Tác động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk

TS. NGUYỄN VĂN ĐẠT (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên), NGUYỄN THẾ ANH (Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện Krông Buk, Đắk Lắk), TS. LÊ THẾ PHIỆT (Phòng Kế hoạch tài chính, Trường Đại học Tây Nguyên)

TÓM TẮT:

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến 2030 Đảng ta nhấn mạnh: “Phát huy hiệu quả của các khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao”. Chủ trương này đã, đang và sẽ chi phối, tác động đến quá trình phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CNN) của các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Bài viết phân tích tác động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến sự phát triển KT - XH tỉnh Đắk Lắk.

Từ khóa: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Lắk.

  1. Đặt vấn đề

Gần ba thập kỷ qua, mô hình phát triển các KCN, CNN nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo ra tiền đề vững chắc cho quá trình phát triển trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa là một chủ trương nhất quán của Đảng. Tuy nhiên, đối lập với những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH của tỉnh trong thời gian qua thì sự phát triển các KCN, CNN còn chứa đựng trong nó những tác động ngoài mong muốn. Dưới tác động của các KCN, CNN thì còn bộc lộ những bất cập, và thiếu tính bền vững. Sự phát triển nóng hệ thống hạ tầng KT - XH trong và ngoài KCN, CNN có nguy cơ đe dọa vấn nạn ô nhiễm môi trường. Trước những tư duy đổi mới, năng lực quản lý nhà nước chưa thực sự trở thành nhân tố đột phá trong phát triển các KCN, CNN nhất là trong vấn đề quy hoạch, chưa phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của các địa phương trong toàn tỉnh. Thực tế cho thấy còn xuất hiện nhiều KCN, CNN triển khai chậm, thu hút đầu tư thấp. Có những KCN, CNN cơ sở hạ tầng tốt, đồng bộ, song tỉ lệ lấp đầy các doanh nghiệp thấp, gây lãng phí đầu tư.

Song với mong muốn của nghiên cứu này là có một cái nhìn sâu, rộng và toàn diện về sự tác động của các KCN, CNN đối với sự phát triển KT - XH tỉnh Đắk Lắk là hết sức cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn góp phần vào sự phát triển chung và bền vững của vùng Tây Nguyên.

  1. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

 Khái niệm Khu công nghiệp trên thế giới: Theo Tiếng Anh, KCN được dịch là Industrial Estates, Industrial Zone (IZ), Export Processing Zone (EPZ) hay Industrial Park (IP). Đây là những thuật ngữ khá phổ biến, mặc dù xét về ngữ nghĩa có một số khác biệt song chúng đều diễn đạt nội dung là một khu riêng biệt về mặt địa lý, được bao bọc bởi một hàng rào ngăn cách, có chế độ ưu đãi đặc biệt, hàng hóa sản xuất ra để xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa. Hay “KCN là một khu vực được phân cách về ranh giới địa lý trong một quốc gia nhằm mục tiêu thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu, bằng cách cung cấp cho các ngành công nghiệp này những điều kiện đặc biệt thuận lợi về đầu tư và mậu dịch so với phần lãnh thổ còn lại của đất nước”. 

Khái niệm Khu công nghiệp ở Việt Nam: Thực hiện đường lối, chính sách và chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành các quy chế, quy định về KCN. Theo đó, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/3/2008 nêu rõ: “Khu công nghiệp là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định. Một số đặc điểm của KCN như: i) Khu công nghiệp là khu vực được quy hoạch trên một khu đất nhất định có phạm vi ảnh hưởng KT - XH đối với địa phương và các vùng phụ cận; ii)  Khu công nghiệp là khu vực được quy hoạch riêng nhằm mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước thực hiện sản xuất và chế biến sản phẩm công nghiệp cũng như hoạt động hỗ trợ, dịch vụ cho sản xuất công nghiệp; iii) Sản phẩm của các DN trong KCN có thể tiêu thụ ở nội địa hoặc xuất khẩu.

Khái niệm Cụm công nghiệp (CCN)

“Geographical clusters” hay “Industrial districts” xuất hiện vào cuối thế kỷ 19. CCN tập trung các nhà cung cấp đầu vào, các khách hàng tiêu thụ sản phẩm, cũng như các nhà sản xuất các sản phẩm khác có liên quan (Michael Porter, 1990). CCN là sự tập trung về mặt địa lý của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc có liên quan với nhau trong một khu vực nhỏ (Sonobe và Otsuka, 2006).

