế việc sử dụng đồ nhựa và túi nilông khó phân hủy, kêu gọi cộng đồng thay thế bằng sản phẩn thân thiện với môi trường.

Rác thải nhựa
Hội phụ nữ Sóc Trăng với phong trào "Biến rác thành tiền"

Ông Ngô Thái Chân chia sẻ thêm, thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, như: lắp đặt bảng điện tử, pa nô tuyên truyền; lắp đặt thùng rác inox thay thế thùng rác nhựa; xây dựng mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức tập huấn và trao giỏ xách đi chợ cho các Câu lạc bộ Phụ nữ “Hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Để phong trào “Chống rác thải nhựa” lan tỏa trên địa bàn tỉnh và đi vào chiều sâu, hiện quả, lâu dài trong thời gian tới, Sở mong muốn các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng thời, hạn chế sử dụng nước uống đóng chai tại các cuộc họp trong cơ quan, đơn vị; vận động mọi người hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các phẩm thân thiện với môi trường, góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.