Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất và vận chuyển hàng hóa

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ cần có những giải pháp phù hợp hơn và quan trọng nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa trung ương - địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa và duy trì hoạt động sản xuất.

Cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 11/8/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dù thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều văn bản hướng dẫn về lưu thông hàng hóa, đặc biệt hàng hóa thiết yếu, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn ra phức tạp và mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, cách hiểu và áp dụng khác nhau đã gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa phục vụ người dân không những trong vùng dịch mà tại nhiều địa bàn trên cả nước.

Hơn thế, việc này cũng gây khó khăn cho sản xuất công nghiệp bởi nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng không được lưu thông, đồng thời ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất khẩu.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã có những văn bản trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có những biện pháp tháo gỡ, song vấn đề vẫn chưa được khắc phục triệt để. 

Do đó, ngày 27/7/2021 Bộ Công Thương đã có công văn số 4482/BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất cho phép lưu thông như bình thường tất cả các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/7/2021, tại Văn bản 5187/VPCP-CN Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Từ đó đến nay, vấn đề lưu thông hàng hóa đã cơ bản được giải tỏa, không còn cần băn khoăn về vấn đề hàng hóa nào là thiết yếu hay hàng hóa nào không mà chỉ trừ các hàng hóa cấm không được lưu chuyển. Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11/8/2021
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11/8/2021 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tuy nhiên, ngay cả sau khi có văn bản này của Chính phủ, vẫn có hiện tượng tại một số địa phương hàng hóa khi lưu thông, lái xe, phụ xe, phương tiện giao thông vận tải vẫn gặp một số khó khăn. 

“Chúng tôi rất mong muốn và thiết tha đề nghị các địa phương, tập trung vào mục đích chính là chống dịch, nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã có chỉ đạo, quán triệt. Đề nghị thực hiện đúng theo các quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt Bộ Y tế và Bộ Giao thông và Vận tải, để giúp việc lưu thông hàng hóa được thông suốt, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, ổn định sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm thông tin thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 và của Văn phòng Chính phủ tại Văn bản 5187/VPCP-CN về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh, Bộ Giao thông Vận tải đã có các văn bản gửi chính quyền địa phương và các Cục, Tổng cục thuộc Bộ cũng như Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố để phối hợp thực hiện. 

Trong đó, triển khai một số giải pháp chủ yếu:

(i) Không tiến hành kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp. 

(ii) Đối với phương tiện không có giấy nhận diện có QR Code, hoặc có nhưng hết thời hạn, lái xe phải trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

(iii) Tổ chức tiền kiểm và hậu kiểm tại các điểm bốc xếp, bến bãi hàng hóa; đề nghị địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định.

(iv) Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng lái xe, phụ xe, công nhân bốc dỡ hàng hóa.

(v) Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và các Cục chuyên ngành công bố đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, giải đáp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng hóa. 

(vi) Yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi, nắm bắt kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch Covid-19 để có tham mưu kịp thời phương án tổ chức giao thông, vận tải hàng hóa, đảm bảo không có tình trạng ùn tắc, thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sớm có phương án mới để doanh nghiệp ổn định sản xuất

Liên quan đến phương án sản xuất “3 tại chỗ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định đây vẫn được đánh giá là phương án tốt kể cả trong bối cảnh hiện tại. Dù vậy, ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, phương án này đã cho thấy thành công bởi thời gian áp dụng ngắn, khu công nghiệp ít người và chủ yếu là lao động địa phương. Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như 19 tỉnh, thành phố phía Nam, hoạt động sản xuất có nhiều khác biệt, các khu công nghiệp quy mô lớn có thể chứa tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người lao động. Đặc thù người lao động đến từ nhiều địa phương lân cận cũng bị ảnh hưởng tâm lý khi phải tập trung tại một chỗ trong thời gian quá lâu, cho thấy một số bất cập khi thực hiện “3 tại chỗ”.

Mặt khác, chuỗi cung ứng vận tải, logistics trong một số tỉnh thành phố phía Nam không may bị đứt gãy sớm cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện “3 tại chỗ”.

Một bất cập nữa mà Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra là chi phí để thực hiện phương án này là quá cao, nhiều doanh nghiệp “không chịu được” trong thời gian dài. Một số quy định tại các địa phương trong phòng chống dịch bệnh có sự khác biệt cũng ảnh hưởng đến áp dụng “3 tại chỗ” ở doanh nghiệp.

Ngày 6/8/2021, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất một số biện pháp phù hợp hơn so với phương án “3 tại chỗ” hiện nay để thích nghi trong điều kiện mới về lâu dài. Trong đó, kiến nghị sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện sản xuất, đặc biệt sản xuất trong các trung tâm công nghiệp, hay xử lý trường hợp xuất hiện F0 tại cơ sở sản xuất,…

“Sản xuất là phải làm, theo đúng mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, nhưng trước hết phải đảm bảo điều kiện chống dịch, vì thế Bộ Y tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa ra các quy định phù hợp để có thể vừa chống dịch vừa tiếp tục sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để sớm nhất có thể ban hành văn bản hết sức quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thy Thảo