TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu tập trung phân tích tác động của môi trường thể chế đến dòng vốn FDI tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, nghiên cứu phân tích các biến về dòng vốn FDI và sử dụng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI để đo lường cho các biến về môi trường thể chế bao gồm các biến chi phí đầu tư và điều kiện môi trường đầu tư. Dữ liệu được thu thập trong giai đoạn 2007 - 2015 tại 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Để đảm bảo tính hiệu quả và tính ổn định của mô hình, nghiên cứu sử dụng mô hình dữ liệu bảng động GMM nhằm khắc phục những hiện tượng tự tương quan và nội sinh. Kết quả cho thấy rằng, các biến chi phí đầu tư có tác động trái chiều với FDI, tuy nhiên các biến về môi trường đầu tư có tác động tích cực với dòng vốn FDI.

Từ khóa: FDI, môi trường thể chế, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, mô hình dữ liệu bảng động GMM.

1. Giới thiệu

Các nghiên cứu trước đây tìm hiểu về các yếu tố tác động đến dòng vốn FDI thường chọn các yếu tố vĩ mô để đánh giá như quy mô thị trường, lạm phát, tỷ giá hối đoái, hiệu quả đầu tư, độ mở thương mại. Phạm vi nghiên cứu của các bài viết trước đây có nhiều nước trong một khu vực hoặc một địa phương với thời gian nghiên cứu dài (Nguyễn Thị Liên Hoa và Bùi Thị Bích Phương, 2014). Tuy nhiên, để thu hút được các dòng vốn FDI mới, bên cạnh sự xuất hiện của các cơ hội đầu tư tiềm năng, mỗi quốc gia cần tạo được môi trường kinh doanh ổn định cho các nhà đầu tư để duy trì được dòng vốn FDI lâu dài. Do đó, việc đánh giá các nhân tố năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh nói chung và chất lượng điều hành kinh tế của cấp chính quyền nói riêng ảnh hưởng đến dòng vốn FDI thu hút được tại địa phương được đầu tư cũng là một vấn đề cần được quan tâm hiện nay (North, 1990). Từ đó, bài viết này sẽ đưa các yếu tố thuộc môi trường thể chế để đánh giá tác động lên dòng vốn FDI tăng thêm và đăng kí mới mỗi năm tại địa phương ở Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015. Kết quả sẽ gợi ý các nhà đầu tư có thể đánh giá tổng quan yếu tố môi trường thể chế nào tác động mạnh đến quyết định đầu tư và gợi ý cho các nhà chính sách những yếu tố có thể gây rủi ro cho việc đầu tư tại địa phương mình để có những biện pháp cải thiện, duy trì môi trường kinh doanh tốt và thu hút thêm vốn mới.

2. Tổng quan lí thuyết về tác động của môi trường thể chế đến FDI

Tầm ảnh hưởng của môi trường kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp điều kiện ban đầu và các thể chế cần thiết. Một số yếu tố của môi trường kinh doanh, chẳng hạn như sự linh hoạt về nhân công, bớt các rào cản đối với việc gia nhập và rời bỏ thị trường, sự bảo vệ hợp lý từ Chính phủ dường như đang là những vấn đề lớn với mọi nền kinh tế. Những yếu tố khác như cơ sở hạ tầng hay ký kết hợp đồng đều xoay quanh tình trạng ban đầu và độ lớn của thị trường. Tại các quốc gia đang phát triển đã phát hiện ra bất ổn chính trị là một trong những nhân tố ngăn cản FDI (Agarwal, 1980). Ngoài ra, FDI với chi phí cao sẽ bị ảnh hưởng bởi tính bất ổn cũng như tính hiệu quả của hệ thống pháp luật và chính trị (Demekas, 2007). Các nghiên cứu thực nghiệm ngày càng cho thấy tăng FDI luôn có yếu tố của việc vận hành của một khuôn khổ pháp lý tốt. Cải cách thể chế có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất kinh tế, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng, kết luận này được rút ra bởi Acemoglu và cộng sự (2005). Mặt khác, môi trường thể chế ổn định có thể làm tăng tác động lan tỏa từ FDI vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động kinh doanh theo Prufer and Tondl (2008) khi nghiên cứu cho các nước Mỹ Latinh.

