Tăng cường thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình

VŨ THỊ KIM ANH (Khoa Kế toán, Đại học Công đoàn), NGUYỄN THÁI HÀ (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Đại học Thái Bình)
Tóm tắt:
Sự ra đời và phát triển của KCN trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thực hiện được mục tiêu huy động vốn đầu tư và giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Các KCN không những đóng góp quan trọng trong việc thu hút vốn nước ngoài mà còn là một giải pháp để thực hiện chủ trương phát huy nội lực của các thành phần kinh tế trong nước. Mục tiêu của bài viết sẽ đánh giá thực trạng tình hình thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình trong 5 năm gần đây (2013-2017). Qua đó, chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình.
Từ khóa: Khu công nghiệp, tỉnh Thái Bình, vốn đầu tư.

1. Giới thiệu
Phát triển bền vững các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thái Bình thật sự trở thành động lực cho sự phát triển chung của toàn tỉnh, tạo hạt nhân để phát triển đồng đều các tiểu vùng và các địa phương trong tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân số và lao động, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tăng tỷ lệ đóng góp của công nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã quy hoạch chi tiết 6 KCN với tổng diện tích đã quy hoạch là 1.110,27 ha, trong đó diện tích đất đã thu hồi 619,03 ha, đất đã cho thuê là 397,45 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 84,6% đất công nghiệp đã thu hồi, có 174 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký 27.539,49 tỷ đồng, lao động đăng ký 63.761 người; hiện có 142 dự án đã đi vào hoạt động, 12 dự án đang triển khai xây dựng, 04 dự án chưa xây dựng, 16 dự án tạm ngừng hoạt động; vốn đầu tư thực hiện 18.008,5 tỷ đồng (đạt 65,2% vốn đăng ký), lao động sử dụng 60.863 người [2]. Các KCN luôn khẳng định vị trí, vai trò chủ yếu quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp toàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất nhập khẩu và đóng góp cho ngân sách tỉnh tăng dần qua các năm. Trải qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển (2002-2017), các KCN tỉnh Thái Bình đã trở thành nhân tố động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, do sức ép về tỷ lệ lấp đầy các KCN theo quan điểm có nhiều dự án càng tốt mà ít chú trọng đến ngành nghề sản xuất, công nghệ đầu tư và môi trường nên dẫn đến chưa giải quyết được các vấn đề trong phát triển các KCN như hàm lượng công nghệ trong các dự án KCN còn thấp, quy mô đầu tư trung bình cho một dự án còn nhỏ, chưa thể hiện tính liên kết trong cùng một KCN cũng như tính liên kết giữa các KCN của địa phương trong vùng. Còn xuất hiện các KCN hỗn tạp giữa nhiều ngành nghề hoạt động, chưa có sự chuyên môn hóa cao, chưa quan tâm đến công nghệ thân thiện với môi trường. Trên cơ sở này, bài viết sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư vào các KCN tỉnh Thái Bình.
2. Thực trạng thu hút vốn đầu tư vào các KCN tỉnh Thái Bình
2.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, KCN tạo ra không gian kinh tế góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương. Với 6 KCN hiện có, các KCN của tỉnh Thái Bình trở thành không gian kinh tế góp phần thu hút đầu tư trong, ngoài nước. Số lượng dự án đầu tư và vốn đầu tư thực hiện tăng đều qua 5 năm gần đây (2013-2017) (Biểu đồ 1).

