Sự cần thiết của vốn huy động và giải pháp nâng cao hiệu quả việc huy động vốn cho các ngân hàng

ThS. TRƯƠNG NGỌC CHÂN - ThS. PHẠM ĐỨC TÀI (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế, vì vậy một trong những vấn đề quan trọng được ưu tiên hàng đầu là nguồn vốn. Để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải huy động vốn từ bên ngoài. Bài viết sẽ tìm hiểu về thực trạng huy động vốn của các ngân hàng, từ đó đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả việc huy động vốn tốt nhất cho các ngân hàng.

Từ khóa: Huy động vốn, tăng trưởng, lợi nhuận, vốn nhàn rỗi, ngân hàng.

I. Sự cần thiết của vốn huy động

Vai trò của nguồn vốn đối với các NHTM ngày nay trở nên rất quan trọng. Vốn là cơ sở, nền tảng để tổ chức mọi hoạt động trong nền kinh tế. Nghiệp vụ huy động vốn tuy không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho ngân hàng, nhưng là nghiệp vụ rất quan trọng. Không có nghiệp vụ huy động vốn coi như không có hoạt động của NHTM. Khi thành lập, ngân hàng phải có một số vốn điều lệ, nhưng số vốn này chỉ đủ để đầu tư cho các tài sản cố định như trụ sở, văn phòng, máy móc thiết bị, càng chưa đủ vốn để ngân hàng có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh như cấp tín dụng và các hoạt động ngân hàng khác. Để có vốn thực hiện các hoạt động này, đòi hỏi NHTM phải tận dụng, khai thác triệt để mọi nguồn vốn nhàn rỗi.

Tiềm lực về vốn trong nền kinh tế là rất lớn, nhưng để thu hút được là điều không đơn giản, vì trên thị trường ngày nay càng có nhiều các NHTM, các tổ chức tài chính (quỹ tiết kiệm bưu điện, quỹ tín dụng, công ty bảo hiểm...) cạnh tranh phát triển, gây khó khăn cho các công ty huy động vốn của NHTM. Nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng của nền kinh tế cũng tương đương với việc huy động vốn của các NHTM phải được tăng cường phù hợp. Do vậy, để phát huy vai trò và đáp ứng cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như cho chính bản thân các ngân hàng, việc huy động vốn trong kinh doanh cho tương lai chắc chắn sẽ được đặt lên hàng đầu đối với các NHTM. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để hoàn thiện hoạt động huy động vốn là rất thiết thực và cấp bách.

II. Tình hình huy động vốn năm 2016 và đầu năm 2017

1. Năm 2016

Theo báo cáo tháng 10/2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 14,1%, trong khi cùng kì năm trước chỉ tăng 8%, dòng vốn từ thị trường 1 (với đối tượng là dân cư và các tổ chức kinh tế) vẫn chảy mạnh về các NHTM. Đi sâu vào từng NHTM, về con số huy động tuyệt đối, các ngân hàng đã có tên tuổi với quy mô tài sản rất lớn và hệ thống chi nhánh lớn đang chiếm lĩnh thị trường vẫn tăng trưởng lượng tiền gửi, ví dụ như Ngân hàng Quân đội (3%), Eximbank (4,8%), Sacombank (9,4%); tăng trưởng ở mức khá hơn thì có Techcombank, ACB (xoay quanh mức 15%); nhưng ngược lại, lượng huy động vốn của VPBank lại giảm gần 3% so với thời điểm cuối năm trước. Ở phân khúc các ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao. Ví dụ, tăng trưởng lượng tiền gửi khách hàng ở Ngân hàng LienVietPostBank đạt khoảng gần 35%, còn Nam Á Bank khoảng hơn 32%. Có thể thấy được xu hướng người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn là các tổ chức kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng huy động từ dân cư tăng trưởng đến hơn 17% trong khi các tổ chức kinh tế chỉ tăng trưởng có 10,65%. Nguồn vốn huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM CP nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của Tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn.

Bảng 1. Tổng nguồn vốn và vốn huy động của các ngân hàng trong năm 2016

2. Năm 2017

Dự báo ngành Ngân hàng trong năm 2017 lạc quan trước triển vọng ổn định và gia tăng nguồn vốn. Kết quả điều tra cho thấy, các NHTM tiếp tục lạc quan về khả năng thu hút nguồn vốn huy động từ nền kinh tế trong năm 2017 trước những dự báo về một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn năm trước, đồng tiền ổn định và lạm phát nằm trong ngưỡng an toàn sẽ hỗ trợ thêm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Huy động vốn của toàn hệ thống NHTM được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 4,57% (VND: +5,13%; ngoại tệ: +0,75%) trong quý I/2017 và tăng 16,76% (VND: +18,12%; ngoại tệ: +0,95%) trong năm 2017. Đóng góp chủ yếu vào kỳ vọng về mức tăng huy động vốn chung là kỳ vọng về tốc độ trưởng huy động vốn bằng VND, trong đó huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ tăng nhẹ không đáng kể (dưới 1%, trong khi năm 2015 tăng gần bằng tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND). Kỳ vọng này khá sát với xu hướng và diễn biến thực tế trên thị trường, đồng thời thể hiện thành công của NHNN trong nỗ lực chống đô la hóa, chống tích trữ ngoại tệ trong nền kinh tế.

