Hội nghị có sự tham dự của các đại diện đến từ các Sở, ban ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông của các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc. 

Hội nghị là một trong chuỗi hoạt động nằm trong Kế hoạch thực thi Hiệp định CPTPP năm 2020 của Bộ Công Thương nhằm phổ biến, tuyên truyền về các cam kết của Hiệp định CPTPP cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

tập huấn chuyên sâu về CPTPP
Hội nghị nhằm phổ biến, tuyên truyền về các cam kết của Hiệp định CPTPP cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định CPTPP mang lại, từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực và hiệu quả. Đồng thời, định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của địa phương.

Trong 2 ngày diễn ra, Hội nghị sẽ có 3 phiên tập huấn chuyên sâu, bao gồm các nội dung liên quan đến hàng hóa, quy tắc xuất xứ, và dịch vụ-đầu tư.

Trong Phiên khai mạc đầu tiên sáng nay 9/7, Hội nghị đã tập trung vào các nội dung liên quan đến tổng quan thuế xuất nhập khẩu, hướng dẫn thực hành tra cứu và thực thi cam kết thuế xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, cam kết hải quan để được áp dụng thuế ưu đãi của Hiệp định CPTPP.

Phát biểu khai mạc, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, trong suốt hơn 1 năm qua, Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng như Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tập huấn chuyên sâu, phổ biến về những cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, Hiệp định CPTPP đã trải qua hơn 1 năm thực thi với nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất, trong hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD.

tập huấn chuyên sâu về CPTPP
Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, Hiệp định CPTPP đã trải qua hơn 1 năm thực thi với nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực

Thứ hai, về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam về cơ bản sang các thành viên đã thực thi CPTPP có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm. Một số thị trường mới như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tận dụng được các cam kết ưu đãi về thuế quan mà Hiệp định CPTPP mang lại, Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh dẫn chứng.

Thứ ba, xét về hoạt động thu hút đầu tư, năm 2019 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về vốn đầu tư đến từ những nước chưa có quan hệ FTA với Việt Nam như Canada và Mexico.

cam kết trong CPTPP
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại và đa biên cũng cho rằng, CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam, nhưng chúng ta chưa tận dụng được hết những dư địa đó

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam, nhưng chúng ta chưa tận dụng được hết những dư địa đó.

Ông cho biết, theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện chỉ có 43/63 tỉnh thành của nước ta có quan hệ thương mại với các nước thành viên CPTPP. Đặc biệt, đối với hai thị trường là Mexico và Canada, chưa đến 10 tỉnh thành. “Dư địa lớn, cơ hội mở ra lớn, nhưng số lượng tỉnh, thành quan tâm đến việc xuất nhập khẩu sang các nước CPTPP còn khá thấp”, ông Khanh nói.

Dựa trên khảo sát, đánh giá của VCCI, Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc các tỉnh,thành chưa quan tâm đến CPTPP. Thứ nhất, do vấn đề tuyên truyền. Năm 2019, 577 hội nghị về CPTPP đã được tổ chức trên toàn quốc. Đây là con số khổng lồ, tính ra trung bình 1 ngày 2 hội thảo, hội nghị. Cũng theo rà soát của VCCI, số doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về CPTPP, thị trường các nước thành viên CPTPP chỉ có 2%.

“Các hội nghị về CPTPP được tổ chức đa số nói về chiến lược, nói về nội dung chung chung của CPTPP mà không đi cụ thể vào từng lĩnh vực, ngành hàng. Doanh nghiệp cho biết, họ đến tham dự nhưng không nhận được những thông tin mong muốn. Hướng đến thị trường Canada, doanh nghiệp quan tâm đến quy tắc xuất xứ; đó là những quy tắc, quy định gì; cần khai báo những gì... thì các hội thảo, hội nghị không đưa ra được”, Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh chia sẻ.

Thứ hai, hình thức tuyên truyền đôi lúc còn nhàm chán, không có sự tương tác sâu giữa chuyên gia - doanh nghiệp.

Thứ ba, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp còn rất ít. Theo thống kê của Bộ Công Thương, số câu hỏi về Hiệp định CPTPP trên trang web http://cptpp.moit.gov.vn/ rất ít, hầu như không nhận được những câu hỏi quan tâm của doanh nghiệp.

tập huấn chuyên sâu về Hiệp định CPTPP
Trong ngày đầu tiên diễn ra, Hội nghị đã tập trung vào các nội dung liên quan đến tổng quan thuế xuất nhập khẩu, hướng dẫn thực hành tra cứu và thực thi cam kết thuế xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, cam kết hải quan để được áp dụng thuế ưu đãi của Hiệp định CPTPP. Rất nhiều câu hỏi, vướng mắc được các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị

Do vậy, nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận một cách hiệu quả Hiệp định CPTPP, Vụ Chính sách thương mại và đa biên cũng như Bộ Công Thương đã tìm cách thay đổi phương thức tuyên truyền theo hướng lôi cuốn hơn, hiệu quả hơn bằng nhiều hình thức khác nhau. Nội dung tuyên truyền cũng được xây dựng hấp dẫn hơn, chia các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm như các vấn đề về thuế, quy tắc xuất xứ và đầu tư..., Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận về hàng hóa và quy tắc xuất xứ, với sự tham gia hướng dẫn của các cán bộ phụ trách trực tiếp, Hội nghị đã giúp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua việc giải đáp những tình huống thực tế mà một số doanh nghiệp hiện đang gặp phải khi đang có nhu cầu tìm hiểu và xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP.

Phiên làm việc vào ngày 10/7/2020, sẽ tập trung giới thiệu các nội dung liên quan đến dịch vụ - đầu tư, trong đó tập trung vào các nghĩa vụ, nguyên tắc cơ bản về mở cửa thị trường, xỏa bỏ rào cản đối với dịch vụ - đầu tư, cam kết liên quan tới khuyến khích và bảo hộ đầu tư, và hướng dẫn cấu trúc, cách đọc hiểu và tra cứu cam kết dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định CPTPP.

Tham gia phiên thảo luận này có sự hiện diện của các cán bộ quản lý trực tiếp lĩnh vực dịch vụ - đầu tư của Bộ Công Thương, và cán bộ đã có kinh nghiệm tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế của Bộ Tư Pháp.

Phóng viên Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin liên quan đến Hội nghị này.

Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên: Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Hiệp định đã được ký kết vào tháng 3/2018 tại thành phố Santiago, Chile và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Khi Việt Nam tham gia vào CPTPP sẽ có những lợi thế về xuất khẩu; giúp Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, do Hiệp định CPTPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn.