Hãng tin Reuters cho biết một số cảng biển của Trung Quốc đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng khi nhiều tàu đáng lẽ phải cập cảng Ningbo – Zhoushan (Chiết Giang, Trung Quốc) lại buộc phải chuyển hướng sang các cảng khác. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt cũng khiến quá trình bốc dỡ hàng hoà diễn ra chậm hơn so với thường lệ.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy có hơn 50 tàu container đang xếp hàng chờ vào cảng Ningbo – Zhoushan trong ngày 17/8, cao gần gấp đôi so với hôm 10/8 – thời điểm một phần cảng này buộc phải đóng cửa do phát hiện công nhân cảng nhiễm Covid-19. Cảng Ningbo – Zhoushan hiện là cảng container bận rộn nhất thế giới với 623 triệu tấn hàng hoá được luân chuyển qua cảng trong 6 tháng đầu năm nay.

Các hãng vận tải biển lớn nhất thế giới đã lên tiếng cảnh báo việc cảng Ningbo – Zhoushan đóng cửa một phần sẽ khiến việc giao nhận hàng diễn ra chậm hơn so với dự kiến và nhiều tàu sẽ phải chuyển hướng. Ít nhất 14 tàu hàng thuộc hãng CMA CHM, 5 tàu thuộc hãng Maersk và 4 tàu thuộc hãng Hapag-Lloyd buộc phải thay đổi lịch trình, huỷ việc ghé cảng Ningbo – Zhoushan. Hàng chục tàu khác cũng đang phải điều chỉnh lịch trình.

Tắc nghẽn cảng container
Hàng dài xe chở container xếp hàng tại khu cảng Ningbo – Zhoushan (Trung Quốc) trong ngày 15/8 (Ảnh: CNS/Reuters)

Tình trạng tắc nghẽn tại cảng Ningbo – Zhoushan đang gây ra hiệu ứng tắc nghẽn dây chuyền đối với các cảng khác tại Trung Quốc khi nhiều tàu hàng dồn dập cập các cảng khác. Trong ngày 17/8, có đến 34 tàu phải chờ ngoài khu cảng Shanghai đẻ được bốc dỡ, tăng so với mức 27 tàu ghi nhận vào ngày 10/8. Tương tự, cảng Xiamen vốn cách cảng Ningbo – Zhoushan 700 km hiện cũng có đến 18 tàu chờ vào cảng, tăng gấp nhiều lần so với mức 4 tàu trong đầu tuần trước.

Việc Trung Quốc chủ trương siết chặt các biện pháp kiểm dịch khi số ca nhiễm mới Covid-19 còn ở mức thấp được xem là nguyên nhân khiến việc lưu chuyển hàng hoá của các chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên căng thẳng hơn trong thời gian gần đây. Hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội khiến lượng lớn hàng hoá bị ùn ứ tại các cảng biển nước này.

Bộ Giao thông Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các cảng biển của nước này thành lập đội đặc biệt để xử lý việc tàu nước ngoài ra vào cảng. Đồng thời, yêu cầu tất cả các thuỷ thủ của tàu nước ngoài phải có chứng nhận y tế hoặc xét nghiệm âm tính Covid trước khi được phép bốc dỡ hàng.

Các cảng biển Trung Quốc cũng áp dụng các quy định phòng dịch bổ sung, đặc biệt đối với các tàu từng dừng tại những khu vực có rủi ro lây nhiễm Covid-19 cao như Ấn Độ, Lào hay Nga trong vòng 21 ngày gần nhất.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ tại Bắc Mỹ và Châu Âu đang tăng cường mua hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao trở lại và tích trữ hàng hoá chuẩn bị cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm. Tình trạng thiếu tàu vận chuyển, thiếu container rỗng và tắc nghẽn tại các cảng biển khác càng khiến các chuỗi cung ứng đối mặt nhiều khó khăn nghiêm trọng hơn.  

Ông Dawn Tiura, giám đốc điều Sourcing Industry Group (Hoa Kỳ), cho biết “Chính sách phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc là tốt trong việc chống lại đại dịch Covid-19 nhưng lại khiến cấc chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, tình hình đang rất căng thẳng do nhu cầu mua sắm hàng hoá trong mùa nhập học mới tăng lên, nhiều người cũng quay trở lại nơi làm việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị  cho kỳ mua sắm cuối năm”. Sourcing Industry Group là hiệp hội đại diện cho các hãng gia công và thu mua hàng hoá tại Hoa Kỳ.

“Hàng hoá đang bị ùn ở cảng do thiếu nhân công ở cảng và nhân sự của các bộ phận liên quan, trong khi đó, lượng hàng hoá lại vẫn tăng lên”, một hãng vận hành tàu chở hàng khô tại Liên Vân Cảng, một thành phố cảng ở miền Đông Trung Quốc, cho biết.

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển lớn của Trung Quốc khiến thị trường lo ngại giá cước vận chuyển đường biển sẽ tăng cao trong thời gian tới. Điều tương tự đã xảy ra vào hồi tháng 5 vừa qua khi cảng container quốc tế Yantian (Thâm Quyến, Trung Quốc) đã phải đóng cửa trong 1 tháng.

Chỉ số Freightos Baltic Global Container Index (FBX), đo lường giá cước vận tải container bình quân trên 12 tuyến vận tải container lớn toàn cầu, hiện đạt mức cao kỷ lục 9.770 USD/container loại 40 feet trong tuần này.