Hầu hết các bài nghiên cứu đều cho rằng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền đóng vai trò quan trọng quyết định đến đầu tư trực tiếp nước ngoài và một quốc gia có điều hành kinh tế ổn định thì luôn tăng dòng vốn đầu tư chảy vào quốc gia. Cụ thể, Tajul Ariffin Masron và Hussin Abdullah (2010) dựa trên môn hình FEM với dữ liệu của 8 nước ASEAN từ 1996-2008 cho rằng, việc cải thiện chất lượng thể chế là một phần quan trọng trong chiến lược chính sách tương lai để thu hút vốn đầu tư vào đất nước. Còn Bulent Dogru (2012) nghiên cứu về Ảnh hưởng của chất lượng thể chế đối với dòng vốn FDI và đưa ra kết luận Các thể chế có tác động đáng kể đến dòng vốn FDI nhưng tác động của chúng yếu hơn tác động của các biến kinh tế vĩ mô. Ở một chiều hướng khác, Aye Mengistu Alemu (2012) nghiên cứu ảnh hưởng của tham nhũng đến dòng vốn FDI tại châu Á (1996 - 2012) đã thấy rằng hiệu quả chính phủ, ổn định chính trị, không bạo lực, quy định pháp luật, không tham nhũng là những yếu tốt quyết định mạnh mẽ đến dòng vốn FDI. Còn về môi trường kinh doanh, các nghiên cứu gần đây cũng đưa ra mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh đến FDI. Cụ thể, môi trường kinh doanh tại Trung Quốc càng tốt thì dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc càng tăng là kết quả từ nghiên cứu về tác động của việc thay đổi môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đến dòng vốn FDI từ Đài Loan của Hsin-Hong Kang, Wen-Hsiang Wang (2011).

Đa phần các tác giả kết luận các yếu tố thể chế đều tác động đến dòng vốn FDI. Tuy nhiên, chưa có bài viết nào nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố thể chế tại Việt Nam tác động như thế nào đến dòng vốn FDI. Vì vậy, bài nghiên cứu sẽ tìm hiểu các yếu tố thuộc chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền để đánh giá tác động lên dòng vốn FDI tăng thêm và đăng kí mới mỗi năm tại địa phương ở Việt Nam.

3. Mô hình và phương pháp nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu

Dựa vào các nghiên cứu trước đây, đa phần các biến có khả năng ảnh hưởng đến dòng vốn FDI bao gồm chi phí và điều kiện môi trường.

FDI = ∑ Chi phí + ∑ Điều kiện môi trường

Trong đó:

∑ Chi phí = GNTT + CPKCT + CPTG

∑ Điều kiện môi trường = TCDD + MINHBACH + NANGDONG + HOTRODN + DAOTAOLD +THIETCHEPL

FDI: Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép trong năm bao gồm cả vốn tăng thêm của các dự án đã được cấp giấy phép từ các năm trước.

GNTT: Chi phí gia nhập thị trường

TCDD: Tiếp cận đất đai và Sự ổn định trong sử dụng đất

MINHBACH: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin

CPTG: Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước

CPKCT: Chi phí không chính thức

NANGDONG: Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh

HOTRODN: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

DAOTAOLD: Đào tạo lao động

THIETCHEPL: Thiết chế pháp lý

3.2. Dữ liệu nghiên cứu

Từ mô hình nghiên cứu, bài viết sử dụng thu thập dữ liệu các biến trong mô hình ở 63 tỉnh, thành phố Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015.

Bài viết sử dụng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI thang đo lường cho các biến độc lập trong mô hình hồi quy. Chỉ số được nghiên cứu hằng năm và thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng sự trợ giúp của Cơ quan hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ US-AID.

3.3. Phương pháp nghiên cứu

Do bài viết sử dụng dữ liệu bảng nên có thể dẫn đến sự tương quan với sai số βit. Biến THIETCHEPL được giả định là biến nội sinh vì quan hệ nhân quả giữa FDI và môi trường thể chế nên dẫn đến biến này có thể có tương quan với sai số. Một khi có sự tương quan trong mô hình thì phương pháp bình phương bé nhất không hiệu quả. Chính hiện tượng nội sinh làm cho ước lượng của phương trình hồi quy không vững. Do đó, Arellano và Bond (1991) đề xuất nghiên cứu sử dụng mô hình dữ liệu bảng động GMM nhằm khắc phục những hiện tượng trên. Việc lựa chọn các biến công cụ là rất quan trọng. Biến công cụ phải thỏa mãn hai điều kiện: phải tương quan với biến giải thích và không tương quan với sai số. Vì vậy, lựa chọn độ trễ của biến phụ thuộc đóng vai trò như biến độc lập trong phương trình hồi quy gây ra sự tự tương quan.

