Sự ảnh hưởng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhãn hiệu xanh, bao bì xanh đến ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng Hà Nội

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Lao động - Xã hội)

TÓM TẮT:

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã có nhận thức về việc tiêu dùng xanh, hiểu về những hậu quả của những hành vi gây ô nhiễm môi trường, trong đó có hành vi tiêu dùng sản phẩm không thân thiện với môi trường. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp định tính và định lượng, với mẫu nghiên cứu là 207 người tiêu dùng tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua của người tiêu dùng Hà Nội, là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhãn hiệu xanh, bao bì xanh. Từ kết quả này, một số giải pháp và khuyến nghị được đưa ra cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy hành vi mua sắm sản phẩm xanh của người tiêu dùng Hà Nội.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ý định mua sản phẩm xanh, người tiêu dùng, sản phẩm xanh.

1. Đặt vấn đề

Thực trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Thời gian qua, nhiều ngày Hà Nội ở mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tác nhân gây ô nhiễm môi trường có rất nhiều, trong đó có việc gia tăng dân số trên địa bàn thành phố trong khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp thời kéo theo các vấn đề về nước thải và rác thải, cùng với các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp mọc lên nhanh chóng, lượng nước thải, khí thải của nhiều doanh nghiệp chưa được xử lý triệt để trước khi đưa ra ngoài môi trường. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng sản xuất những sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chưa có nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quyết liệt trong thay đổi hành vi mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường.

2. Cơ sở lý luận và mô hình nghiên cứu đề xuất

Sản phẩm xanh là một sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà không gây hại cho môi trường và góp phần hướng tới một thế giới bền vững hơn (Shamdasami, Chon-Lin và Richmont, 1993). Các sản phẩm xanh sử dụng vật liệu an toàn hơn với môi trường, có thể tái chế và yêu cầu đóng gói ít hơn (Chan và Chai, 2010). Một số ví dụ về các sản phẩm xanh là: sản phẩm thực phẩm hữu cơ, thiết bị điện tử tiết kiệm năng lượng, sản phẩm tái chế,…

Ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng

Ý định được giả định để kiểm soát các yếu tố động cơ ảnh hưởng đến hành vi. Chúng là những dấu hiệu cho thấy mọi người sẵn sàng cố gắng nỗ lực như thế nào hoặc họ dự định sẽ nỗ lực như thế nào để thực hiện hành vi. Ý định tham gia vào một hành vi nào đó càng mạnh thì hành vi thực tế càng có nhiều khả năng được thực hiện (Ajzen, 1991).

Ý định mua sản phẩm xanh được định nghĩa là việc một cá nhân có quan tâm và có thiện cảm với sản phẩm xanh hơn là sản phẩm thông thường trong quá trình ra quyết định mua sắm (Aman và cộng sự, 2012). Theo Chan (2001), ý định mua sản phẩm xanh có khả năng ảnh hưởng lớn đến quá trình mua sản phẩm xanh và ý định mua xanh là yếu tố dự báo hành vi mua xanh. Hơn nữa, ý định mua sản phẩm xanh có thể được chuyển thành hành vi mua thực tế khi người tiêu dùng tin rằng, việc tiêu thụ các sản phẩm xanh của họ mang lại hiệu quả tích cực cho bản thân, gia đình họ và cho xã hội (Follows & Jobbers, 2000).

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)

Carroll (1991) chỉ ra rằng khái niệm CSR nên bao gồm bốn trụ cột: kinh tế, pháp luật, đạo đức và từ thiện. “Kinh doanh có trách nhiệm xã hội” là cam kết của doanh nghiệp nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung (Kinh doanh vì Trách nhiệm xã hội, 2012). Ủy ban Cộng đồng châu Âu năm 2001 đã đưa ra định nghĩa “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là việc các công ty tích hợp các mối quan tâm của họ về xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh và tương tác của họ với các bên liên quan trên cơ sở tự nguyện”.

