Tạm biệt 10, 11, 12

Có ai thấy nhớ những tháng ngày cách ly dài lê thê mà tất cả mọi người trong gia đình không ai chạy từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, từ cuộc nhậu này sang cuộc vui khác, từ lớp học này sang lớp học khác, mà cứ 10, 11, 12 cùng nhau đều đặn như vắt chanh kia không? Nhớ chứ. Vì đó là những tháng ngày lịch sử không - thể - nào – quên!

Người đàn bà choàng tỉnh hối hả nhìn đồng hồ: Giời ạ, đã 8h sáng bảnh mắt rồi! Chị vội vàng đeo khẩu trang kín mít, mặc quần áo, may quá chả cần oánh son nên nhanh được dăm phút, rồi lao xuống đường đi lén lút như sợ người quen bắt gặp lại hỏi câu mà giờ đã thành cửa miệng: “Cách ly mà vẫn đi thế à?”.

Không đi không được vì cái tính hay quên. Đấy, lại quên mất cái tờ giấy đêm qua đã ghi chú rõ ràng là cần mua thêm cái gì rồi. Thế có chán không cơ chứ. Lại cả cái làn nữa cũng quên mất. Nẫu hết cả mề! Được cái nhớ lưu ý “đứng xa cự ly ít nhất là 2m”, nhưng cũng chính vì vậy mà cứ phải rập rình đứng chờ hết đám đông mới dám lao vào…

Về đến nhà, nhìn đồng hồ đã mất hơn nửa tiếng. Chị lao vào đánh thức lũ chồng con dậy, rồi vừa bật Đen Vâu volume cực đại để hỗ trợ, vừa chuẩn bị đồ ăn sáng và tiện thể sơ chế rau cỏ cho bữa trưa.

Ôi đống thức ăn ngồn ngộn tha lôi từ hôm được lệnh chuẩn bị cách ly ngày nào cũng “dày vò” chị. Kế hoạch ăn rau muống xào tôm rang thịt của trưa nay chị đã lên từ tối qua dưng cơ mà đêm qua có cơn mưa trời hạ nhiệt một chút nên bỗng muốn đổi thành canh dưa nấu sườn đậu phụ luộc trứng rán… Thế đấy các bạn ạ!

Ô kìa lũ chồng con chị sao vẫn chưa nhúc nhích vậy. Chị lại dùng chiêu thường nhật là kích hoạt cái blutooth lên mức maximum. “Một cái beat thật chill đưa ta về với bản chất. Đen Vâu keep it real, rap theo kiểu đơn giản nhất. Cuộc chơi đi hơi xa, hơn cả thứ mà ta từng mơ về. Bật cho ta con beat, coi Đen Vâu tiếp tục làm thơ nà”.

Rồi, đã thấy “bọn nó” nhúc nhích…

Nhưng cuối cùng, khi “bọn nó” ra được khỏi giường, chị ngước nhìn đồng hồ: Đã 10h!

Rồi sau đó, bố thì ôm tờ báo chui vào toilet bên phải chiếm đóng, con trai nhỏ đánh răng bên toilet to trong phút mốt. Bà mẹ chạy ra vạch mồm tru tréo thằng con lại chạy vào oánh lại vì mới chỉ sạch… hàm trên. Còn con trai lớn thì để nguyên mồm miệng hôi hám đó xù xù một đống bật tivi để học bài trên truyền hình.

Chả ai có nhu cầu ăn sáng cho đến lúc 11h, cái đói mới lên cao và “bọn nó” ăn như chết đói. Vẫn lại 11h như mọi hôm!

Ăn sáng muộn thế thì ai còn thiết đến trứng rán canh dưa đậu phụ luộc? Giờ ăn trưa cuối cùng lùi xuống tận 1h chiều. Hết bay. Khen ngon nút lưỡi.

Ăn xong, dọn dẹp xong rồi thì làm gì?

Bố ôm gối ngáp xong lẩm bẩm “Quái vừa dậy mà giờ đã lại ngáp rồi”.

Con trai lớn ôm máy tính của bố vào học zoom với lớp. Con trai nhỏ cũng mượn máy tính của mẹ học zoom với lớp. Không có máy tính, người cày mất ruộng thì biết làm gì, chị nằm lướt fb xem tình hình bà con ăn gì để học tập và cười sằng sặc với mấy cái nhóm Ghét bếp, không nghiện nhà.

Đang hay thì thằng con chạy vào mượn mẹ điện thoại để phát 3G vì mạng lởm quá. Thôi thế là xong, người cày đã mất đi thửa ruộng cuối cùng!

Ngủ thiếp đi lúc nào không biết, chị choàng tỉnh dậy thì lại “đập mặt” vào chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Cả nhà ăn xong bữa tối và dọn dẹp thì cũng vừa kịp giờ con trai nhỏ học trên truyền hình, con trai lớn học trên zoom với lớp ngoại ngữ.

Học xong cả nhà nằm dài chờ đến giờ tivi phát “Nhà trọ Balanha” và cười như ma làm trong từng chi tiết.

11h đêm là đến giờ thể dục thể thao.

Ăn nhiều thế, ngồi nhiều thế, học nhiều thế… không thể dục thể thao thì chết à.

Dịch bệnh như thế, cách ly như thế, hạn chế ra đường như thế… không đi giờ ấy thì đi giờ nào.

12h mồ hôi mồ kê nhễ nhại có mặt tại nhà. Lại tắm, lại rửa, lại hò lại hát, lại hưng phấn và đi ngủ muộn…

Sáng hôm sau.

Người đàn bà lại choàng tỉnh, lại hối hả nhìn đồng hồ lại lẩm bẩm "Giời ạ, đã 8h sáng bảnh mắt rồi!". Chị lại vội vàng đeo khẩu trang kín mít, mặc quần áo, may quá chả cần oánh son nên nhanh được dăm phút, rồi lại lao xuống đường đi lén lút như sợ người quen bắt gặp lại hỏi câu mà giờ đã thành cửa miệng: “Cách ly mà vẫn đi thế à?”…

………………….

“Công thức” 10, 11, 12 cứ thế diễn ra đều đặn đã gần 3 tháng nay.

Thì may quá!

Mọi chuyện đã sắp khác!

Chuẩn bị quay về với “công thức” 6, 12, 10 truyền thống thôi bà con ơi!

Có ai thấy nhớ những tháng ngày cách ly dài lê thê mà tất cả mọi người trong gia đình không ai chạy từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, từ cuộc nhậu này sang cuộc vui khác, từ lớp học này sang lớp học khác, mà cứ 10, 11, 12 đều đặn như vắt chanh kia không?

Nhớ chứ. Vì đó là những tháng ngày lịch sử không - thể - nào – quên!   

Đào Phai