Tác động của văn hóa ra quyết định và chất lượng thông tin đến việc sử dụng thông tin trong các doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may Việt Nam

TS. VÕ TẤN LIÊM (Trường Đại học Văn Hiến)

TÓM TẮT:

Chất lượng thông tin ít có giá trị cho các doanh nghiệp, nếu nó chưa được sử dụng trong quá trình ra quyết định. Ngoài ra, ảnh hưởng của nhân tố tổ chức, chẳng hạn như văn hóa ra quyết định, chưa được kiểm tra thực nghiệm khi kết hợp với chất lượng thông tin tác động đến việc sử dụng thông tin của nhà quản trị. Kết quả của nghiên cứu định lượng này, dựa trên dữ liệu của 195 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ngành Dệt May tại miền Nam, Việt Nam đã chỉ ra mối quan hệ giữa chất lượng thông tin, văn hóa ra quyết định và sử dụng thông tin là cùng chiều.

Từ khóa: văn hóa, chất lượng thông tin, sử dụng thông tin, ngành dệt may, nhà quản trị.

1. Đặt vấn đề

Việc cung cấp các thông tin có chất lượng là chìa khóa để đạt được một lợi thế cạnh tranh (Salaun và Flores, 2001). Nếu công ty muốn thông tin có chất lượng góp phần vào hiệu quả ra quyết định của họ thì rất nhiều thông tin phải được sử dụng (Raghunathan,1999). Ngoài ra, giá trị của thông tin cần dựa vào độ chính xác, chi phí để có được thông tin và độ tin cậy của thông tin đó (Feldman và March, 1981).

Đối với việc sử dụng các thông tin trong tiến trình ra quyết định, nhiều nghiên cứu chỉ ra nhiều lợi ích của thông tin, chẳng hạn như: làm giảm bất ổn (Frishammar, 2003), nâng cao hiệu quả hoạt động (Wijnberg và cộng sự, 2002), phản ứng với các bất ổn kinh doanh (Badenoch và cộng sự, 1995).

Nhiều lợi ích của việc sử dụng thông tin đã được chỉ ra bởi các nghiên cứu đi trước. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm nhiều. Bằng nghiên cứu này, tác giả thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm để xem xét tác động của hai nhân tố chất lượng thông tin và văn hóa ra quyết định tác động đến việc sử dụng thông tin để ra quyết định của nhà quản trị trong ngành Dệt May Việt Nam.

2. Khái quát về mối quan hệ giữa chất lượng thông tin, văn hóa ra quyết định và sử dụng thông tin

Auster và Choo (1994) xem xét việc các nhà quản trị trong ngành công nghiệp viễn thông sử dụng thông tin như thế nào để ra quyết định hằng ngày và lập các chiến lược dài hạn. Wood & Wright (1996) đã phân tích tác động của việc sử dụng thông tin ra quyết định trong lĩnh vực y tế. Winterman và cộng sự (1998) nghiên cứu tác động của việc sử dụng thông tin về việc ra quyết định trong các cơ quan chính phủ. Reid và cộng sự (1998) đã nghiên cứu tác động của việc sử dụng thông tin của tổ chức khi ra quyết định trong ngành ngân hàng tại Anh. Đối với nhiều công ty, thông tin ngày càng trở thành một nguồn lực quan trọng và trở thành một tài sản trong quá trình kinh doanh của họ (Kirk, 1999).

Theo Stvilia và cộng sự (2007), "các quy trình ra quyết định phụ thuộc vào thông tin thì chất lượng thông tin là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của các quyết định và hành động của họ”. Thông tin có chất lượng sẽ dễ dàng để chuyển đổi thành tri thức và tạo điều kiện cho việc áp dụng các thông tin đó trong các bối cảnh ra quyết định cụ thể (Eppler và Wittig, 2000).

Văn hóa ra quyết định có thể gia tăng việc sử dụng các thông tin được cung cấp bởi hệ thống thông tin trong tổ chức hỗ trợ cho việc ra quyết định giúp tạo thêm giá trị cho công ty (Wang và Yeoh, 2009). Văn hóa ra quyết định, một yếu tố thuộc văn hóa tổ chức, trước đây đã được nghiên cứu rộng rãi. Trong nghiên cứu này, tác giả xem văn hóa ra quyết định như những yếu tố văn hóa của một công ty có ảnh hưởng đến việc ra quyết định và sử dụng thông tin. Khám phá sự kết nối giữa các nền văn hóa và hiệu quả khi ra quyết định kinh doanh, Chun và cộng sự (2008) khám phá mối quan hệ giữa văn hóa sử dụng thông tin và hành vi sử dụng thông tin. Dù các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau về văn hóa ra quyết định, một điểm chung là văn hóa ra quyết định càng tiến bộ sẽ củng cố hơn việc sử dụng các thông tin có chất lượng cho việc ra quyết định (Ginman, 1988).

Mô hình nghiên cứu của bài viết được trình bày trong Hình 1. Mô hình nghiên cứu tập trung vào tác động của: (1) chất lượng thông tin đến việc sử dụng các thông tin cho việc ra quyết định và (2) văn hóa ra quyết định và sử dụng thông tin cho việc ra quyết định. Dựa trên tài liệu nghiên cứu phong phú trong các lĩnh vực đã nêu, tác giả đưa ra giả thuyết sau đây:

H1: Tác động của chất lượng thông tin đến hành vi sử dụng thông tin của nhà quản trị để ra quyết định là cùng chiều.

