Tăng cường liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong hoạt động du lịch

ThS. TRẦN THỊ THU HUYỀN (Khoa Du lịch Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung được coi là đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế quan trọng. Theo quy hoạch, vùng nằm ở vị trí trung độ của đất nước (vùng Trung Trung bộ), là cầu nối của hai miền Nam - Bắc, giữ vai trò trọng yếu về an ninh quốc phòng, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc liên kết hợp tác giữa các vùng kinh tế tại khu vực trong hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế. Bài viết đưa ra các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế về tăng cường liên kết trong lĩnh vực du lịch, từ đó đưa ra giải pháp cho khu KTTĐ miền Trung.

Từ khóa: vùng kinh tế trọng điểm, hoạt động du lịch, liên kết vùng kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động du lịch phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, mang tính chất bùng nổ, đem lại không ít tác động tích cực như tăng thu ngân sách, tạo ra nguồn ngoại tệ lớn góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động, từ đó hạn chế các vấn đề tiêu cực trong xã hội. Với lợi thế về thiên nhiên phong phú, nhiều cảnh quan hấp dẫn, bãi biển đẹp cùng các di sản văn hóa - lịch sử, giá trị nhân văn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vùng ven biển miền Trung đã được Chính phủ xác định là địa bàn động lực của cả nước về phát triển du lịch. Thiên nhiên khéo kết hợp vẻ đẹp hùng vĩ của núi non với không gian mênh mông của biển cả làm cảnh quan nơi đây trở nên kỳ thú, vừa tạo nên một hệ sinh thái rất đa dạng. Những đặc điểm này là điểm tựa cho ngành Du lịch của vùng KTTĐ miền Trung khởi sắc. Tiềm lực phát triển du lịch của vùng KTTĐ miền Trung còn bắt nguồn từ vô vàn di sản thâm trầm của quá khứ. Không phải ngẫu nhiên dải đất chiếm chưa đầy 1/5 chiều dài đất nước trở thành quê hương của 4 di sản và kiệt tác văn hóa của nước ta được UNESCO công nhận, bao gồm: quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh sự hợp tác giữa các địa phương của vùng KTTĐ miền Trung vẫn còn rất hạn chế. Thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực: phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án qui hoạch, phát triển cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế,... Nguyên nhân không chỉ từ phía các địa phương, mà còn từ phía các cơ quan Trung ương trong việc triển khai xây dựng các cơ chế chính sách chung hoặc kết nối quy hoạch giao thông, kinh tế - xã hội.

