TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu sự khác biệt trong việc tác động của 2 kênh áp dụng công nghệ quốc tế là FDI và xuất khẩu đến năng suất lao động doanh nghiệp thâm dụng lao động ở Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng của doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ bộ dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015 và 2016. Nghiên cứu tìm thấy bằng chứng rằng đối với ngành thâm dụng lao động, FDI có tác động tích cực đến năng suất lao động của doanh nghiệp, nhưng xuất khẩu không làm thay đổi năng suất lao động của doanh nghiệp. Quy mô doanh nghiệp không có sự tác động đến năng suất lao động nói chung, nhưng đối với các doanh nghiệp FDI ngành thâm dụng lao động quy mô doanh nghiệp phải thật sự lớn mới có sự tác động đến năng suất lao động của doanh nghiệp.

Từ khóa: FDI, xuất khẩu, năng suất lao động.

1. Giới thiệu

Trong những năm 1990 của thế kỷ 20, nền kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc chủ yếu đến từ việc tăng năng suất lao động trong nông nghiệp. Trong 10 năm tiếp theo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa vào sự trỗi dậy của hệ thống các doanh nghiệp tư nhân. Việc làm được tạo ra cho hàng triệu người lao động nhờ vào sự chuyển dịch kinh tế sang các ngành dịch vụ, sản xuất và chế biến hướng đến xuất khẩu nhờ tự do hóa thương mại. Dựa vào lợi thế cạnh tranh trong việc sản xuất, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động, Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI lớn và ổn định. Mặc dù có những tiến bộ rõ ràng và ổn định hơn một số quốc gia khác, tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc di chuyển việc làm từ khu vực nông nghiệp sang các ngành khác có dấu hiệu chậm lại. Tăng trưởng năng suất từng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm đầu đổi mới đã giảm dần trong thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng năng suất lao động đi xuống; đồng thời xuất hiện sự thu hẹp về quy mô lao động diễn ra ở hầu hết các ngành, tập trung chủ yếu ở các ngành từ trước đến nay được xem là ngành thâm dụng lao động, như: nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp khai mỏ, xây dựng, vận tải, công nghiệp chế biến. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra những cơ hội mới về nguồn vốn đầu tư FDI vốn được đầu tư vào Trung Quốc trước đây. Nhưng điều này cũng là những thách thức mới mà Việt Nam phải đối mặt. Liệu rằng Việt Nam có đủ sức thu hút nguồn vốn được rút từ Trung Quốc đổ về Việt Nam để có thể tận dụng được lợi ích. Suy thoái kinh tế kéo dài do đại dịch Covid 19 gây ra có thể làm phai nhạt những thành tích trong thu hút FDI mà Việt Nam đạt được nhưng cũng tạo ra cơ hội xác lập một chiến lược thu hút FDI mới. Gia tăng xuất khẩu đối với những ngành thâm dụng lao động vốn dĩ là một trong những chính sách trọng điểm để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu Việt Nam bị mất đi lợi thế và có thể là thách thức mới mà Việt Nam cần giải quyết khi nền kinh tế các nước khác đang đình trệ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp thâm dụng lao động cần xác định được chiến lược gia nhập toàn cầu hóa trong giai đoạn có nhiều sự thay đổi của nền kinh tế thế giới để có thể đón đầu cơ hội một cách tốt nhất.

Bài viết nghiên cứu việc tác động của 2 kênh gia nhập chế độ toàn cầu là FDI và xuất khẩu đến năng suất lao động của doanh nghiệp thâm dụng lao động Việt Nam. Đây cũng chính là 2 kênh áp dụng và lan tỏa công nghệ từ nước ngoài. Việc ảnh hưởng của FDI và xuất khẩu có thể khác nhau lên các doanh nghiệp có mức độ thâm dụng vốn khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu và so sánh chúng một cách riêng biệt. Các công trình hiện tại thường đơn thuần xem xét sự tác động hoặc của FDI, hoặc của xuất khẩu lên tổng thể các doanh nghiệp nói chung mà không xem xét và so sánh sự tác động riêng biệt của 2 kênh áp dụng công nghệ dựa vào chế độ toàn cầu hóa đối với các doanh nghiệp. Trong phần tiếp theo, bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan về tài liệu liên quan, dữ liệu và phương pháp thực nghiệm được mô tả chi tiết trong phần phương pháp nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu và thảo luận về kết quả được trình bày ở phần 3. Cuối cùng, phần 4 chứa các nhận xét và phần mở rộng kết luận.