Từ mô hình nghiên cứu có thể xây dựng mô hình hồi quy như sau:

FDIit = β0+ β1. GNTTit + β2. TCDDit + β3. MINHBACHit + β4. CPTGit + β5. CPKCTit + β6. NANGDONGit + β7. HOTRODNit + β8. DAOTAOLDit + β9. THIETCHEPLit+ ɛit

Kiểm định Arellano-Bond dùng để kiểm định sai số của phương trình sai phân không tự tương quan. Để thỏa mãn mô hình GMM, phương trình hồi quy có tự tương quan bậc 1 và không có tự tương quan bậc 2. Với giả thiết H0 - không có tự tương quan bậc 1, để thỏa mãn kiểm định cho kết quả p-value nhỏ hơn 5% và với giả thiết H0 - không có tự tương quan bậc 2, kiểm định cho kết quả p-value lớn hơn 5%. Khi kiểm định sự tự tương quan, p-value càng gần 1, tương quan càng mạnh, biến công cụ càng chính xác.

4. Kết quả nghiên cứu

Bài nghiên cứu lựa chọn biến công cụ là biến trễ FDI với độ trễ từ 1 năm đến 4 năm và thực hiện hồi quy. Kết quả tương ứng với mô hình 1 đến mô hình 4 được trình bày trong Bảng 2. (Xem bảng 2)

Tại mức ý nghĩa 5%, các trường hợp đều chấp nhận giả thiết H0 - biến công cụ là biến nội sinh, mô hình phù hợp khi thực hiện kiểm định tính hợp lí của biến công cụ. Đồng thời kiểm định sai số của phương trình sai phân không tự tương quan thỏa mãn các giả thiết đã đặt ra. Vì vậy, biến công cụ lựa chọn phù hợp. Trong đó, mô hình 1 có p-value khi kiểm định sự tự tương quan bậc 2 lớn nhất, thể hiện mô hình phù hợp nhất. Vì vậy, tác giả lựa chọn mô hình 1 để phân tích.

Với mức ý nghĩa 1%, kết quả cho thấy được các yếu tố tiếp cận đất đai (TCDD), minh bạch (MINHBACH), năng động (NANGDONG), thiết chế pháp lí (THIETCHEPL) tác động tích cực đến dòng đầu tư FDI. Các yếu tố này đều thuộc nhân tố điều kiện môi trường. Khi chính quyền địa phương phát huy vai trò và tạo môi trường cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thông tin, văn bản pháp lí và hệ thống pháp lí chặt chẽ sẽ giúp dòng vốn FDI tăng lên.

Ngược lại, kết quả thể hiện các yếu tố gia nhập thị trường (GNTT), chi phí không chính thức (CPKCT), hỗ trợ doanh nghiệp (HOTRODN) và đào tạo lao động (DAOTAOLD) tác động tiêu cực đến dòng đầu tư FDI với mức ý nghĩa 1%. Mặc dù chỉ số chi phí gia nhập thị trường được đánh giá khá tốt nhưng vẫn chưa tác động hiệu quả đến dòng vốn FDI. Chi phí không chính thức còn tồn tại khá nhiều dẫn đến tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI. Hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động còn ở mức trung bình, vì vậy khiến dòng FDI suy giảm.

5. Khuyến nghị giải pháp

Từ kết quả trên, bài viết gợi ý một số giải pháp liên quan đến việc cải thiện chất lượng môi trường thể chế để thu hút dòng vốn FDI như sau:

- GNTT: Cần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, tăng cường cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập và tăng cường hỗ trợ đặc biệt là hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp FDI mới.

- CPKCT: Cần minh bạch hóa các thủ tục hành chính cũng như các chi phí chính thức doanh nghiệp phải chi trả để giảm bớt tính bất ổn định trong chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải đối mặt.