Ở Việt Nam, khái niệm cụm công nghiệp được thể hiện đầu tiên tại Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg, ngày 14/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2009, cụm công nghiệp được định nghĩa một cách đầy đủ thể hiện tại Quyết định 105/QĐ-TTg, ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp. Theo đó, trong nghiên cứu này tác giả sử dụng khái niệm “Cụm công nghiệp là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh” (Nghị định số 68/2017/NĐ-CP).

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thống kê (mô tả, so sánh) để từ đó thấy được sự biến thiên của các đại lượng, ý nghĩa, mối quan hệ, tác động tích cực và tiêu cực của các KCN, CNN đối với sự phát triển KT - XH của tỉnh Đắk Lắk.

Phương pháp chuyên gia: Đây là phương pháp sử dụng trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia đã từng nghiên cứu hoặc là những nhà quản lý, hoạch định chính sách ttrong lĩnh vực này (tham khảo ý kiến nhà quản lý thuộc BQL các KCN, CNN của tỉnh và tại các huyện trên địa bàn của tỉnh Đắk Lắk).

  1. Thực trạng của các khu, cụm công nghiệp ở Đắk Lắk

3.1. Vị trí xây dựng các KCC, CNN trên địa bàn tỉnh

Theo quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đắk Lắk có 2 khu công nghiệp, với quy mô 657,33 ha, trong đó KCC Hòa Phú 331,73 ha và KCN Phú Xuân 325,6 ha.

Khu công nghiệp Hòa Phú nằm cách trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột 15 km theo quốc lộ 14 về phía Nam, có tổng diện tích 331,73 ha (181,73 ha theo Quyết định số 718/QĐ - UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk. Mở rộng thêm 150 ha theo Công văn số 1110/TTg ngày 28/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Tính đến hết tháng 3/2018, KCN Hòa Phú đã thu hút được 48 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.300 tỷ. Hiện, có 24 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho khoảng 900 lao động.

Khu công nghiệp Phú Xuân được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020 tại Công văn số 1110/TTg- CV ngày 28/7/2017.

3.2. Thực trạng các doanh nghiệp trong các KCN, CNN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Bảng 1).

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay có 14 CNN với tổng diện tích 693,66 ha đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó 8 CNN đang hoạt động có 3 CNN có dự án dầu tư cơ sở hạ tầng vào 8 CNN được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho 8 CNN đang hoạt động ước tính hơn 1.266 tỷ đồng. Đến nay đã có 142 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 CNN đang vừa được đầu tư cơ sở hạ tầng vừa hoạt động, với tổng diện tích đất là 235,25 ha, cho doanh nghiệp thuê là 191,8 ha, tỷ lệ lấp đầy là 61,9 % với tổng số vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 4.336 tỷ đồng.

Các KCN, CCN của tỉnh đã tạo ra không gian kinh tế góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương. Việc thu hút đầu tư vào các KCN, CCN phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như: Chủ trương, chính sách thu hút mời gọi đầu tư và khả năng đáp ứng của các nguồn lực tại chỗ của Tỉnh. Thực tế cho thấy thu hút vốn đầu tư vào các KCN, CNN của tỉnh chiếm gần 35% thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, có thể khẳng định KCN, CCN chính là không gian kinh tế giữ vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào Đắk Lắk.

Đồng thời KCC, CNN đã đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất khẩu và một phần không nhỏ vào ngân sách của địa phương thông qua việc nộp thuế vào ngân sách Nhà nước ngày càng tăng qua các năm. (Bảng 3).

Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ngành Công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh Đắk Lắk.

3.3. Đóng góp của khu, cụm công nghiệp và vai trò đối với phát triển KT- XH (Bảng 4)

Như vậy xét một cách toàn diện thì các KCN, CNN giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển KT - XH của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung bởi vì:

Thứ nhất, KCN là một kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tập trung các doanh nghiệp công nghiệp vào một khu vực xác định.

Thứ hai, KCN, CNN góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện đô thị hóa, hình thành các trung tâm công nghiệp.

Thứ ba, KCN, CCN góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động, và người dân địa phương.