2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Dữ liệu

Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu được rút trích từ bộ Điều tra doanh nghiệp năm 2015 và 2016 và chỉ lựa chọn 1 tiểu ngành duy nhất đại diện để phân tích ngành thâm dụng lao động, đó chính là ngành may trang phục.

2.2. Phương pháp

Từ mô hình tổng quát được xây dựng theo hàm Cobb - Douglas, bên cạnh FDI, xuất khẩu, mức độ thâm dụng vốn của ngành, quy mô, năng suất lao động còn bị tác động bởi những yếu tố mang tính đặc trưng của doanh nghiệp. Dựa vào các nghiên cứu (Hsu và Chen, 2000; Roger và Tseng, 2000; Wagner, 2002; Vahter, 2004; Greenaway và cộng sự, 2004; Doraszelski và Jaumandreu, 2013;

Arshad và Malik, 2015; Ngô Hoàng Thảo Trang, 2017; Phạm Thế Anh, 2018) và số liệu của dữ liệu nghiên cứu đưa vào các nhóm biến kiểm soát bao gồm: Nhóm biến vốn con người; nhóm biến đặc điểm ngành và nhóm biến về vị trí và đặc điểm doanh nghiệp. Cụ thể:

Lnyit = β0 + β1FDIit + β2Xit + β3Sizeit + β4FDIitsizeit + β5Xitsizeit + β6Capit + β7FDIcapit + β8Xitcapit + β9QUAit + β10Mien + β11KCN+ εit      (1)

3. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định Hausman cho nhóm tiểu ngành may mặc cho kết quả 34.08 và p_value = 0.0001 < 0.05. Do đó, sử dụng mô hình FEM để phân tích là phù hợp.

Bảng 1. Kết quả mô hình ước lượng FEM và REM

Kết quả mô hình ước lượng FEM và REM

Ghi chú:  ***, ** và * cho biết các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%.

Kết quả mô hình gợi ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xuất khẩu khiến năng suất lao động của các doanh nghiệp thay đổi một mức là X*(β2 + β5*Quymoit + β8*Vonhoait), khi các yếu tố khác không đổi. Tuy nhiên, cả 3 hệ số β2, β5 và β8 đều không có ý nghĩa thống kê ở các mức 1%, 5% và 10%. Kết quả này cho thấy không có sự khác biệt về năng suất lao động của các doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài với các doanh nghiệp chỉ cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, dù cho quy mô doanh nghiệp hay mức độ vốn hóa doanh nghiệp khác nhau.

Thứ hai, FDI khiến năng suất lao động của các doanh nghiệp thay đổi một mức là FDI*(β1 + β4*Quymoit + β7*Vonhoait) = -14,424 + 2,849*Quymoit -2,871*Vonhoait, khi các yếu tố khác không đổi. Nếu ta xét các doanh nghiệp có quy mô ở tại 3 mức tứ phân vị khác nhau tương ứng 25%, 50% và 75% của quy mô và mức độ vốn hóa tương ứng, ta có kết quả tác động của FDI như sau:

Bảng 2. Quy mô và mức độ vốn hóa tại 3 mức tứ phân vị của các doanh nghiệp ngành may trang phục

Quy mô và mức độ vốn hóa tại 3 mức tứ phân vị của các doanh nghiệp ngành may trang phục

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ bộ Điều tra doanh nghiệp năm 2015-2016

Điều này có ý nghĩa các doanh nghiệp nhận vốn đầu tư FDI có NSLĐ trung bình cao hơn các DN không được nhận vốn FDI chỉ trong trường hợp quy mô của nó phải thật lớn. Điều này cũng gợi ý rằng, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào DN của ngành này chỉ phát huy được hiệu quả khi quy mô doanh nghiệp là lớn.