2. Bài học kinh nghiệm liên kết hoạt động du lịch ở trong nước và quốc tế

Trong những năm qua, giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc đã có sự hợp tác trên một số lĩnh vực như mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm du lịch, trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch. Những hoạt động này bước đầu tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của du lịch Hà Nội và các địa phương. Hà Nội trở thành trung tâm phân phối, trung chuyển khách du lịch cho cả nước, trong đó có các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Bắc. Hà Nội được giao nhiệm vụ đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong ngành Ddu lịch tại thành phố. Các địa phương khác sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại nguồn nhân lực du lịch của mình, từ đó xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trên địa phương mình và phối hợp với Hà Nội tiến hành thực hiện.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực như hiện nay, ngành Du lịch của vùng KTTĐ miền Trung không thể tiếp tục “đóng cửa dạy nha ” mà cần phải mở cửa ra bên ngoài để tích cực học hỏi. Việc học các “láng giềng gần” như Thái Lan, Malaysia,... - đó là các quốc gia có điểm tương đồng với  Việt Nam, là một cách làm thông minh và tiết kiệm. Đây là gợi ý sát sườn và hoàn toàn khả thi, với việc mở đường bay trực tiếp Bangkok - Đà Nẵng và khai thông tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Hiện nay, vùng KTTĐ miền Trung đang là điểm đến rất hấp dẫn không chỉ với du khách Lào, Thái lan, mà cả du khách Malaysia, nhất là đối tượng khách ưa thích mạo hiểm theo các tour caravan. Do vậy, việc học hỏi kinh nghiệm làm du lịch từ các nước này càng trở nên thuận lợi hơn và đang từng bước được các địa phương vùng KTTĐ miền Trung biến thành hiện thực. Điển hình như tỉnh Quảng Trị đã cùng Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan) luân phiên hàng năm tổ chức hội nghị hợp tác du lịch để bàn biện pháp phối hợp hành động, xử lý các vướng mắc, thúc đẩy du lịch mỗi bên cùng phát triển. Theo Giám đốc Tiếp thị và Phát triển kinh doanh của Thái Lan, tuy hình thức liên kết này không mới đối với đất nước Thái Lan song vẫn là cảnh báo rất cần thiết đối với ngành Du lịch Việt Nam nói chung và vùng KTTĐ miền Trung nói riêng: “Khi ngành Du lịch Thái Lan mới bắt đầu bùng nổ, lượng khách du lịch từ các nơi dồn tới nhưng nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng nổi nên hàng loạt nhân viên nhà hàng, khách sạn,... phút chốc trở thành các nhà quản lý với kiến thức rất thấp. Đến nay, khi đã trở thành một trong những nước có nền “công nghiệp không khói” hàng đầu Đông Nam Á thì nguồn nhân lực vẫn đang là một trong những vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Thái Lan. Hiện nay, Đà Nẵng có hàng loạt dự án du lịch sẽ hoàn thành trong 2-3 năm nữa. Khi đó, vấn đề về con người, vấn đề ngôn ngữ sẽ rất quan trọng. Do vậy, ngay từ bây giờ, cần phải chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ riêng của nhà chức trách, mà phải là trách nhiệm chung của mọi doanh nghiệp du lịch,... Với kinh nghiệm học được từ các nước láng giềng có nền kinh tế du lịch phát triển hơn, việc mở các tour kết nối giữa du lịch văn hóa, hoặc các tour nông - lâm nghiệp,... trọn gói và đặc sản hoàn toàn nằm trong tầm tay ngành Du lịch các tỉnh thuộc vùng KTTĐ miền Trung. Chẳng hạn, với Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn có một thứ đặc sản cực kỳ nổi tiếng, đó là tỏi - không chỉ làm gia vị, mà còn có thể chế biến nhiều loại thuốc chữa bệnh hữu hiệu. Một tour du lịch ra thăm cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử của biển, đảo Lý Sơn và trở về với sản vật là những phương thuốc chữa bệnh được chế biến từ tỏi sẽ đem lại cho khách du lịch nhiều trải nghiệm kỳ thú.

Thực tế trên đã chỉ ra, việc liên kết du lịch giữa các vùng miền sẽ cho phép phát huy được tốt nhất lợi thế của mỗi vùng, tạo khả năng huy động các yếu tố nguồn lực vào phát triển du lịch được hiệu quả hơn, tạo đà phát triển kinh tế, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn lao động trong vùng và thu hút lao động của vùng khác. Do đặc thù của ngành Du lịch - một ngành dịch vụ nhưng mang lại lợi nhuận ngang ngửa với ngành công nghiệp, nên được đầu tư thì càng mang lại nhiều lợi ích. Điều này đã đặt ra yêu cầu về trình độ của cấp tổ chức quản lý, đòi hỏi trình độ cao hơn ở lao động - lao động phổ thông đã qua đào tạo, nhu cầu về vốn đầu tư để nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng, quảng bá hình ảnh,... Để đạt được những yếu tố đó, việc liên kết du lịch giữa các vùng miền được xem là giải pháp tối ưu.

3. Giải pháp vận dụng bài học kinh nghiệm nhằm phát triển liên kết kinh tế ngành Du lịch tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Tập trung khai thác các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới, tạo điều kiện cho khách tham quan làng nghề truyền thống, tìm hiểu lối sống cộng đồng (tập tục văn hóa, thưởng thức âm nhạc, ẩm thực,...) đặc trưng của các dân tộc còn giữ gìn được bản sắc.

Đẩy mạnh việc bán hàng lưu niệm cho khách du lịch, đồng thời gắn kết xây dựng được hệ thống các làng nghề truyền thống với các tuyến du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng hàng lưu niệm bán cho khách du lịch. Theo đó, các hàng lưu niệm phải gắn kết với đặc trưng nổi bật của văn hóa mỗi địa phương.

Giữ gìn sự đa dạng và phong phú của các bãi biển miền Trung, tránh sự trùng lặp và đơn điệu của các bãi biển, quan tâm tới các loại hình vui chơi giải trí gắn với biển (lướt ván, đua thuyền, lặn biển,...), đặc biệt lưu ý các bãi biển có khả năng thu hút khách du lịch quốc tế và khách nghỉ cuối tuần từ các đô thị lớn. Hình thành các bãi tắm có thương hiệu lớn như Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Lăng Cô (Huế), Phương Mai - Núi Bà (Bình Định).

Tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan, nghiên cứu những đặc điểm du lịch sinh thái nổi trội như vườn quốc gia Bạch Mã, Bà Nà,... thông qua việc tổ chức các tuyến du lịch sinh thái.

Chọn lọc và bảo tồn các di tích có giá trị tôn vinh cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ đất nước của dân tộc như Đường mòn Hồ Chí Minh, chứng tích Sơn Mỹ, chiến thắng Vạn Tường, khởi nghĩa Ba Tơ,...

Từng bước phát triển loại hình du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, hội chợ (MICE), Festival,... tập trung tại một số thành phố lớn, như: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn,...

Tổ chức không gian phát triển du lịch vùng KTTĐ miền Trung cần được xây dựng dựa trên các mục tiêu chiến lược sau:

  • Tạo nên thế mạnh tổng hợp của tiềm năng du lịch phong phú của khu vực.
  • Tạo sự liên kết giữa phát triển du lịch khu vực với vùng phụ cận.
  • Xác định những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch làm nơi triển khai đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch chung.
  • Tổ chức không gian du lịch hợp lý đảm bảo mục tiêu phát triển, khai thác du lịch bền vững.

Xây dựng trạm dịch vụ cho khách du lịch bên đường (bãi đỗ, bảo dưỡng xe kết hợp với ăn nhanh, giải khát, vệ sinh cho khách, bán các sản phẩm lưu niệm,…) dọc theo các quốc lộ chính nối các tỉnh trong vùng miền Trung - Tây Nguyên, trong đó vùngKTTĐ miền Trung sẽ sớm xây dựng xong các trạm dọc tuyến quốc lộ 1A trên địa bàn.

Mở các tuyến bay quốc tế thẳng đến các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Bình Định), cải tạo nâng cấp các cơ sở vật chất kỹ thuật cho các sân bay vùng KTTĐ miền Trung để có khả năng tiếp nhận các tuyến bay nội địa trực tiếp từ các thành phố lớn. Cải tạo nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng trở thành cửa ngõ cho khách du lịch đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tăng cường các trang thiết bị tạo một số sân bay như Phú Bài (Huế), Phù Cát (Quy Nhơn) để tạo điều kiện thuận lợi đón và đưa khách tại sân bay.

Sớm đầu tư đưa vào khai thác sử dụng một số khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế có khả năng thu khách cao theo hướng Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nhằm thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế đầu tư vào các khu, điểm du lịch (Huế, Phố cổ Hội An, Mỹ Sơn, Phương Mai). Việc đầu tư trên phải tuân thủ theo quy hoạch được duyệt, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường văn hóa và gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cơ sở lưu trú: nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khách sạn, khuyến khích xây dựng các khách sạn từ 3-5 sao. Trong đó tại các khu du lịch Quốc gia và đô thị du lịch khuyến khích xây dựng khách sạn 4-5 sao.

Vui chơi giải trí: hình thành các cụm vui chơi giải trí phong phú, quy mô lớn tại các khu trọng điểm phát triển du lịch như du lịch tổng hợp giải trí thể thao biển Cảnh Dương - Hải Vân - Non Nước (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng), Phương Mai (Bình Định).

Nâng cao chất lượng vận chuyển khách du lịch: trang bị ô tô chuyên dụng chở khách du lịch chất lượng cao, quy mô lớn hơn 24 chỗ ngồi phục vụ vận chuyển khách trến tuyến đường dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Thị Ngọc Phùng (2005), Giáo trình Kinh tế phát triển, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
  2. UBND các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Huế (2015), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015 - 2020 của các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Huế.
  3. UBND các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Huế (2015), Niên giám thống kê về du lịch của các tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2015 - 2020.
  4. UBND các tỉnh Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (2015), Quy hoạch và mục tiêu phát triển du lịch 5 năm 2015 - 2020 của các tỉnh Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Improving the tourism linkages in the Central Key Economic Region of Vietnam

Master. Tran Thi Thu Huyen

Faculty of Hospitality and Tourism, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The Central Key Economic Region is considered an important hub for international economic exchanges. According to the plan, this economic region is located in central Vietnam and it serves as an economic bridge between the South - North. This economic region plays an important role in the national security and promoting the economic development of the Central Coast region and the Central Highlands. However, the economic linkages and cooperations among economic regions in tourism acitivies are still limited. This paper presents some domestic and international experiences in strengthening tourism linkages and proposes some solutions for the Central Key Economic Region.

Keywords: key economic zones, tourism activities, linkages in economic zones.

 [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]