Nhãn hiệu xanh

Rotherham (1999) đã định nghĩa nhãn hiệu xanh là tập hợp các ký hiệu mô tả những tác động tích cực của sản phẩm đến môi trường, liên quan đến việc sản xuất hoặc sử dụng sản phẩm. Các nhãn hiệu xanh ngày càng được các nhà marketing sử dụng để thúc đẩy nhận dạng các sản phẩm xanh (D’Souza và cộng sự, 2006). Nhiều nghiên cứu về nhãn hiệu xanh muốn tìm hiểu cách thức thiết kế nhãn hiệu như thế nào để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng khi họ muốn mua một sản phẩm an toàn với môi trường. Nghiên cứu của Nik Abdul Rashid (2009) cho thấy, nhận thức về nhãn hiệu xanh có tác động tích cực với ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng.

Bao bì xanh

Draskovic và cộng sự (2009) đề xuất rằng, bao bì là một công cụ giao tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, và nó có khả năng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Nhận thức của người tiêu dùng về bao bì gồm: hình dạng, kích thước, màu sắc, chất liệu và thông tin được ghi trên bao bì. Để hiểu sâu hơn về vai trò truyền thông của bao bì và ảnh hưởng của bao bì đến người tiêu dùng, phải điều tra xem người tiêu dùng cảm nhận bao bì như thế nào. Trong nghiên cứu của Van Dam và Van Trijp (1994), người tiêu dùng ưa thích mua và sử dụng những sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường, thể hiện qua chất liệu không gây hại môi trường, hình thức, cách đóng gói đơn giản, có khả năng tái chế hay tái sử dụng của bao bì.

Từ tổng quan các nghiên cứu, giả thuyết được đặt ra trong nghiên cứu này là: Niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm xanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhãn hiệu xanh, bao bì xanh là các nhân tố tác động đến ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng Hà Nội.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

mo_hinh_nghien_cuu_de_xuat Các giả thuyết nghiên cứu được đặt ra là:

H1: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có mối quan hệ thuận chiều với ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng.

H2: Nhãn hiệu xanh có mối quan hệ thuận chiều với ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng.

H3: Bao bì xanh có mối quan hệ thuận chiều với ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng.

 3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu định tính và định lượng được sử dụng để đạt được mục tiêu nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu định tính nhằm lược khảo tài liệu có liên quan nhằm tìm ra được các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua sản phẩm xanh. Phương pháp nghiên cứu định lượng được tiến hành nhằm xác định mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua sản phẩm xanh trên địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu định tính được thực hiện với phương pháp thảo luận nhóm và lấy ý kiến chuyên gia nhằm hiệu chỉnh bảng hỏi cuối với 15 biến và dùng thang đo 5 cấp độ Likert nhằm thu thập số liệu cho nghiên cứu định lượng. Bảng hỏi chính thức được gửi tới 250 người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội vào tháng 8/2020 bằng hai hình thức, phỏng vấn trực tiếp và gửi bảng khảo sát trực tuyến qua zalo, mail. Việc lấy phiếu này đảm bảo số phiếu bao quát về số lượng người tiêu dùng về các đặc điểm về giới tính, tuổi, trình độ học vấn, tổng thu nhập hộ gia đình, nghề nghiệp. Từ 250 phiếu khảo sát được phát ra và thu về, sau khi loại đi những phiếu không đạt yêu cầu, còn lại 207 phiếu khảo sát hợp lệ (đạt 82,8%) được sử dụng phân tích.

Việc xây dựng các thang đo dựa trên thang đo của các nghiên cứu trong và ngoài nước, cụ thể ở Bảng 1.

Bảng 1. Nguồn thang đo

nguon_thang_do

 Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0, gồm các bước: Thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hệ số tương quan, phân tích hồi quy tuyến tính.

 4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả đánh giá độ tin cậy của yếu tố cấu thành đo lường các biến nghiên cứu: Các biến quan sát đều có hệ số Cronbach alpha nếu loại biến nhỏ hơn hệ số Cronbach alpha chung, các hệ số tương quan biến - tổng thỏa điều kiện hệ số tương quan biến - tổng > 0.3. Kết quả cho thấy các yếu tố cấu thành đo lường các biến đều đảm bảo độ tin cậy và có thể sử dụng trong các phân tích tiếp theo.

Kết quả phân tích nhân tố EFA cho thấy, KMO = 0.876 thỏa mãn điều kiện KMO > 0.5, kết quả kiểm định Barlett cho thấy p = 0.000 < 5%, các hệ số tải đều lớn hơn 0.5, có nghĩa là các biến có quan hệ với nhau và có đủ điều kiện để phân tích nhân tố bằng kiểm định EFA.

