Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt - Doanh nghiệp đồ uống gặp khó

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia và thuốc lá... Theo đó, từ ngày 1/7/2015, thuế TTĐB đối với rượu, bia, thuốc lá sẽ được n

Thời điểm chưa hợp lý

Tại cuộc họp góp ý kiến về Luật thuế TTĐB đối với mặt hàng đồ uống được tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, trước tác động của nhiều yếu tố, tốc độ tăng trưởng của ngành bia, rượu đang có xu thế giảm dần. Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng này sẽ có tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 15%, các DN nhỏ của ngành đồ uống trong nước sẽ chết trước, trong khi, DN nước ngoài vẫn ung dung. “Với tình hình kinh tế khó khăn, thuế đang thực thi có tác dụng khuyến khích cho sản xuất và hợp lý với điều kiện thực tế của Việt Nam. Nhưng với mức tăng đột xuất lên 15% sẽ gây khó khăn trong tiêu thụ, sản xuất cũng như giá bán và sẽ ảnh huởng trực tiếp tới người tiêu dùng và cả ngành Bia, Rượu, Nước giải khát trong nước”. - PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA bày tỏ sự lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco chia sẻ: Việc tuyên bố tăng thuế thu nhập đặc biệt lúc này là không đúng thời điểm. Bởi lẽ, tại Hội nghị tái cấu trúc DN nhà nước ngày 18/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc DN mà nhiệm vụ trọng tâm là cổ phần hóa DN nhà nước. Việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giảm sức hấp dẫn các nhà đầu tư tương lai khi DN cổ phần hóa.

Theo tính toán của Chủ tịch Sabeco, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 60% thì Sabeco sẽ không nộp thêm được đồng nào vào ngân sách. Bởi vì khi thuế tiêu thụ tăng, thu nhập giảm thì thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân giảm xuống, rút lại là tổng thu không đổi. “Khi các DN trong nước nộp ngân sách không nhiều, còn DN nước ngoài thì chuyển giá ra nước ngoài thì nguồn thu của Nhà nước sẽ tăng hay giảm? Thuế TTĐB cần phải đặt trong chính sách tài khóa dài hạn nhằm cân đối nền kinh tế chứ không phải giải quyết hai mục tiêu là giảm tiêu dùng và tăng nguồn thu ngân sách”, ông Tuất nêu ý kiến.

Ngoài ra, không ít công ty bia, rượu, nước giải khát trong nước cũng e ngại rằng, việc tăng thuế TTĐB sẽ khuyến khích nhập khẩu, tạo một cơ hội vàng cho các mặt hàng nhập lậu. Từ đó, Nhà nước lại phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc kiểm soát hàng nhập lậu, tổng thu liệu có bù chi được hay không?!

Phải đảm bảo lợi ích hài hòa

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, đặc điểm của ngành Bia, Rượu, Nước giải khát là trình độ công nghệ, quản lý, quy mô sản xuất của các DN khác nhau, biên độ lợi nhuận của các DN không đồng đều. Có những DN lợi nhuận là 30 - 40%, nhưng có DN chỉ đạt từ 2 - 3%. Khi tăng thuế TNĐB ở mức đều nhau thì những DN yếu sẽ khó tồn tại và phát triển được.

“Cuộc chơi này sẽ dẫn đến một tương lai đáng lo ngại ở Việt Nam, đó là các DN nhỏ của ngành Rượu, Bia, Nước giải khát trong nước sẽ chết trước, các DN lớn hơn cũng sẽ mệt mỏi còn các DN có biên độ lợi nhuận cao (chính là các doanh nghiệp nước ngoài) sẽ ung dung. Và sau vài năm, nếu thực hiện biện pháp này, ngành đồ uống Việt Nam chắc chắn sẽ rơi vào tay nước ngoài” - ông Tuất nhấn mạnh. Đồng quan điểm của Chủ tịch Sabeco, ông Nguyễn Hồng Linh - Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội cho rằng, việc tăng thuế có thể mang lại lợi ích trước mắt nhưng về lâu dài lại gây khó cho DN, vì vậy, cần tính toán đến ổn định nguồn thu ngân sách lâu dài, hài hòa lợi ích giữa các bên và có lộ trình phù hợp để DN thích nghi.

Hiện nay, thuế TTĐB được tính chung 1 mức thuế với cả bia lon, chai, bia hơi, bia tươi. Trong quá trình điều chỉnh, bia hơi đã được tăng dần từ 30% đến nay là 50%. Vì vậy, nếu tăng ngay mức 15% thì sản phẩm bia hơi sẽ lỗ, sản lượng bia hơi hiện nay khoảng từ 350 - 400 triệu lít/năm, là sản phẩm phục vụ người có thu nhập thấp, nên việc tăng thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Đối với rượu, hiện nay rượu sản xuất công nghiệp còn ít (chưa đạt 100 triệu lít/năm), rượu dân tự nấu, rượu nhập lậu, rượu kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc quản lý chưa tốt. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương, năm 2013 đã tịch thu và tạm giữ 70.238 chai rượu các loại nhập lậu, 65.108 chai không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa là 4.500 chai. Vì vậy, nếu tăng thuế TTĐB quá cao (10-15%) sẽ càng khó khăn trong công tác chống buôn lậu, trong việc quản lý rượu phi thương mại, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các DN sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất chân chính, sẽ dẫn đến thất thu thuế, không khuyến khích việc tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đối với sản phẩm nước ngọt, trên thế giới có nhiều nước đã loại bỏ hoặc giảm loại thuế này như Bỉ, Achentina, Đan Mạch, Dominica, Ai Cập, Ga na, Indonesia, Pakistan, Philippine, Nam Phi, Zambia và một số bang của Mỹ, nếu Việt Nam áp dụng thuế TTĐB vào sản phẩm này, thì vô tình chúng ta lại tự làm khó mình.

Chính sách của Nhà nước hiện nay là chống lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác chứ không phải hạn chế tiêu dùng, hạn chế sự phát triển của ngành Bia, Rượu, Nước giải khát. Vì vậy, mức thuế phải phù hợp với điều kiện, tình hình của để đảm bảo sự phát triển ổn định, đáp ứng yêu cầu thu ngân sách, hội nhập cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết thêm: Hiệp hội đã có công văn gửi lên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương tham gia ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật thuế TTĐB. Theo đó, VBA đề xuất việc điều chỉnh thuế TTĐB phải có lộ trình cụ thể: từ tháng 7/2015 mức tăng 5% (từ 50% lên 55%); năm 2018 - 2019 mức tăng 5% (từ 55% lên 60%); sau năm 2020 mức tăng 5% (từ 60% lên 65%).

Chính sách của Nhà nước hiện nay là chống lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác chứ không phải hạn chế tiêu dùng, hạn chế sự phát triển của ngành Bia, Rượu, Nước giải khát. Vì vậy, mức thuế phải phù hợp với điều kiện, tình hình của để đảm bảo sự phát triển ổn định, đáp ứng yêu cầu thu ngân sách, hội nhập cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.