Thứ tư, KCN, CNN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong tỉnh theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả.

Thứ năm, KCN, CNN góp phần chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, xây dựng và phát triển văn hóa, tác phong công nghiệp cho một bộ phận nguồn nhân lực ở vùng sâu vùng xa như Tây Nguyên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

  1. Các nhóm giải pháp nhằm nâng cao sự tác động tích cực, hạn chế tiêu cực của các khu, cụm công nghiệp đến phát triển kinh tế - xã hội

Chính sách đổi mới tư duy và quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần phải đổi mới tư duy phát triển các KCN, CCN từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển từ việc chạy theo số lượng sang chất lượng, mang lại hiệu quả cao và bền vững. Hay nói cách khác, việc phát triển các KCN, CNN không dừng lại ở chỗ thành lập được bao nhiêu khu, lấp đầy bao nhiêu diện tích, giải quyết bao nhiêu việc làm, mà cao hơn là chất lượng tăng trưởng, hiệu quả lan tỏa về mặt kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển trong việc giải quyết hài hòa giữa các trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường đó chính là mục đích cao nhất của phát triển bền vững. 

Để quy hoạch KCN, CNN cần phải có tầm nhìn dài hạn, phát huy được những lợi thế của các địa phương, phải gắn và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiến hành rà soát và hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể đối với các KCN, CNN (Hòa Phú, Krông Buk, EaKar…) cho phù hợp, tránh tình trạng quy hoạch theo địa giới hành chính cục bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Không nên chạy theo số lượng dự án thu hút vào các KCN, CNN mà đánh đổi những lợi ích lâu dài về môi trường, sức khỏe và mức sống của người dân.

Chính sách thu hút, lựa chọn các dự án đầu tư vào các KCN của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao tính hấp dẫn của các KCN, CNN trên cơ sở làm mới, cải tạo hệ thống hạ tầng cơ sở, thực hiện chương trình ưu đãi doanh nghiệp đầu tư về thuế và các ưu đãi khác. Lựa chọn các dự án đầu tư vào KCN, CNN gắn với nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp trong nông nghiệp để thực hiện chế biến sâu sản phẩm Nông - Lâm nghiệp cho xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thiện, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh, thực hiện triệt để phương châm “một cửa, tại chỗ” đối với các nhà đầu tư tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. 

Chính sách liên kết và bảo đảm nguồn nhân lực cho các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Việc liên kết trong quy hoạch mạng lưới KCN, CNN trong tỉnh và toàn vùng Tây Nguyên cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Liên kết xây dựng, kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở. Liên kết trong phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường hợp tác trong xúc tiến đầu tư, thương mại, giải quyết tốt các lợi ích giữa các địa phương trong phát triển KCN, CNN.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn lực lao động trong các KCN, CNN trên địa bàn tỉnh. Thông qua quy hoạch, tiến hành đánh giá thực trạng số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động theo ngành nghề, trình độ, giới tính. Dự báo nhu cầu về lao động trong các KCN, CNN một cách chính xác. Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng, tay nghề cao. Phát triển nguồn nhân lực một cách đồng bộ và toàn diện, tạo ra những môi trường thuận lợi để hình thành đội ngũ nhân lực tốt, có trí tuệ, có đạo đức lương tâm nghề nghiệp, chuyên môn tay nghề cao.

Chính sách đề xuất giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường trong phát triển KCN.

Phát triển hệ thống nhà ở xã hội, nhà lưu trú ngoài hàng rào KCN, CNN với các hình thức ưu đãi thiết thực, hấp dẫn cho công nhân. Quan tâm đến đời sống văn hóa nhằm giải quyết nhu cầu tinh thần cho người lao động trong các KCN, CNN như: Trạm y tế, khu vui chơi giải trí, khu thể thao, trung tâm dịch vụ, ăn uống… Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Giảm thiểu các tệ nạn xã hội, các vụ gây rối an ninh trật tự trong các KCN, CCN xây dựng môi trường văn hóa trong các khu trọ.

Gắn quy hoạch phát triển KCN, CNN với yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng nhất là lao động trực tiếp trong các KCN, CNN. Huy động và thực hiện có hiệu quả các Quỹ tài chính phục vụ cho bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm túc công tác thanh kiểm tra về bảo vệ môi trường. Xác định rõ vị trí, vai trò của các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính đối với hoạt động của KCN nói chung và bảo vệ môi trường KCN, CNN nói riêng.

