an toàn thuc pham
Hoạt động hậu kiểm phải bảo đảm phù hợp tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời

Kế hoạch nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các lễ hội, sự kiện lớn, kinh doanh thức ăn đường phố…

Để đạt được các mục đích đề ra, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm (BCĐ) sẽ tiến hành triển khai các cuộc hậu kiểm bằng các hình thức kiểm tra liên ngành từ tuyến Trung ương đến địa phương; hậu kiểm trong các bộ, ngành như: Ngành y tế, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành Công thương.

Trong quá trình triển khai, trọng tâm của các hoạt động hậu kiểm sẽ bao gồm: Hậu kiểm bảo đảm chất lượng thực phẩm sẽ tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu như: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm phẩm bảo vệ sức khỏe thực phẩm bổ sung thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng…

Tiến hành lấy mẫu và thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhóm sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (như hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…)

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành các quy định về: công bố sản phẩm đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, trong thời gian triển khai, BCĐ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung hậu kiểm trong một số nội dung như: hậu kiểm công bố sản phẩm; hậu kiểm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu; hậu kiểm về ghi nhãn thực hiện theo quy định; hậu kiểm về quảng cáo; hậu kiểm về sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; hậu kiểm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Bên cạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, BCĐ cũng yêu cầu các đơn vị thông tấn báo chí cần có sự phối hợp với lực lượng chức năng, thông qua hoạt động hậu kiểm để triển khai việc tuyên truyền chính sách pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế,...

Hoạt động hậu kiểm phải bảo đảm phù hợp tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật; tiến hành hậu kiểm tránh chồng chéo, gây cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra…

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, trong năm 2022 đã xử lý 23.322 cơ sở vi phạm về ATTP, tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 102 cơ sở; khởi tố 23 vụ/21 bị can.