Tăng cường hợp tác liên kết để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Các thành phố trực thuộc TW như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… đang nắm giữ vai trò đầu tầu của vùng kinh tế trọng điểm; đồng thời cũng là các trung tâm lớn trên cả nước về công nghiệp h

Theo Quyết định 12/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hiểu là “các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc tư liệu tiêu dùng”.

Sự tập trung với mật độ cao các DN công nghiệp là cơ sở quan trọng, là nền tảng để các thành phố TW hình thành và phát triển CNHT ở trình độ cao. Gần đây, bằng việc trở thành các nhà cung cấp cho các DN lắp ráp FDI lớn, đã có một số DN CNHT Việt thuộc các thành phố TW đã tiến lên mắt xích cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. Để làm được việc này, các DN trên đều đã phải đầu tư nhiều hơn theo chiều sâu, nhanh chóng đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại.

Tại Hà Nội, CNHT chiếm tỷ trọng khoảng 25% sản lượng công nghiệp trên địa bàn, đã có sự tham gia của trên 1 nghìn DN, được phân thành 8 các nhóm ngành khác nhau. Trong đó, nhóm lớn nhất là nhóm ngành công nghiệp ô tô, xe máy và phương tiện vận tải. Tiếp đến là nhóm điện, điện tử viễn thông; Nhóm cơ khí chế tạo máy, nhóm bao bì nhãn mác,… và cuối cùng là nhóm CNHT cho ngành nông sản thực phẩm.

CNHT của Hà Nội đã hình thành như một hệ thống với sự liên kết chặt chẽ các DN chuyên môn hóa cao thuộc mọi loại hình trong ngoài nước, kết nối chặt chẽ giữa DN phụ tùng linh kiện với DN lắp ráp hoàn chỉnh. CNHT Hà Nội đã tự thể hiện được vị thế vai trò độc lập của mình khi có sự tăng trưởng cao cả về số lượng, qui mô đầu tư, đổi mới công nghệ, giải quyết việc làm thu nhập và nộp ngân sách,…

TPHCM cũng được xem là thành phố đứng đầu cả nước, tập trung rất đông đảo các DN CNHT chuyên sâu theo sản phẩm. Ví dụ, chỉ riêng về chế tạo khuôn mẫu, TPHCM đã có hàng chục DN chuyên doanh đạt quy mô doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Cũng như vậy, về ống thép, TPHCM cũng có hàng chục DN sản xuất có quy mô doanh thu hàng trăm tỷ đồng/ năm. Chỉ tính riêng DN chuyên làm hạt nhựa để cung cấp cho các cơ sở sản xuất thì TPHCM cũng có hàng chục DN chuyên làm loại vật liệu này. Tại TPHCM có hàng trăm DN chuyên làm sản phẩm cao su, trong đó các DN như: Casumina, Thành Long, Cao su Sài Gòn đạt quy mô tới hàng nghìn tỷ đồng/ năm. Về bao bì, có thể nói TPHCM là trung tâm lớn nhất cả nước về sản xuất bao bì với hàng nghìn DN làm đủ các loại bao bì nhựa, giấy, kim loại,.. Trong số đó, các DN như: Công ty Bao bì nhựa Tân Tiến, Liksin,… đạt quy mô doanh thu trên nghìn tỷ đồng/năm… Tại các thành phố TW khác cũng tập trung nhiều DN CNHT mạnh. Ví dụ như: Đà Nẵng có Công ty Lafien Vina chuyên làm các bộ lọc xăng dầu, Công ty cao su Đà Nẵng PRC chuyên làm lốp ô tô. Hải Phòng có Công ty Rorze Robotech chuyên về sản xuất chi tiết và lắp ráp robots, Công ty Chế tạo máy Eba chuyên làm chi tiết máy, Công ty Cơ khí Việt Nhật chuyên về đúc chi tiết gang. Cần Thơ có Công ty Cơ khí Thế Dân chuyên chế tạo bánh răng, DN Trung Anh chuyên về máy nông nghiệp,… là các DN CNHT chuyên sâu.

Những năm gần đây, một số DN CNHT của 5 thành phố TW đã vươn lên, đã vượt qua ngưỡng đáp ứng cho công nghiệp lắp ráp tại chỗ, để vươn ra thị trường toàn quốc và xuất khẩu. Các DN lắp ráp điện tử máy văn phòng, máy tính, điện lạnh Hà nội đã có các nhà cung cấp là các DN tại TPHCM. Ngược lại, các DN thiết bị điện, máy công cụ,… của TPHCM đã có các nhà cung cấp tại Hà Nội. Các DN CNHT của TPHCM như Nidec Servo chế tạo động cơ chính xác nhỏ, Cơ nhiệt lạnh Hồng Nhựt sản xuất máy nén,.. Các DN của Hà Nội như Hoya Glass disk sản xuất nền đĩa từ máy tính, Điện Stanley sản xuất đèn ô tô xe máy,… đã tham gia xuất khẩu đạt kim ngạch khá. Tuy nhiên, phần lớn các DN CNHT có giá trị xuất khẩu mới chỉ tập trung vào nhóm DN CNHT của khối FDI. Số các DN CNHT Việt trong nước XK là rất ít. Do CNHT yếu nên tỷ lệ nội địa hóa thấp, dẫn tới tính cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam thua kém so với các nước khu vực. Ngay tại thị trường trong nước, các DN CNHT Việt đang bị cạnh tranh lấn át quyết liệt, có nguy cơ phải nhường sân cho các DN CNHT đến từ các quốc gia khu vực như Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc,…

Hợp tác liên kết là tiền đề quan trọng bậc nhất để phát triển CNHT. Sự phát triển của CNHT cần phải vượt ra các giới hạn về địa giới hành chính vùng miền. Sự hợp tác về CNHT ngày càng đòi hỏi phải rất đa dạng, theo cả bề rộng và chiều sâu. Nhà nước đã có các định hướng liên kết hợp tác phát triển công nghiệp theo nhóm sản phẩm hoặc theo vùng lãnh thổ, thể hiện tại các quy hoạch ngành và vùng đã được phê duyệt. CNHT của các thành phố trực thuộc TW đã có sự chuyên môn hóa, khá tương đồng về trình độ công nghệ, trình độ kỹ thuật và quản lý. Vì vậy, đã đến lúc phải đặt ra mục tiêu thúc đẩy mạnh hơn sự hợp tác kết nối các trung tâm CNHT lớn thuộc các thành phố TW. Với sự hợp tác liên kết này, các DN CNHT các thành phố TW sẽ tăng thêm nhiều cơ hội để vươn xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới, đạt đến trình độ công nghệ và trình độ quản lý ở tầm cao hơn.

Để đạt được mục tiêu này, các thành phố TW cần tăng cường thêm các diễn đàn gặp gỡ, trao đổi thông tin, các hội trợ triển lãm chuyên nghiệp thường niên cho các DN CNHT. Trước mắt là hỗ trợ mạnh hơn để giúp các DN tận dụng tốt các diễn đàn quốc tế thường niên về CNHT đã có như: Triển lãm CNHT Việt Nam Nhật Bản SIE, Triển lãm quốc tế về công nghiệp chế tạo phụ tùng Việt Nam VME, Triển lãm sản phẩm CNHT Việt Nam ICSV do JETRO Nhật Bản, Reed Tradex Thái Lan và Sở Công thương Hà Nội tổ chức. Thông qua các diễn đàn này, các DN CNHT sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn tăng cường hợp tác sản xuất, tiếp cận với các ý tưởng, kiến thức và công nghệ mới trên thế giới.

Đức CN