- TCDD: Cần có cơ chế để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đất đai và doanh nghiệp cảm thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt bằng kinh doanh.

- MINHBACH: Tăng cường khả năng tiếp cận một cách công bằng các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các chính sách và quy định mới cần được tham khảo ý kiến của doanh nghiệp. Nâng cao vai trò cung cấp thông tin của trang web tỉnh đối với doanh nghiệp.

- CPTG: Cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

- NANGDONG: Tăng cường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương, cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

- THECHEPL: Cần tuyên truyền và thể hiện bằng các hành động thiết thực để doanh nghiệp tư nhân đặt lòng tin vào hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, xem đây là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi doanh nghiệp có thể khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương.

- HOTRODN và DAOTAOLD: Việc cải cách thể chế phải xác định rõ các cơ sở nền tảng, từ đó có những thay đổi cụ thể cho các quy định. Chú trọng đầu tư, đẩy mạnh khâu giáo dục đào tạo, có định hướng rõ ràng về các nguồn tri thức mũi nhọn trong các ngành công nghệ cao, các ngành áp dụng những kỹ năng kinh doanh, quản lý tiên tiến như tài chính - ngân hàng, quản trị khách sạn và du lịch để đẩy mạnh quá trình tuyển dụng đội ngũ lao động Việt Nam tri thức này của khu vực FDI, từ đó thúc đẩy được khâu đào tạo lao động tại chỗ của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như hiệu ứng khuếch tán chất lượng nhân lực của FDI cho nước ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Acemoglu, D. and Johnson, S. (2005). Unbundling Institutions. Journal of Political Economy, 113 (5), 949-995.

2. Agarwal, 1980. Determinants of foreign direct investment: A survey. Review of World Economics (Weltwirtschaftliches Archiv), 1980, vol. 116, issue 4, pages 739-773.

3. Arellano, M. and Bond S. (1991). Some tests of specification for panel data: Monte Carlo evidence and an application to employment equations. Review of Economic Studies, 58, 277-297.

4. Bulent D., 2012. The effect of instýtutýonal varýables on fdi inflows: Evidence from upper-middle income countries. MPRA Paper No. 37531, posted 7.

5. Demekas, D., Horváth, B., Ribakova, E. and Wu, Y., 2007. Foreign Direct Investment in European Transition Economies. The Role of Policies. Journal of Comparative Economies, 35 (2), 369-386.

6. Hsin H.K. and Wen H.W., 2011. The Effects of Changes in Chinas Business Environment on Taiwans Outward Foreign Direct Investment. 2nd International Conference on Education and Management Technology IPEDR vol.13. Singapore: IACSIT Press.

7. Nguyễn Thị Liên Hoa và Bùi Thị Bích Phương, 2014. Nghiên cứu các nhân tố tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại những quốc gia đang phát triển. Tạp chí phát triển và hội nhập, số 14, trang 40-46.

8. North D.,1990. Institutions, institutional change, and economic performance. New York: Cambridge University Press.

9. Prufer, P. and Tondl G. (2008). The FDI - Growth Nexus in Latin America: the Role of Source Countries and Local Conditions. Tilburg University, Center for Economic Research Discussion Paper, n. 61.

10.Tajul A.M and Hussin A., 2010. Institutional Quality as a Determinant for FDI Inflows: Evidence from ASEAN. World Journal of Management Volume 2. Number 3. Pp. 115 - 128.

THE IMPACTS OF THE INSTITUTIONAL ENVIRONMENT ON FDI IN THE PROVINCES AND CITIES OF VIETNAM

MA. TRUONG MINH TUAN

School of Public Finance – University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The paper focuses on analyzing the impact of institutional environment on FDI inflows in provinces and cities in Vietnam. To achieve this goal, the study analyzes the variables of FDI inflows and uses PCI provincial competitiveness indicators to measure institutional environment variables including variable costs of investment and investment environment. Data is collected during 2007 - 2015 in 63 provinces and cities in Vietnam. To ensure the effectiveness and stability of the model, the study used the GMM dynamic data table model to overcome autocorrelation and endogenous phenomena. The results show that the variable cost of investment has the opposite effect on FDI, but the investment environment has a positive impact on FDI inflows.

Keywords: FDI, institutional environment, PCI competitiveness index, GMM dynamic data table model.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây