Tầm mắt nơi ấy, Trường Sa: Tượng hình Tổ quốc trên Biển Đông

Sự hiện diện đầy đủ các thiết chế về hành chính, kinh tế, văn hóa và tâm linh giúp quân và dân trên các đảo tiền tiêu tổ quốc hăng say luyện tập và sản xuất hơn; và chính họ là những người đang hàng n

Tình hình phức tạp

Ra đảo lần này, sát cánh với Đoàn công tác có hẳn một đội hình báo chí hùng hậu, gồm các báo, tạp chí ngành Công Thương, Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng. Với sự nhạy bén thường trực, lực lượng báo chí đã kịp thời ghi lại và truyền đến nhân dân cả nước những hành ảnh ấn tượng, những câu chuyện sinh động mà chân thực, những hình tượng hy sinh thầm lặng của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, nơi hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với những diễn biến phức tạp.

Quả thực, cuộc đi thăm lần này diễn ra trong thời điểm Biển Đông vẫn tiếp tục “dậy sóng’. Ngày 6/6 khi chúng tôi lên đảo Len Đao cũng là lúc tàu Tân Hải 517 của nước ngoài di chuyển vào vùng biển nước ta, cách đảo Phú Quý 20 hải lý và cách bờ biển Bình Thuận khoảng 40 hải lý, khiến cho các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn phải theo dõi sát hoạt động của tàu này. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, sau khi các lực lượng chức năng nước ta tiến hành các biện pháp cần thiết thì tàu Tân Hải đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam từ ngày 8/6.

Ngày hôm sau, khi lên thăm các điểm A, B, C của đảo Đá Đông, chúng tôi nhận được tin báo qua radio rằng, trong cuộc họp thượng đỉnh của các nước G7 ngày 7/6, các lãnh đạo G7 nhất trí phản đối mạnh mẽ các hoạt động cải tạo đất quy mô, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Giao lưu văn nghệ trên đảo Đá Lớn - đảo nằm giữa các đảo Ga ven, Chữ Thập, Ba Bình cũng do nước ngoài chiếm đóng trái phép

Ngày 10/6, trên đường trở về đất liền, chúng tôi được biết Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein lần đầu tiên nhấn mạnh tới giải pháp cho vấn đề Biển Đông trong bối cảnh nảy sinh nhiều vấn đề như hiện nay.

Đại tá Hà Đức Doanh - Cục Chính trị Quân chủng Hải Quân cho biết, trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, có 10/14 cuộc tấn công vào nước ta từ hướng biển. Do đó, những hòn đảo nổi, đảo chìm, cách xa đất liền hàng trăm hải lý đều có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Thế trận nhân tâm

Và có lẽ, khó có ở đâu tình quân dân lại sâu đậm như ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Bộ đội không chỉ tuyên truyền vận động ngư dân ra khơi bám biển, thực hiện chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế của đất nước mà còn chia sẻ với ngư dân nước ngọt, lương thực thực phẩm, cấp phát thuốc và điều trị cấp cứu cho ngư dân...

Không ai nghĩ các loại cây cảnh có thể trụ được trên những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc

Chị Trần Thị Tiệm, một ngư dân trên đảo Sinh Tồn kể lại rằng, các đảo ở đây nằm trên nền cát san hô nên hồi gia đình chị mới ra đây, chỉ có các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng quả vuông, cây bão táp. Nhưng các anh (bộ đội) đã chủ động cải tạo đất, xây dựng hệ thống trữ nước mưa và “thuần hóa” cây xanh từ đất liền ra.

Vườn rau trên nhà giàn DK1/19

Hiện ở đảo có đủ các loại rau xanh, cây bóng mát, cây ăn quả và nhiều loại cây cảnh mà không ai nghĩ sẽ trụ lại được như cây hoa giấy, hoa sứ... Chồng chị Tiệm thêm vào, các anh đã làm gương cho chúng tôi biến cuộc sống nơi đảo xa thành cuộc sống bình thường không khác gì trên đất liền: có chăn nuôi, có trồng trọt, có nuôi thủy sản.

Ở bất cứ hòn đảo nổi nào, dù là Trường Sa Lớn, Sinh Tồn hay Sinh Tồn Đông, những âm thanh rộn rã của cuộc sống thường nhật dường như lấn át cả tiếng sóng biển: Tiếng chày giã đỗ làm đậu phụ, tiếng hát đồng dao của trẻ em chơi trò “Rồng rắn lên mây”, tiếng chó đuổi chuột ở góc vườn, tiếng quang quác của gà mẹ rời ổ, hay tiếng rủ nhau làm ấm trà của cánh đàn ông...