Theo công bố của Eximbank, từ ngày 5/1/2017, ngân hàng này áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức tăng từ 0,1-0,2%. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) tăng lên 4,6% một năm, 3 tháng lên 5% mỗi năm và 6 tháng là 5,6%.

Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9% lên 5%; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Riêng sản phẩm tiết kiệm Tích tài, ngân hàng tăng lãi suất 6 tháng và 9 tháng từ 5,2 - 5,3% lên 5,5%/năm.

Tại VPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,9%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này còn cộng thêm lãi suất với khoản gửi online, mức lãi suất online cao nhất hiện là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và các khoản tiền trên 5 tỷ đồng... Trước đó, thị trường cũng ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của hàng loạt ngân hàng khác, như: TPBank, Techcombank, PVcomBank..., với mức tăng thêm 0,1-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn.

Bảng 2. Lãi suất huy động của các ngân hàng mới công bố đầu năm 2017

Tuy nhiên,theo báo cáo quý I/2017, huy động vốn tăng 2,43 % thấp hơn 6,61% so với cùng kỳ năm ngoái, báo hiệu một năm đầy thách thức, khó khăn trong việc huy động vốn của NHTM.

Hình 1: Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn quý I/2017

III. Giải pháp tăng cường huy động vốn tại các ngân hàng

- Biện pháp kinh tế

Biện pháp kinh tế là biện pháp dựa vào yếu tố mang tính vật chất mà ngân hàng thông qua đó tác động đến nhu cầu và tâm lý của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng mình. Để nâng cao hiệu quả huy động vốn, biện pháp kinh tế mà ngân hàng có thể áp dụng đối với khách hàng là chính sách lãi suất huy động hấp dẫn, tổ chức khuyến mãi tặng quà cho khách hàng gửi lớn, gửi nhiều, khách hàng truyền thống thông qua cơ chế huy động.

- Biện pháp kỹ thuật

Biện pháp kỹ thuật là những biện pháp mang tính kỹ thuật trong nghiệp vụ huy động vốn nhằm tạo cho công tác huy động cũng như hoàn trả tiền gửi, thanh toán giao dịch cho khách hàng một cách nhanh chóng thuận lợi và chính xác. Biện pháp kỹ thuật trong mở rộng huy động vốn của ngân hàng sẽ bao gồm những giải pháp mang tính chất công nghệ, tăng tiện ích phục vụ khách hàng và những giải pháp nâng cao trình độ nghiệp vụ của nhân viên, trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào công tác huy động vốn.

- Biện pháp tâm lý

Tâm lý khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng ngoài việc được hưởng lãi suất ngân hàng trả cao, phục vụ thanh toán kịp thời, còn là sự yên tâm và cảnh giác an toàn cao. Vì vậy, đáp ứng được yêu cầu đó về mặt tâm lý của khách hàng, tức là tạo sự uy tín và lòng tin đối với khách hàng là yếu tố thành công cho hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Ngày nay, các NHTM luôn không ngừng hoàn thiện và nâng cao uy tín trên thị trường để thu hút khách hàng. Việc ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi đã phần nào đêm lại sự yên tâm cho khách hàng gửi tiền vào ngân hàng.

Ngoài yếu tố khách hàng thì chính sách khuyến khích nhân viên ngân hàng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao tiền lương và thu nhập cho cán bộ thì cần thiết phải chăm lo đời sống tinh thần cho nhân viên, đó là: Niềm vui và sự thoải mái trong công việc, được kính trọng, được giao tiếp rộng rãi, khen thưởng kịp thời, tạo điều kiện thăng tiến đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của ngân hàng.

Ngoài ra, việc quảng bá uy tín, tên tuổi của ngân hàng trên các phương tiện quảng cáo, truyền thông cũng sẽ tạo ra hình ảnh đẹp của ngân hàng. Từ đó củng cố niềm tin và tâm lý yên tâm của khách hàng khi họ gửi tiền vào ngân hàng.

Các biện pháp kinh tế, kỹ thuật nêu trên cũng có tác dụng tác động vào tâm lý khách hàng và nhân viên ngân hàng, từ đó tạo ra xu hướng tốt hơn trong công tác huy động vốn của ngân hàng.

Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và tâm lý có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh ngân hàng và tất yếu có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả công tác huy động vốn của các NHTM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Ngân hàng thương mại - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp.

2. Giáo trình Ngân hàng thương mại - Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

3. Tạp chí Tài chính.

THE NEED FOR MOBILIZED CAPITAL AND SOLUTIONS TO

IMPROVE THE EFFICIENCY OF MOBILIZING CAPITAL FOR BANKS

MA. TRUONG NGOC CHAN - MA. PHAM DUC TAI

Faculty of Finance and Banking - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Vietnam is currently in the process of economic development so one of the most prioritized issue is capital. To meet capital needs of the market, commercial banks (CB) must mobilize capital from outside. The paper will explore the state of capital mobilization of banks, thereby offering solutions to improve the efficiency of the best mobilization of capital for banks.

Keywords: capital mobilization, growth, profitability, idle capital, banking