Kết quả phân tích tương quan, các giá trị hệ số tương quan giữa biến độc lập và biến phụ thuộc đều có ý nghĩa ở mức 99%. Hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc là “Ý định mua sản phẩm xanh” và các biến độc lập là tương đối cao, các biến độc lập có nhìn thấy có nhìn thấy ít tương quan với nhau. Như vậy, ta có thể kết luận sơ bộ là các biến độc lập phù hợp để đưa vào mô hình giải thích cho biến phụ thuộc và các biến độc lập có mối tương quan thuận chiều với biến phụ thuộc “Ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng”.

Kết quả kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến cho thấy, hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến độc lập được đưa vào phân tích đều có giá trị < 2. Như vậy, tính đa cộng tuyến của các biến độc lập không đáng kể và các biến trong mô hình được chấp nhận. Kết quả kiểm định F được thể hiện trong Bảng 1 cho thấy, giá trị F = 72.674, giá trị sig = 0.000, do vậy, mối quan hệ này đảm bảo độ tin cậy với mức độ cho phép là 5%, nên có thể kết luận các biến độc lập có tác động đến ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng và mô hình hồi quy đa biến phù hợp với tập dữ liệu và có thể sử dụng được; Phân tích ANOVA cho kết quả sig = 0.000 rất nhỏ, chứng tỏ mô hình hồi quy là phù hợp; Hệ số R2 điều chỉnh = 0.568 chứng tỏ các bốn biến độc lập có thể giải thích 56.8% sự biến động của biến phụ thuộc. 

Bảng 2. Trọng số hồi quy đa biến với biến phụ thuộc

“Ý định mua sản phẩm xanh”

trong_so_hoi_quy_da_bien_voi_bien_phu_thuoc

Từ Bảng 2, mô hình mối tương quan hồi quy tuyến tính bội các nhân tố được biểu thị như sau: YDMX = 0.631 + 0.5* TNDN + 0.184 * NHX + 0.162 * BBX

Từ phương trình hồi quy trên, ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng chịu tác động bởi 3 nhân tố từ mô hình nghiên cứu. Ba nhân tố này đều tác động cùng chiều đến ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, nhân tố “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” tác động mạnh nhất với hệ số beta là 0.531; nhân tố “Bao bì xanh” tác động yếu nhất với hệ số beta 0.184 đến ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Cũng theo phương trình trên, khi 1 đơn vị “Ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng” tăng lên thì theo đó phải có sự cộng hưởng dương của 0.5 lần “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, 0.184 lần “nhãn hiệu xanh”, 0.162 lần “bao bì xanh”.

 5. Thảo luận kết quả và hàm ý quản trị

5.1. Thảo luận

Kết quả kiểm định cho thấy tương quan thuận giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và ý định mua thực phẩm xanh của người tiêu dùng ở giả thuyết H1. Người tiêu dùng Hà Nội sẽ tăng ý định mua sản phẩm xanh khi các công ty đặt ưu tiên cao hơn vào việc giảm ô nhiễm hơn là tăng lợi nhuận của chính họ. Người tiêu dùng sẽ ủng hộ các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của DN đối với sản phẩm xanh vì họ nghĩ rằng một phần tiền của họ sẽ góp phần giúp đỡ những người khác thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm định cho thấy tương quan thuận giữa nhãn hiệu xanh và ý định mua thực phẩm xanh của người tiêu dùng ở giả thuyết H2. Người tiêu dùng cũng có ý định mua sản phẩm xanh khi họ coi những gì được in trên nhãn sản phẩm xanh là chính xác, nghĩa là họ tin tưởng những chứng nhận của các cơ quan chức năng trong việc chứng nhận sản phẩm là xanh cho doanh nghiệp, họ cũng dễ dàng nhận biết, hiểu được ý nghĩa, có thiện cảm và tin tưởng sản phẩm của doanh nghiệp thông qua hình ảnh về logo, tên gọi nhãn hiệu xanh của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm định cho thấy tương quan thuận giữa bao bì xanh và ý định mua thực phẩm xanh của người tiêu dùng ở giả thuyết H3. Người tiêu dùng có ý định mua sản phẩm xanh khi sản phẩm đó có là bao bì có thể tái chế, có thể tái sử dụng và có bao bì đơn giản.

