Thứ nhất, về chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Khoản 6 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 5 Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 24: Chủ thể của hoạt động thương mại điện tử

5. Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử".

Như vậy, thương nhân cung cấp dịch vụ logistics nói chung và vận chuyển hàng hóa giao dịch qua sàn thương mại điện tử nói riêng chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP. 

Thứ hai, về trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán. Theo quy định mới, thông tin về hàng hoá, dịch vụ đối với website thương mại điện tử bán hàng phải được người bán cung cấp chi tiết, cụ thể:

- Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

- Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

- Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Như vậy, người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website thương mại điện tử sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.  

Thứ ba, về việc xác định trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin tới người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Điểm c khoản 3 Điều 26 được bổ sung quy định: “Trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. 

Như vậy, các quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong Nghị định số 85/2021/NĐ-CP nêu trên là phù hợp với các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ phải chịu trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Thứ tư, về quy định liên quan đến thông tin về điều kiện giao dịch chung. Từ ngày 01/01/2022, chính sách kiểm hàng sẽ được coi là một trong những điều kiện giao dịch chung bắt buộc mà thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố trên website thương mại điện tử. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người tiêu dùng hiểu rõ về chính sách kiểm hàng của từng doanh nghiệp để đưa ra quyết định lựa chọn tiến hành giao dịch. Bên cạnh đó, với các website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Quy định này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử phải gia cố thêm tính năng để đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, xem xét và đưa ra quan điểm cá nhân trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong giao dịch mua sắm trực tuyến. 

Thứ năm, về trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Khoản 11 Điều 36 được bổ sung thêm quy định sau: 

“- Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo; 

- Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia".

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), như vậy, quy định mới sẽ ràng buộc trách nhiệm lớn hơn của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến trong công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Hiện nay, các sàn thương mại điện tử đã và đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong trong việc xác minh và giải quyết các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng. Tuy vậy, với quy định mới này, người tiêu dùng sẽ “an tâm” hơn khi tiến hành giao dịch các giao dịch trên sàn thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia hay khi các giao dịch đó là với người bán nước ngoài.

[Quảng cáo]