H2: Tác động của văn hóa ra quyết định đến hành vi sử dụng thông tin của nhà quản trị để ra quyết định là cùng chiều.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

mo-hinhNguồn: Tác giả đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

Các bảng câu hỏi đã được phát triển bằng cách xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết trước đó để đảm bảo giá trị nội dung. Việc phỏng vấn sơ bộ được tiến hành đối với các học giả quan tâm đến lĩnh vực này và sau đó tiến hành các cuộc phỏng vấn chính thức với các nhà quản trị được lựa chọn. Tác giả sử dụng một cấu trúc bảng câu hỏi với thang đo Likert 5 điểm. Thang đo các biến được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1. Thang đo các biến nghiên cứu

thang-o-cac-bien-nghien-cuu

Bảng câu hỏi đã được gửi đến các nhà quản trị cấp cao và cấp trung trong các doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và lớn tại miền Nam, Việt Nam. Tổng số 1.250 bảng câu hỏi đã gửi đến các địa chỉ mail của nhà quản trị. Tổng số bảng câu hỏi thu về là 275 bảng, sau khi loại các bảng câu hỏi không hợp lệ, còn lại 195 bảng được tiếp tục sử dụng đưa vào phân tích dữ liệu.

4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo đều đạt độ tin cậy. Bên cạnh đó, KMO = 0,822, đã thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1, phân tích nhân tố khám phá là thích hợp cho dữ liệu thực tế. Ngoài ra, khi chạy EFA đã nhóm các biến quan sát thành 3 nhóm khác nhau theo đúng nội dung thang đo của từng biến như đề xuất ban đầu.

Trong Bảng 2, các biến độc lập IQ và DC đều đạt yêu cầu và các giá trị Sig. thể hiện độ tin cậy khá cao, đều < 1%. Ngoài ra, hệ số VIF của các hệ số Beta đều nhỏ hơn 10 và hệ số Tolerance đều > 0,5; cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra. Với giá trị Sig. < 0,01, đã chỉ ra rằng tất cả giả thuyết đều được chấp nhận với độ tin cậy 99%.

Bảng 2. Kiểm định hệ số hồi quy

kiem-inh-he-so-hoi-quy5. Kết luận và hàm ý quản trị

5.1. Kết luận

Nhóm biến thuộc DC (văn hóa ra quyết định): có hệ số 0,151 quan hệ cùng chiều với biến phụ thuộc “sử dụng thông tin”. Khi sử dụng thông tin để ra quyết định quản trị các nhà quản trị doanh nghiệp dệt may đánh giá văn hóa ra quyết định tăng 1 điểm thì sử dụng thông tin để ra quyết quyết định tăng 0,151 điểm, chấp nhận giả thuyết H1.

Nhóm biến thuộc IQ (chất lượng thông tin): có hệ số 0,299 quan hệ cùng chiều với biến phụ thuộc “sử dụng thông tin”. Khi sử dụng thông tin để ra quyết định quản trị các nhà quản trị doanh nghiệp dệt may đánh giá chất lượng thông tin tăng 1 điểm thì sử dụng thông tin để ra quyết quyết định tăng 0,299 điểm, chấp nhận giả thuyết H2.

5.2. Hàm ý quản trị

Việc sử dụng các thông tin được cung cấp từ các hệ thống thông tin trong doanh nghiệp, như khái niệm trong mô hình của nghiên cứu, phản ánh vai trò của chất lượng thông tin để ra quyết định trong quá trình kinh doanh. Trong quyết định, thông tin làm giảm bất ổn, cho phép các tổ chức để nhanh chóng phản ứng với các sự kiện kinh doanh, và hỗ trợ các công ty trong việc đưa ra những thay đổi trong chiến lược của công ty, kế hoạch và các chỉ số hiệu suất. Chất lượng thông tin đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của công ty. Thông tin có được bởi các nhà ra quyết định sẽ chịu ít ảnh hưởng đến hiệu suất công ty cuối cùng, nếu nó không phải là thực sự đưa vào sử dụng trong việc đưa ra các quyết định. Ngoài ra, kết quả này còn hàm ý rằng trong doanh nghiệp dệt may Việt Nam, việc cải thiện văn hóa ra quyết định luôn luôn cải thiện việc sử dụng thông tin.

Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với nhà quản trị, như: nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định dựa trên thông tin thực tế, bồi dưỡng văn hóa sử dụng thông tin, thể hiện sự tin tưởng vào các thông tin có sẵn, cũng như có những điều chỉnh thích hợp trong văn hóa ra quyết định dựa trên các thông tin nhận được.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Eppler, M. J. (2006). Managing information quality: Increasing the value of information in knowledgeintensive products and processes (2nd ed.). Springer: Germany.
  2. Salaun, Y., Flores, K. (2001). Information quality: Meeting the needs of the consumer. International Journal of Information Management, 21(1), 21-37.
  1. Wang, S., Yeoh, W. (2009, 6-7 June 2009). How does organizational culture affect IS effectiveness: A culture-information system fit framework. Paper presented at the Electronic Commerce and BusinessIntelligence. ECBI Publications: UK.
  1. Wood, F., Wright, P. (1996). The impact of information on clinical decision making by General Medical Practitioners. Information Research, 2(1), 115- 121.

 

IMPACTS OF THE INFORMATION QUALITY AND THE DECISION-MAKING CULTURE ON THE INFORMATION USAGE AT VIETNAMESE TEXTILE AND GARMENT ENTERPRISES

Ph.D VO TAN LIEM

Van Hien University

ABSTRACT:

If information is not already used for the decision-making process, the quality of information has little value to businesses. In addition, the influence of organizational factors, such as decision-making culture, has not been empirically tested together with the quality of information in the use of information by managers. By analyzing data collected from 195 medium and large textile and garment enterprises in southern Vietnam, this quantitative study points out that the information quality and the decision-making culture have positive correlations with the information usage.

Keywords: culture, information quality, information usage, textile and garment industry, manager.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]