Trong tổng số 171 dự án đầu tư vào các KCN Thái Bình, có 126 dự án đang hoạt động, chiếm 73,68% tổng số các dự án 18 dự án đang xây dựng, chiếm 10,53% tổng số dự án; 1 dự án đang đầu tư xây dựng hạ tầng, chiếm 0,58% tổng số dự án 17 dự án ngừng hoạt động, chiếm 9,94% tổng số dự án và 9 dự án chưa triển khai, chiếm 5,26% tổng số dự án (Bảng 1).Các dự án trong nước tập trung chủ yếu vào KCN Tiền Hải với 59 dự án, chiếm 46,09% tổng số các dự án trong nước và chiếm 57,59% về số tiền. Nói cách khác, KCN Tiền Hải thu hút tuyệt đối các dự án trong nước cả về số lượng và số tiền đăng ký. Trong khi đó, mặc dù số lượng các dự án nước ngoài đầu tư KCN Phúc Khánh là 20 dự án chiếm 15,63% tổng số các dự án song về số tiền đầu tư lại chiếm tỷ trọng rất thấp 3,89%. Điều này cho thấy, KCN Phúc Khánh thu hút hầu hết các dự án nước ngoài lớn (Bảng 2).
Thứ hai, vị trí địa lý của KCN Thái Bình là điểm hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Các KCN tỉnh Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phía Bắc giáp Hải Dương, Hải Phòng; phía Tây giáp Hưng Yên, Hà Nam; phía Nam giáp Nam Định; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Tỉnh Thái Bình có tiềm năng phát triển công nghiệp với nguồn lao động dồi dào; nguồn nguyên liệu cho công nghiệp có nguồn khí mỏ, nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng đang được khai thác và sử dụng hiệu quả; kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin… ngày càng hoàn thiện là những điều kiện cơ bản để kết nối với thị trường tiêu thụ sản phầm của doanh nghiệp trong các KCN. Tính đến năm 2017, tại các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 43 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó có 38 dự án đang hoạt động. Các dự án FDI đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.683.014 triệu VNĐ. Nhật Bản và Trung Quốc (Đài Loan) là 2 quốc gia có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất tại các KCN, chiếm tỷ trọng tương ứng là 17.75% và 21.18% tổng số vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI. Các dự án đầu tư của Nhật Bản (KCN Sông Trà) tập trung vào lĩnh vực sản xuất lắp ráp sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô, xe máy. Trong khi của Trung Quốc (Đài Loan) chủ yếu ở KCN Phúc Khánh tập trung vào: Luyện kim sản xuất lắp ráp máy móc thiết bị, dệt may, cơ khí, thức ăn chăn nuôi,… Nhật Bản và Trung Quốc (Đài Loan) cũng là 2 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào các KCN của Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố thu hút nhiều các dự án đầu tư nước ngoài như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh,… (xem Bảng 3)


Qua số liệu Bảng 3 cho thấy, các dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các ngành nghề khai thác lợi thế của Thái Bình đó là nhân công, lao động. Hầu như chưa có dự án nào của các đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
2.2. Những tồn tại
Trong quá trình hình thành và phát triển các KCN bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của các KCN Thái Bình trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập:
Thứ nhất, tỉnh Thái Bình chưa có chính sách khuyến khích cụ thể nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, cũng như các dự án có vốn đầu tư lớn đòi hỏi công nghệ cao. Chính vì vậy, kết quả thu hút vốn FDI vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Thái Bình. Tỷ lệ dự án FDI đăng ký vào KCN còn chiếm tỷ lệ thấp (25% tổng vốn dự án) (Biểu đồ 2). So sánh với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng, Thái Bình xếp thứ 9/11 tỉnh, thành phố về số dự án đầu tư, đứng cuối cùng về tổng số vốn đã thực hiện với 0,4 triệu USD (Bảng 4).Thứ hai, đa phần các KCN được bố trí quá gần khu đô thị, khu dân cư bị hạn chế các ngành nghề có thể đầu tư, do đó cơ cấu đầu tư không phù hợp chủ yếu các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông chưa qua đào tạo, với lượng vốn ít chủ yếu là gia công lắp ráp nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp. Để đáp ứng tối đa yêu cầu của các nhà đầu tư nên vị trí triển khai xây dựng các KCN thường tập trung vào những nơi có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi. Thực trạng này tất yếu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là những địa bàn thuận lợi phát triển nóng các KCN, các dự án được triển khai nhanh trong khi đó những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn không thể phát triển các KCN, điều này dẫn tới sự mất cân đối giữa các ngành, các vùng và giữa các tầng lớp dân cư.
Thứ ba, chất lượng thu hút đầu tư chưa cao thiếu ổn định, chưa đúng mục tiêu đề ra: Thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào KCN tỉnh Thái Bình có mức tăng trưởng đều qua các năm, tuy nhiên số lượng dự án nhiều nhưng giá trị còn thấp, chưa thu hút được những dự án lớn, công nghệ cao chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ đòi hỏi lượng lớn lao động phổ thông. Đến năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút 171 dự án đầu tư vào KCN; trong đó các dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may chiếm số lượng lớn nhất chiếm 27,33% các dự án khác chủ yếu là gia công lắp ráp, các ngành gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Cơ cấu ngành nghề đầu tư trong các KCN chưa đúng mục tiêu đề ra. Các KCN của tỉnh Thái Bình chủ yếu là các KCN đa ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, gia công, lắp ráp, giầy da… Những dự án đầu tư vào các ngành đòi hỏi công nghệ cao hay các ngành công nghiệp phụ trợ đã được chú trọng quan tâm nhưng kết quả thu hút còn thấp làm cho mối liên kết ngành nghề chưa phát huy được tác dụng. (Bảng 5)Thứ tư, số lượng các dự án và quy mô vốn kêu gọi đầu tư vào các KCN còn khiêm tốn do diện tích, khuôn viên và cơ sở hạ tầng triển khai còn chậm, chưa đồng bộ: Tính đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh Thái Bình đang có 9 KCN được phê duyệt chi tiết xây dựng, tuy nhiên mới chỉ có 6 KCN thực tế đã đi vào hoạt động, các khu công nghiệp khác còn đang chưa được triển khai hoặc triển khai với tốc độ rất chậm, do chưa giải phóng mặt bằng, chưa được bàn giao đất. Trong số 6 KCN đã và đang hoạt động, chỉ 3/6 khu công nghiệp đạt chỉ tiêu về tỉ lệ lấp đầy, 2 KCN là Cầu Nghìn và Sông Trà tỷ lệ lấp đầy còn thấp dưới 40% chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc giải phóng mặt bằng ở đa số các KCN đã hoàn thành, còn một số ít diện tích ở một vài địa phương công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư, môi trường thu hút đầu tư vào các KCN (Bảng 6).


