Tái chế sử dụng tro xỉ: Phải tăng tốc hơn

Sớm giải quyết những khó khăn trong xử lý, tái chế, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón... làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đã trở thành một mục tiêu cấp bách.

Tại phiên giải trình về tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao, xỉ lò… của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức đầu mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong năm 2017, lượng tro xỉ tiêu thụ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,25 triệu tấn. Đối với chất thải từ các nhà máy hóa chất, phân bón, hiện đã có đơn vị thành công trong xử lý chất thải phosphogypsum của một nhà máy hóa chất phân bón thành thạch cao nhân tạo, có khả năng thay thế thạch cao tự nhiên, làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng. Tuy nhiên, các đơn vị này đang hoạt động cầm chừng, hoặc chậm triển khai dự án do đầu ra tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

Theo quy hoạch điện, tỷ trọng của các nhà máy nhiệt điện chạy than còn lớn. Do vậy, xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện than (tro bay qua ống khói và xỉ thải qua đáy lò hơi) ngày càng trở nên bức thiết. Cụ thể, Bộ Công Thương thông tin, lượng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 12,2 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 60% tổng lượng thải), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 19% tổng lượng thải.

Các con số đưa ra cho thấy: 1 tấn tro bay có thể sản xuất ra 600 viên gạch không nung (kích thước tiêu chuẩn). Năm 2030, với khoảng 20 triệu tấn tro bay thải ra, có thể sản xuất được 12 tỷ viên gạch, trong khi dự báo nhu cầu tiêu thụ gạch của Việt Nam năm 2030 là 40 tỷ viên/năm. Việc sản xuất gạch từ tro bay có rất nhiều ưu điểm. Các đơn vị sản xuất gạch không tốn nguyên liệu đất sét và than để nung, tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất. Chưa kể, tro bay có kích cỡ nhỏ, rất mịn nên gạch tạo ra có bề mặt nhẵn, không cong vênh, kích thước chuẩn theo đúng khuôn ép, rất thuận lợi khi xây dựng.

Đó là những dẫn chứng khoa học hết sức thuyết phục. Tuy nhiên, thực tế thì có rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Thói quen sử dụng gạch nung khiến cho việc tiếp nhận gạch không nung trở thành một sự miễn cưỡng, chưa có tiền lệ. Chính vì vậy, muốn thay đổi thói quen này chỉ có cách đánh vào giá cả, đó phải là một cái giá có thể cạnh tranh. Ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 thông tin khẳng định điều này như đinh đóng cột. Còn ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dap Vinachem cho rằng, tại thời điểm này vẫn chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa ban hành hướng dẫn và quy định để dùng xỉ than và thạch cao nhân tạo vào trong vật liệu xây dựng.

Chia sẻ về vấn đề chính sách, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến tháng 12-2018 đã có 17 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện và Bộ đang giao các đơn vị nghiên cứu một số đề tài để hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất giải pháp sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện vào công tác san lấp mặt bằng.

Cùng với đó, để xử lý triệt để tro, xỉ thải thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, hóa chất và phân bón, các đơn vị, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các cơ chế chính sách về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng... Bên cạnh đó là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu ứng dụng, tham gia hợp tác kinh doanh với các nhà máy nhiệt điện trong việc xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao; cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này như lãi suất, thuế thu nhập, thuế VAT...

Rõ ràng, phải tăng tốc hơn nữa trong chính sách tái chế sử dụng tro xỉ!

Hát Quy