Quả thực vào lúc này, 10 giờ đêm ngày rằm tháng tư, ánh trăng như muôn dòng suối tuôn chảy xuống, neo vào các dòng thác xe cộ cùng những dòng thác ánh sáng nhân tạo, tạo nên vẻ đẹp hiện đại mà huyền thoại, nhưng anh em trong Đoàn công tác nào có ai hay. Tâm trí của họ dồn cả vào chuyến đi ngày mai. Người nai nịt lại đồ đạc, người tỉ mẩn xem đi xem lại cuốn cẩm nang của Bộ Công Thương “Sổ tay đoàn đi Trường Sa” được biên soạn rất kịp thời.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu với các thành viên trong đoàn

Trong không khí đó, tôi nằm khểnh trên giường, đầu óc lang thang chảy đi muôn mối, nhưng mối nào cũng dẫn đến Trường Sa. Tôi nhớ đến một chương trình truyền hình đưa tin chuyện tình của người lính hải quân Lê Xuân Nam ở nhà giàn DK 1 với nữ sinh khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa. Cuộc tình kéo dài 3 năm với biết bao nước mắt và những hiểu lầm nho nhỏ. Nhưng rồi vượt qua bao trở ngại họ đã đến được với nhau. Nên duyên vợ chồng nhưng vẫn chân trời cách biệt, vợ chồng chỉ có 285 ngày bên nhau, tức khoảng 4% trong cái khoảng thời gian dặc dài 19 năm trời bám biển. Vậy mà họ vẫn hạnh phúc. Anh yên tâm làm lính nhà giàn; chị hãnh diện về màu áo hải quân.

Tiếp tục lần theo ký ức, tôi nhớ Đảo trưởng Đá lớn B Nguyễn Phan Lê, người có rất nhiều sáng kiến trong công tác nhưng khi chấm điểm thi đua tuần, thi đua tháng, thường tìm cách "nhường" thi đua cho anh em. Tôi nhớ đại úy Trần Ngọc Vinh, “thi sỹ” của đảo Đá lớn C, sáng tác bài thơ “Màu áo trắng” sau chuyến đi biển ròng rã 70 ngày đêm trên vùng biển Trường Sa, với sự giúp sức của mọi người trong biên đội.


Vượt sóng gió mang quà tết ra với nhà giàn DK1 (ảnh minh họa: Đoàn Hoài Trung - PetroTimes)

Rồi chẳng có lớp lang thứ tự, chớp nhoáng trong tâm trí tôi là những bức thư của đại úy Nguyễn Bá Sơn gửi cho vợ từ đảo Phan Vinh; chuyện một ngàn lá thư của thiếu úy Bùi Đức Chiên, đảo Tốc Tan gửi cho người yêu Phương Anh ở Hà Nội...

Những câu chuyện trên toát lên một vẻ đẹp cao cả của các anh. Cái cao đẹp ấy ngời sáng lên cùng với trọng trách gìn giữ vùng phên dậu Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Giữ trọng trách lớn lao, tâm hồn các anh thêm cao thượng, tầm nhìn các anh thêm rộng mở.

Lúc chiều trên hội trường nghe phổ biến những quy định cho chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn công tác Hoàng Quốc Vượng đã nhắc nhở rằng, đây là cơ hội hiếm có, nên trong hành trình 10 ngày, các thành viên trong đoàn phải quan tâm giúp đỡ nhau như tình đồng đội của các chiến sỹ trên đảo.

Với lẽ ấy, 70 thành viên Đoàn công tác Bộ Công Thương hồi hộp từng thời từng khắc, chờ giờ lên tàu đến với chiến sỹ trên các đảo Đá Lớn, Sinh Tồn, Len Đao, Đá Đông, Trường Sa, nhà giàn DK1; đến với tầm mắt rộng mở của những người đang ngày đêm canh giữ biên cương của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Đến để nghe, để thấy, đến để soi mình trong tầm mắt nơi mút đầu cương vực Tổ quốc; đến để nâng mình lên, hòa mình vào tầm mắt vời vợi ngàn khơi mà vẫn lắng lòng trọn vẹn cùng nhịp đập với mảnh đất hình chữ S thân yêu đã tượng hình ngàn đời qua bao biến thiên lịch sử.

“Đến để nâng mình lên, hòa vào trong tầm mắt” của những chiến sỹ canh gác biển trời được bắt đầu từ những việc sơ đẳng nhất: Các phòng dành cho Đoàn công tác ở 1 ngày trong lúc chờ tàu khởi hành, mấy chục con người không ai bảo ai đều chăn màn quần áo gọn gàng, đồ đạc ngăn nắp, giờ giấc sinh hoạt chuẩn mực không khác gì các quân nhân chuyên nghiệp.

Tất cả đã sẵn sàng cho một chuyến đi được dự báo là khá gian nan vất vả nhưng đầy ý nghĩa!