Thứ ba, sự tác động của quy mô doanh nghiệp đến năng suất lao động của các DN được xác định bằng Quymo*(β3 + β4*FDI + β5*X) = Quymo*(0,028 + 2,849FDI - 0,147X). Như vậy, sự tác động của quy mô doanh nghiệp đến năng suất lao động của DN tùy thuộc vào tình trạng doanh nghiệp đó có phải là doanh nghiệp FDI hay không và có tiến hành xuất khẩu hay không.

Bảng 3. Tác động quy mô doanh nghiệp đến năng suất lao động

Tác động quy mô doanh nghiệp đến năng suất lao động

Ghi chú: --- hàm ý không có số liệu cho nhóm doanh nghiệp FDI và không xuất khẩu (vì chiếm số lượng rất ít trong mẫu và đã được loại ra khỏi mô hình).

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ bộ Điều tra doanh nghiệp năm 2015-2016

Từ kết quả Bảng 3, ta có thể thấy đối với các DN vừa là doanh nghiệp FDI, vừa tiến hành xuất khẩu khi quy mô tăng 1% năng suất doanh nghiệp sẽ tăng 2,737%. Đối với các DN không phải là doanh nghiệp FDI và chỉ phục vụ thị trường nội địa, khi quy mô tăng 1% sẽ làm năng suất lao động tăng 0,028%. Tuy nhiên, đối với các DN không được nhận vốn FDI nhưng vẫn tiến hành xuất khẩu, quy mô doanh nghiệp càng lớn sẽ làm năng suất lao động giảm đi.

Thứ tư, sự tác động của mức độ vốn hóa đến NSLĐ sẽ được xác định bằng Vonhoa* (β5 + β6*FDI + β7*X) = Vonhoa*(0,538 - 2,871FDI + 0,096X). Sự tác động của mức vốn hóa đến năng suất lao động của DN tùy thuộc vào tình trạng doanh nghiệp đó có phải là doanh nghiệp FDI hay không và có tiến hành xuất khẩu hay không.

Bảng 4. Các trường hợp có thể xảy ra của tác động của mức độ vốn hóa của doanh nghiệp đến năng suất lao động

Các trường hợp có thể xảy ra của tác động của mức độ vốn hóa của doanh nghiệp đến năng suất lao động

Ghi chú: --- hàm ý không có số liệu cho nhóm doanh nghiệp FDI và không xuất khẩu (vì chiếm số lượng rất ít trong mẫu và đã được loại ra khỏi mô hình).

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ bộ Điều tra doanh nghiệp năm 2015-2016

Bảng 4 cho thấy một số kết quả liên quan đến sự tác động của mức độ vốn hóa của các DN đến năng suất lao động của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp FDI và không xuất khẩu, mức độ vốn hóa có tác động tích cực đến năng suất lao động. Khi các yếu tố khác không đổi khi mức độ vốn hóa tăng lên 1% làm cho năng suất lao động tăng 0,538%. Đối với các DN không phải là doanh nghiệp FDI và có xuất khẩu, mức độ vốn hóa cũng có tác động tích cực đến NSLĐ. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp FDI, vừa tiến hành xuất khẩu, mức độ vốn hóa của doanh nghiệp tác động tiêu cực đến NSLĐ.