5.2. Hàm ý quản trị

Để người tiêu dùng gia tăng ý định và đi đến quyết định mua sản phẩm xanh, các doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư thích đáng trong việc nghiên cứu và triển khai các vấn đề về nhãn hiệu xanh, bao bì xanh, và thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, các hoạt động vì cộng đồng khác.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Doanh nghiệp có nhiều cách thức thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trong việc thúc đẩy ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng, trong đó trách nhiệm bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết. Trước hết, các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, từ đó doanh nghiệp sẽ thay đổi hành vi của mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp cần nghiên cứu, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu, đảm bảo không gây độc hại cho người lao động trong quá trình sản xuất, không gây hại sức khỏe cho người sử dụng và ảnh hưởng lâu dài cho môi trường khi bị loại bỏ. Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến quy trình sản xuất an toàn, chất thải được tạo ra trong quá trình này cần phải được xử lý triệt để, không gây ô nhiễm ra môi trường sống của cư dân.

Các hoạt động vì cộng đồng khác: doanh nghiệp có thể phát động hay cùng cộng đồng tham gia các chương trình chung bảo vệ môi trường như tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng túi nylon khi đi chợ; cùng hưởng ứng và tham gia tài trợ cho các cá nhân và hộ gia đình nghèo trong đề án bỏ xe máy/ ô tô cũ nát vẫn còn lưu thông và bếp than tổ ong ở các thành phố lớn. Hoặc doanh nghiệp có thể xây dựng văn hóa không sử dụng hay hạn chế sử dụng túi nylon và đồ nhựa trong văn phòng làm việc của mình.

Nhãn hiệu xanh

Tiêu chí nhãn xanh Việt Nam bao gồm, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại. Thông qua nhãn hiệu xanh, khách hàng sẽ có thiện cảm, tin cậy đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Do vậy, khi thiết kế nhãn hiệu xanh, doanh nghiệp cần lưu ý về logo, tên gọi, việc đăng ký. Ví dụ, logo phải thể hiện được đặc trưng của ngành, phải đơn giản, dễ ghi nhớ, với bố cục hài hòa, đường nét rõ ràng, màu sắc nổi bật gắn với đặc trưng ngành nghề như màu xanh lá cây, màu xanh nước biển, màu sắc tự nhiên của rau củ quả, màu của đất....Tên gọi, phải dễ đọc, dễ nhớ, không bị khách hàng liên tưởng đến ý nghĩa tiêu cực, có thể liên quan đến ngành nghề/ sản phẩm doanh nghiệp kinh doanh, không trùng lặp với các nhãn hiệu sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác, phải phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu. Sau khi đã thiết kế nhãn hiệu xanh, doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và làm các thủ tục chứng nhận nhãn hiệu xanh cho sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu “Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT” do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 2/12/2013 quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận và gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bao bì xanh

Bao bì là một trong lý do quan trọng trong việc khách hàng quyết định mua một sản phẩm, do vậy, doanh nghiệp cần quan tâm đến chất liệu bao bì, việc tái sử dụng, tái chế và sự đơn giản của bao bì. Doanh nghiệp có thể sử dụng bao bì nilon tự hủy sinh học được làm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp có thể tổ chức thu gom, khuyến khích người sử dụng đổi trả lại bao bì đã qua sử dụng hoặc hỗ trợ bao bì cho các trung gian bán lẻ như siêu thị trong việc cung cấp túi đựng hàng sử dụng nhiều lần. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể kết hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc tổ chức những chương trình tuyên truyền, vận động người dân sử dụng túi có chất liệu thân thiện môi trường, túi được sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm.

6. Kết luận

Nghiên cứu đánh giá quan hệ giữa 3 nhân tố: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhãn hiệu xanh, bao bì xanh và ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng Hà Nội. Nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu định lượng đã được đề xuất với bảng hỏi gồm 3 nhân tố và 15 biến. Có 207 bảng hỏi hợp lệ trong tổng số 250 bảng hỏi và kết quả kiểm định đã xác thực tất cả các giả thuyết nghiên cứu ở khoảng tin cậy 99%.

Đóng góp về mặt lý thuyết

Nghiên cứu củng cố lý thuyết về mối tương quan giữa các nhân tố: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhãn hiệu xanh, bao bì xanh và ý định mua sản phẩm xanh. Trong đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có ảnh hưởng nhiều nhất đến ý định mua sản phẩm xanh, tiếp đến là nhãn hiệu xanh, bao bì xanh.

