Trên cơ sở mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, và đánh giá tác động bởi dịch bệnh Covid-19 tới khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ quyết định xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 

Dự thảo Nghị quyết đề ra một số số mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 như sau:

(i) Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề để bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và lớn mạnh về quy mô.

(ii) Phấn đấu đến năm 2025, đạt được một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể:

- Luỹ kế đến năm 2025 có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó khoảng 710 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2021-2025 ;

- Khoảng 70 doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ ;

- Khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ;

- Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;

- 100% doanh nghiệp được tiếp cận chuyển đổi số, trong đó 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số ;

- Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới .

Dự thảo Nghị quyết đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

a) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi

Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cụ thể như: tiêu chuẩn về môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ chế ưu đãi về thuế, phí gắn với các ngành, lĩnh vực trọng tâm quốc gia và xu thế thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hải quan, mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ chế hợp tác công tư, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, dự án được nhà nước giao đất, dự án trong lĩnh vực bất động sản, thị trường nhà ở xã hội, thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng …

b) Kích cầu nội địa, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế

- Xây dựng chương trình quốc gia về kích cầu nội địa thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu, các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…; vận động, tuyên truyền” Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

- Đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa hình thức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, phát triển thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu quốc gia; tăng cường đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ xây dựng các sàn giao dịch điện tử hoạt động dưới hình thức phi thương mại.

c) Hỗ trợ tiếp cận tài chính

- Đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tăng tỷ lệ được bảo lãnh của mỗi khoản vay, giảm hoặc miễn chi phí bảo lãnh, đơn giản hóa thủ tục bảo lãnh, kéo dài thời gian bảo lãnh, mở rộng phạm vi, đối tượng bảo lãnh tín dụng.

- Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong một số ngành bị tác động nặng nề bởi Covid-19 và doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc cơ sở sản xuất tại các địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên 01 tháng với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của thị trường khoảng 3-4%/năm trong thời hạn 1 năm .

- Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính; nghiên cứu, đánh giá các mô hình, nền tảng, giải pháp hiệu quả về tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp từ thực tiễn hoạt động hoặc từ thông lệ tốt quốc tế.

d) Hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các quỹ: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về khoa học và công nghệ.

- Tạo cơ chế cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả các quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp thông qua việc sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng quỹ để đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ phù hợp với tình hình thực tế.

- Đổi mới, phân cấp phân quyền cho doanh nghiệp nhà nước chủ động trong việc trích lập, sử dụng nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để nghiên cứu, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và sử dụng một phần quỹ để các doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ, tham gia thành lập và quản lý các quỹ khởi nghiệp để hình thành các doanh nghiệp vệ tinh trong hệ sinh thái của doanh nghiệp.

 đ) Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng

- Hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế; huy động và sử dụng hiệu quả mạng lưới tri thức người Việt trong và ngoài nước, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc.

- Tăng cường liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tăng thực hành.

- Đặc biệt, dịch bệnh Covid 19 làm thay đổi căn bản hình thái lao động và việc làm. Do đó, cần có phương án, chính sách hỗ trợ  đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nhằm nâng cao trình độ, kĩ năng, tay nghề của người lao động để tạo khả năng thích ứng, linh hoạt của người lao động Việt Nam; hỗ trợ lao động bị thất nghiệp để quay lại thị trường lao động.

- Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đối tượng lao động nước ngoài là tầng lớp trí thức, nhà khoa học và lực lượng lao động có tay nghề trình độ chuyên môn sâu sang làm việc, lưu trú ổn định/lâu dài tại Việt Nam để tận dụng kinh nghiệm và phát huy nguồn nhân lực này trong những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia.

e) Tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị

- Nghiên cứu, xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt từ nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước có khả năng sản xuất thay thế để định hướng cho doanh nghiệp dịch chuyển cơ cấu sản xuất thay thế nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu, để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất xứ nguyên liệu như yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thay thế một phần nguồn nhập khẩu; xây dựng chính sách ưu đãi cho danh mục vật tư, phụ tùng, linh kiện có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng đầu tư.

Có giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trở thành nhà cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp FDI; hình thành các cụm công nghiệp liên kết theo ngành/lĩnh vực ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm hình thành hệ sinh thái công nghiệp.

- Nghiên cứu chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu; xây dựng cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

g) Khuyến khích phát triển doanh nghiệp quy mô lớn

Trước mắt tập trung vào các doanh nghiệp thuộc những ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia, như: năng lượng tái tạo, ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, kết cấu hạ tầng, sản xuất, chế biến xuất khẩu, công nghiệp y tế (vắc xin, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế) với cách tiếp cận, coi đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, nâng cao khả năng nghiên cứu, năng lực sản xuất trong nước, làm chủ công nghệ, nâng cao sức chống chịu, đáp ứng nhu cầu nhanh nhất, thích ứng với mọi tình huống với chi phí thấp.

h) Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Nghiên cứu thực hiện quản trị chuyên nghiệp, áp dụng cơ chế quản lý dựa trên hiệu quả hoạt động; nghiên cứu ban hành các quy định tăng cường giao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN mà đẩy mạnh thực hiện giám sát hiệu hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

- Nghiên cứu đổi mới nội dung về cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN. Nghiên cứu, đề xuất để ban hành cơ chế giám sát hiệu quả hơn theo các phương thức: Lựa chọn thuê công ty kiểm toán lớn thực hiện giám sát, kịp thời đưa ra cơ chế cảnh báo song song với vai trò quản lý nhà nước của Bộ ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu; Đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể…

- Có cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm người quản lý DNNN qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch; đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao để tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, có thể xem xét cả các CEO nước ngoài; đổi mới quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý DNNN theo nguyên tắc thị trường, gắn với tốc độ tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng cơ chế lựa chọn và trả lương cho các CEO của DNNN theo thị trường và hiệu quả hoạt động của DN; dần hình thành “thị trường” CEO để tăng cường sự cạnh tranh trong lựa chọn người quản lý DNNN phù hợp.