3. Các giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư vào các KCN tỉnh Thái Bình
Căn cứ vào định hướng thu hút các dự án đầu tư vào Thái Bình theo đề án điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2030 là: Tập trung sản xuất máy móc phục vụ nông lâm ngư nghiệp; sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp nhận đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít đất, thân thiện với môi trường, và có tác động thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh” [4]. Vì vậy, để KCN tiếp tục đóng góp vai trò to lớn vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào chính các khu vực này, cụ thể:
Một là, tiếp tục hoàn thiện, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh, bao gồm: giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc… trong và ngoài KCN nhằm tạo ra sức hút ngày càng lớn đối với nhà đầu tư và khả năng cạnh tranh ngày càng lớn giữa các địa phương lân cận. Tiếp tục hình thành các đô thị vệ tinh thông minh với hệ thống hạ tầng, thông tin, công nghệ hiện đại. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở trong và ngoài KCN với nhiều hình thức khác nhau; sử dụng ngân sách của nhà nước hỗ trợ cho những địa phương khó khăn, chưa có đủ điều kiện để phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ…
Hai là, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư bằng cách tiết kiệm các chi phí kinh doanh, các dịch vụ hỗ trợ tốt nhất để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh tại các KCN. Thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế và các ưu đãi khác để thu hút các dự án trong và ngoài nước có trình độ kỹ thuật cao, sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng lớn.
Ba là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá hệ thống hạ tầng, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh với nhiều hình thức, phương tiện. Hoạt động này một mặt quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư tại các KCN, mặt khác trao đổi thông tin giữa các KCN trong tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kêu gọi đầu tư, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển các KCN của các địa phương.
Bốn là, lựa chọn dự án dự án đầu tư vào các KCN phù hợp tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030: Ưu tiên lấp đầy KCN, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: Dệt may, chế biến, chế tạo cơ khí và điện tử. Tuy nhiên, cần chú ý đến nguyên tắc quan trọng đó là không vì mục đích kinh tế mà đánh đổi môi trường, ảnh hưởng đến quá trình phát triển hiện tại và tương lai. Đẩy mạnh thu hút các dự án phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường [3]. Ngoài ra, nên ưu tiên phát triển một số ngành nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN như: thương mại điện tử, vận tải, logistic… 

Tài liệu tham khảo:
1. Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Bình, Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của các KCN các năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017.
2. Ban quản lý khu kinh tế và các KCN tỉnh Thái Bình, Báo cáo tình hình phát triển KCN, CCN và tình hình phát triển hạ tầng xã hội KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Thái Bình ban hành ngày 27/4/2018.
3. UBND tỉnh Thái Bình, Công văn số 157 ngày 17/01/2017 của UBND tỉnh Thái Bình về việc thu hút dự án đầu tư gắn với bảo vệ môi trường.
4. UBND tỉnh Thái Bình, Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020 của UBND tỉnh Thái Bình ngày 24/09/2014.

ATTRACTING MORE THE INVESTMENT CAPITAL INTO THAI BINH PROVINCE’S INDUSTRIAL ZONES

Vu Thi Kim Anh
Faculty of Accounting, Trade Union University
Nguyen Thai Ha
Faculty of Accounting – Auditing, Thai Binh University

Abstract:
The establishment and development of industrial zones located in Thai Binh province have mobilized the investment capital for the province and also created jobs for local people. Industrial zones not only significantly attract the foreign investment into the country but also promote the internal strengths of all domestic economic sectors. This paper is to evaluate the current situations of attracting the investment capital into Thai Binh province’s industrial zones from 2013 to 2017 to identify existing issues and proposes solutions to attract more the investment capital into the province.
Keywords: Industrial zone, Thai Binh province, investment capital.