Đóng góp về mặt thực tiễn

Nghiên cứu đưa ra một số đề xuất đối với doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh để cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng, an toàn sức khỏe cho người sử dụng, không gây hại cho môi trường sinh thái. Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm khác với cộng đồng như chủ động, tích cực tham gia các chương trình bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc thiết kế, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu xanh, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, có thể tái chế, tái sử dụng,…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior.Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50 (2), 179-211.
  2. Aman, A. H. L., Harun, A., & Hussein, Z. (2012). The influence of environmental knowledge and concern on green purchase intention the role of attitude as a mediating variable. British Journal of Art and Social Sciences, 7 (2), 145-167.
  3. Chan, R.Y. (2001). Determinants of Chinese consumers’ green purchase behavior. Psychology & Marketing, 18 (4), 389-413.
  4. Carroll, A.B. (1991). The pyramid of corporate social responsibility: Toward the moral management of organizational stakeholders. Business horizons, 34(4),39-48.
  5. Chen, T. B., & Chai, L. T. (2010). Attitude towards the environment and green products: Consumers’ perspective. Management science and engineering, 4(2), 27-39.
  6. D´Souza, C., Taghian, M., & Lamb, P. (2006). An empirical study on the influence of environmental labels on consumers. Corporate Communications: An International Journal, 11(2), 162-173.
  7. Draskovic, N., J. Temperley and J. Pavicic. (2009). Comparative perception(S) of consumer goods packaging: Croatian consumers ‟perspective(S). International Journal of Management Cases, 11(2), 154-163. DOI 10.5848/APBJ.2009.00028.
  8. Follows, S. B., & Jobber, D. (2000). Environmentally responsible purchase behaviour: A test of a consumer model. European Journal of Marketing, 34(5), 723-746.
  9. Hair, J.J.F., W.C. Black, B.J. Babin and R.E. Anderson. (2010). Multivariate data analysis. 7th Edn. London: Pearson Prentice Hall.
  10. Li Saichao (2016), A study on factors affecting customer’s attitude toword intention to purchase green products in Bangkok, Thailand, the Graduate School of Bangkok University in Partial Fulfillment of the Requirements for the Degree Master of Business Administration.
  11. Nhu, N.T., My, D.V., & Thu, N.T.K. (2019). Determinants affecting green purchase intention: a case of Vietnamese consumers. Journal of Management Information and Decision Sciences, 22(2), 136-147.
  12. Nik Abdul Rashid. N. R. (2009). Awareness of Eco-label in Malaysia's Green Marketing Initiative. International Journal of Business and Management, 4(8), 132-141.
  13. Shamdasani P., Chon-Lin G., Richmond D. (1993). Exploring Green Consumers in An Oriental Culture: Role of Personal and Marketing Mix. Advances in Consumer Research, 20(1), 488–493.
  14. Van Dam, Y.K. and C.M. Van Trijp. (1994). Consumer perceptions of, and preferences for beverage containers. Food Quality and Preference, 5(4), 253-261. DOI: http:10.1016/0950-3293(94)90050-7.
  15. Wilson Kong, Amran Harun, Rini Suryati Sulong, Jaratin Lily. (2014). The influence of consumers’ perception of green products on green purchase intention, International Journal of Asian Social Science, 4(8), 924-939.

 

THE IMPACTS OF THE CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITTY, \GREEN LABEL AND GREEN PACKAGING ON THE GREEN PRODUCT PURCHASING INTENTION OF HANOIAN CONSUMERS

PhD. NGUYEN THI THU HUONG

Faculty of Business Administration, University of Labour and Social Affairs

ABSTRACT:

Currently, consumers have become more aware of green consumption and the impacts of their purchases on environment. This study was conducted by using qualitative and quantitative methods with the study sample of 207 consumers living in Hanoi. The study’s results indicate that there are three factors affecting the green product purchasing intention of Hanoian consumers. These factors are the corporate social responsibility, green label, and green packaging. Based on the study’s findings, some solutions and recommendations are proposed to help businesses promote the green consumption in Hanoi.

Keywords: Social responsibility, green product purchasing intention, consumers, green products.