  1. Kết luận

Mô hình phát triển các KCN, CNN từ khi hình thành đến nay đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, tạo ra tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa và là một chủ trương nhất quán của Đảng. Trong những năm qua, sự phát triển các KCN đã làm thay đổi diện mạo và sức sống góp phần thực hiện sự nghiệp CNH - HĐH hướng đến việc xây dựng Đắk Lắk trở thành đô thị, văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển của vùng Tây Nguyên.

Từ kết quả phân tích thực trạng tác động của việc phát triển các KCN, CCN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhóm tác giả đã chỉ ra những vấn đề bức thiết cần tập trung giải quyết. Trên cơ sở lý luận, thực tiễn, đánh giá những thời cơ và thách thức, nghiên cứu đã đề xuất 4 nhóm giải pháp gắn phát triển các KCN, CNN với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Các nhóm giải pháp có thể khái quát ngắn gọn là: Đổi mới tư duy và nâng cao chất lượng quy hoạch; Xúc tiến, lựa chọn dự án đầu tư; Đẩy mạnh liên kết và bảo đảm nguồn nhân lực; Giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Chúng tôi hy vọng với nghiên cứu này góp phần giúp cho các nhà làm công tác quản lý, chính sách của địa phương trong lĩnh vực này có cái nhìn sâu rộng và toàn diện hơn, nhằm phát huy những lợi thế ở đây tương xứng với tiềm năng vốn có của nó góp phần phát triển những bước tiếp theo mạnh mẽ, vững chắc hơn cho Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015. Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Hà Nội.
  2. Ban Quản lý các khu công nghiệp, 2017. Báo cáo kết quả công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
  3. Ban Quản lý các khu công nghiệp, 2018. Báo cáo kết quả công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
  4. Ban Quản lý các khu công nghiệp, 2019. Báo cáo kết quả công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
  5. Chính phủ, 2008. Nghị định số 29 /2008/NĐ - CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Hà Nội.
  6. Chính phủ, 2017. Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Hà Nội.
  7. Chính phủ, 2012. Chỉ thị số 07/2012/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Hà Nội.
  8. Chính phủ, 2013. Nghị định số 164/2013/NĐ - CP, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ - CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Hà Nội.
  9. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  10. Lê Thế Giới, 2008. Các KCN Việt Nam qua hệ thống đánh giá phát triển bền vững. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. (Số 4), tr.17 - 24.
  11. Nguyễn Bình Giang, 2012. Tác động xã hội vùng của các khu công nghiệp Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  12. Jan Harmsen và Joseph B.Powell, 2010. Sustainable development in the process industries. A John Wiley & Sons, inc., Publication.
  13. Jin-Li Hu, Tsung-Fu Han, Fang-Yu Yeh and Chi-Liang Lu, 2010. Efficiency of Science and Technology Industrial Parks in China, Journal of Management Research, Vol. 10, No. 3, December 2010, Pg. 151-166.
  14. Simon Bell và Stephen Morse, 2008. Sustainability Indicators: Measuring the Immeasurable. London, Sterling, VA, Second edition.

IMPACT OF INDUSTRIAL PARKS AND INDUSTRIAL CLUSTERS ON THE SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF DAK LAK PROVINCE

NGUYEN VAN DAT

Faculty of Economics, Tay Nguyen University

NGUYEN THE ANH

Chief Office of the People's Council, the People's Committee of Krong Buk District, Dak Lak Province

Ph.D LE THE PHIET

Department of Planning and Finace, Tay Nguyen University

ABSTRACT:

In the strategy of socio-economic development in the period of 2011-2020 with a vision to 2030, the Communist Party of Vietnam emphasized the necessity of promoting the efficiency of industrial zones and clusters, and promoting the industrial development with the establishment of product groups and cluster in order to form large-scale and highly efficient industrial complexes. This guideline has influenced and affected the process of developing industrial zones and industrial clusters of localities throughout the country, including Dak Lak province. This article analyzes the impact of industrial parks and industrial clusters on the socio-economic development of Dak Lak province.

Keywords: Industrial zone, industrial cluster, socio-economic, Dak Lak province