Nói chuyện với mẹ từ đất liền ra thăm

Và vì thế, những hòn đảo li ti giữa ngàn khơi lại có sức hút lạ lùng ghê gớm, tất cả các hộ dân, giáo viên, nhân viên các cơ quan bưu điện, trạm khí tượng thủy văn, trạm hải đăng hay các sư sãi nhà chùa, đều thuộc diện xung phong, tình nguyện gắn bó với đảo.

Đầy đủ các thiết chế

Trong buổi đưa tiễn Đoàn công tác ra thăm các đảo và nhà giàn DK1 ngày 1/6, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên phó Chủ tịch nước, nay là Chủ tịch Quỹ Vừ A Dính nói rằng, giờ đây Việt Nam trên biển không phải là một hình ảnh, mà là một Tổ quốc thực sự.

Những hòn đảo nổi nơi chúng tôi qua hiện diện đầy đủ các thiết chế về hành chính, kinh tế, văn hóa. Đảo nào cũng có UBND, nhà văn hóa, trường học, bưu điện, trạm xá. Và đặc biệt là sự có mặt của các thiết chế tâm linh như Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, các ngôi chùa...

Chuẩn bị cho lễ an vị tượng Phật trên đảo Trường Sa ngày 8/6/2015

Chính trị viên đảo Sinh Tồn Phạm Văn Dũng cho hay, các đảo và nhà giàn đều có thế mạnh trở thành khu dịch vụ, hậu cần nghề cá, giúp cho ngư dân khai thác hải sản dài ngày trên biển. Các dịch vụ hậu cần bao gồm cung cấp xăng dầu, nước ngọt, nước đá, thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền và ngư cụ, chỗ neo đậu tránh bão, cứu hộ cứu nạn, thu mua hải sản đưa về đất liền...

Bởi thế, “công thức” sinh nhai của các hộ dân trên đảo khá ổn định. Ngày thường, họ ra khơi đánh bắt, ngày biển động, họ ở nhà chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm (làm đậu phụ, nước mắm...). Ngoài sản xuất, cánh đàn ông đều tham gia tự vệ, luyện tập với lực lượng chính quy, chị em thì lo đảm bảo hậu cần cho các buổi luyện tập.

"Tớ nói cho cậu biết nhé"

Chỉ những ai ra đảo, tiếp xúc với các hộ dân mới cảm nhận được sự hồn nhiên trong sáng của họ: Luyện tập với bộ đội để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, bảo vệ khu vực làm ăn sinh sống của mình; tăng gia sản xuất để tiếp thêm nguồn lực bảo vệ chủ quyền.

Sự hồn nhiên chân thật đó ngày càng sâu đậm cùng với việc phát triển các thiết chế trên đảo. Các công trình “điện, đường, trường, trạm” mọc lên khá khang trang, giúp người dân yên tâm luyện tập và sản xuất hơn. Hộ dân trên các đảo còn ít nên số trẻ em đến trường không nhiều, nhưng các trường học đều đảm bảo đầy đủ quyền của các cháu như trong đất liền, có lễ khai giảng, lễ bế giảng, tổ chức tết thiếu nhi 1/6, rằm Trung thu, hay khám bệnh học đường.

Chỉ huy đảo Trường Sa Lớn tâm sự, ở nơi có nhiều diễn biến phức tạp này, món ăn tinh thần vô giá không thể thiếu được là tâm linh. Vì thế quân và dân ở đây rất cảm động là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiên phong cử các nhà sư tình nguyện trụ trì trên các đảo nổi là Song Tử Tây, Trường Sa Lớn và Sinh Tồn. Các sư thầy thường xuyên gõ mõ tụng kinh vào 5h sáng và 9 giờ tối, tạo tâm lý an tâm cho quân và dân trên đảo.

Nhà văn hóa trên đảo Sinh Tồn

Sự hiện diện đầy đủ các thiết chế về hành chính, kinh tế, văn hóa và tâm linh giúp quân và dân trên các đảo tiền tiêu Tổ quốc hăng say luyện tập và sản xuất hơn; và chính họ là những người đang hàng ngày hàng giờ tạo dựng hình tượng Tổ quốc thực sự trên biển Đông, khiến những ai một lần qua đây không khỏi bồi hồi xúc động thốt lên: Đất mẹ là đây! Tổ quốc là đây!