4. Kết quả và thảo luận

Từ kết quả của mô hình nghiên cứu thực nghiệm dành cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may trang phục đại diện cho ngành thâm dụng lao động, nghiên cứu rút ra được một số kết quả chính như sau:

Thứ nhất, qua kết quả nghiên cứu ta có thể thấy rằng, FDI và xuất khẩu dù có những tác động nhất định đến năng suất lao động nhưng nó không phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp có đặc điểm là thâm dụng lao động, chính sách nâng cao năng suất bằng cách xuất khẩu là không hiệu quả, thay vào đó các doanh nghiệp thuộc các ngành này có thể xem xét nâng cao năng suất lao động bằng cách thu hút, kêu gọi vốn FDI từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Thứ hai, các doanh nghiệp FDI thuộc ngành thâm dụng lao động cần xem xét việc tăng quy mô doanh nghiệp để gia tăng năng suất lao động hay các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư vào ngành thâm dụng lao động lưu ý chọn lựa các doanh nghiệp có quy mô thật lớn để có được hiệu quả như mong đợi. Mức độ vốn hóa trên mỗi lao động của các doanh nghiệp FDI của ngành nên giảm bớt. Điều này là hợp lý vì đây là những doanh nghiệp thâm dụng lao động.

Thứ ba, các doanh nghiệp xuất khẩu đang ở trình trạng quy mô quá lớn cần thu hẹp quy mô nếu muốn gia tăng năng suất. Có lẽ các doanh nghiệp này đã có sự mở rộng quy mô quá lớn nhằm phục vụ cho thị trường nước ngoài nhưng chưa sử dụng hết. Bên cạnh đó, mức độ vốn hóa trên mỗi lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cần gia tăng hơn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngô Hoàng Thảo Trang (2017). Năng suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam: Vai trò của hoạt động đổi mới. Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Số 54 (3).
  2. Phạm Thế Anh (2018). Phân tích tác động lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  3. Aitken, B.J. and Harrison, A.E., (1999). Do domestic firms benefit from direct foreign investment? Evidence from Venezuela. American economic review, 89(3), 605-618.
  4. Arshad, M.N.M. and Ab Malik, Z., (2015). Quality of human capital and labor productivity: a case of Malaysia. International Journal of Economics, Management and Accounting, 23(1).
  5. Doraszelski, U. and Jaumandreu, J., (2013). R&D and productivity: Estimating endogenous productivity. Review of Economic Studies, 80(4), 1338-1383.
  6. Greenaway, D., Sousa, N. and Wakelin, K., (2004). Do domestic firms learn to export from multinationals? European Journal of Political Economy, 20(4), 1027-1043.
  7. Hsu, M. and Chen, B.L.,(2000). Labor productivity of small and large manufacturing firms: The case of Taiwan. Contemporary economic policy, 18(3), 270-283.
  8. Rogers, M. and Tseng, Y.P., (2000). Analysing firm-level labour productivity using survey data. Melbourne Institute Working Paper No. 10/00.
  9. Sharma, C. and Mishra, R.K., (2012). Export participation and sproductivity performance of firms in the Indian transport manufacturing. Journal of Manufacturing Technology Management, 23(3), 351-369.
  10. Vahter, P., (2004). The effect of foreign direct investment on labour productivity: Evidence from Estonia and Slovenia. U. of Tartu Economics and Business Administration Working Paper, 32.
  11. Wagner, J., (2002). The causal effects of exports on firm size and labor productivity: First evidence from a matching approach. Economics Letters, 77(2), 287-292.

IMPACTS OF FDI AND EXPORTS ON THE LABOUR PRODUCTIVITY

OF LABOR-INTENSIVE BUSINESSES IN VIETNAM

• DAO VU PHUONG LINH

Quy Nhon University

ABSTRACT:

This study examines the differences in the impact of two international technology application channels, namely Foreign direct invesment (FDI) and Exports, on the labor productivity of labor-intensive businesses in Vietnam. This study was conducted by using the table data collecting from large and small and medium-sized enterprises (SMEs) among Vietnamese enterprises in 2015 and 2016. This study’s findings show that there is only FDI having positive impacts on the labor productivity of labor-intensive businesses. The firm size factor does not impact the labor productivity in general and for foreign-invested enterprises that require a large amount of labor, the firm size should be really large in order to create impacts on the labour productivity.

Keywords: FDI, exports, labour productivity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2020]