Tây Ninh phải ưu tiên chống dịch, an toàn mới duy trì được sản xuất

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong chuyến kiểm tra phòng chống dịch của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ sáng ngày 11/7.

Tiếp tục chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh phía Nam, sáng 11/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.

Thủ tướng đã đi thăm, kiểm tra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đang điều trị các bệnh nhân COVID-19 và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Dịch bệnh địa bàn Tây Ninh cơ bản trong tầm kiểm soát

Báo cáo công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tây Ninh với Đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã quán triệt quan điểm “Chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và luôn chủ động linh hoạt với phương châm 4 tại chỗ. Việc huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh Cov1d-19 đã giúp hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế -xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch so với cùng kỳ. Cụ thể, GRDP tăng 7% trong 6 tháng đầu năm; xuất khẩu tăng 67%, thu ngân sách đạt 54% dự toán.

thu tuong

Về công tác chống dịch, tới nay tỉnh đã thiết lập 13 khu vực phong tỏa, cách ly y tế ngay khi phát hiện ca nhiễm (F0) trong cộng đồng; đồng thời khẩn trương truy vết, xác định Fl, F2, cách ly y tế triệt để. Nhờ vậy, tới thời điểm này, tình hình cơ bản nằm trong tầm kiếm soát.

Đối với việc kiểm soát phòng, chống dịch trong nội địa và trên biên giới, tỉnh đã thành lập 9 chốt kiểm tra người đi - về tại cửa ngõ với Long An, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh; thiết lập hệ thống giám sát người từ các tỉnh, thành phố vào Tây Ninh thông qua hệ thống zalo “Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tây Ninh”. Trên toàn tuyến biên giới, ngoài 29 điểm cảnh giới, 16 trạm kiểm soát biên phòng, tỉnh đã thành lập thêm 159 tổ chốt kiểm soát dịch với 1.059 người, phát hiện 167 vụ nhập cảnh trái phép, trong đó xử lý vi phạm hành chính 152 vụ, khởi tố 23 vụ.

Riêng về khu công nghiệp, Tây Ninh hiện có 5 KCN, 2 khu kinh tế của khẩu (Mộc Bài, Xa Mát) với 130.538 lao động trong nước (37.629 công nhân ngoài tỉnh) và 3.155 lao động nước ngoài. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh đã ban hành kế hoạch xử lý khi có ca nhiễm cũng như chỉ đạo từng công ty phải xây dựng phương án phòng chống xử lý cụ thể khi có ca nhiễm tại doanh nghiệp (DN); Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tiêu chí chống dịch theo quy định của tỉnh, DN nào không đạt các tiêu chí theo quy định sẽ tạm dừng hoạt động; Xử lý nghiêm đối với các DN vi phạm, lơ là chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, quyết tâm không để dịch lây lan trong KCN.

bo trương nguyen hong dien

Kiên quyết dừng sản xuất nếu không an toàn

Nhìn nhận chống dịch cần phải ưu tiên hàng đầu, bởi an toàn tính mạng cho tất cả phải là nhiệm vụ cao nhất, quan trọng nhất và cấp bách nhất, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra 3 đề xuất:

Thứ nhất, cần áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ với tất cả các địa bàn biên giới và ở những nơi đã phát hiện có các ca F1, F0; đồng thời áp dụng chỉ thị 15 với tất cả các địa bàn của Tây Ninh một cách nghiêm ngặt.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang thực hiện “mục tiêu kép” nhưng “mục tiêu kép” lúc này chống dịch phải là số một. Bởi có chống dịch được an toàn thì mới duy trì sản xuất, mà có duy trì phát triển sản xuất thì chúng ta mới chống dịch thành công. Do vậy, một lần nữa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phải áp dụng Chỉ thị 16 nghiêm ngặt những nơi có F1, F0 và áp dụng chỉ thị 15 tất cả các địa bàn còn lại để kiểm soát tình hình, bảo đảm an toàn dịch bệnh và duy trì sản xuất.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Muốn thực hiện được chỉ thị 15, 16 cần phải thiết lập và củng cố kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành, từ tỉnh đến cơ sở; lấy hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy chính quyền làm trọng và phải chịu trách nhiệm trước việc lãnh đạo tổ chức thực hiện những nhiệm vụ này.

Theo Bộ trưởng, việc đề cao và phát huy tối đa vai trò của cấp ủy chính quyền cơ sở và Tổ chống Covid cộng đồng lúc này là cần thiết. Tỉnh cho biết đã lập được Tổ rồi nhưng lập cơ sở chống dịch rồi thì hoạt động thế nào, chất lượng hoạt động của đơn vị này ra sao cũng cần phải tính đến. Bí thư chi bộ, trưởng thôn, ấp, khu dân cư… là những lực lượng hết sức quan trọng. Đồng thời, cần phát huy vai trò của các lực lượng công an, quân sự, biên phòng trong đảm bảo an ninh trật tự và tham gia truy vết các đối tượng F1, F2.

Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị triển khai và thực hiện ngay Nghị quyết 68 của Chính phủ để hỗ trợ kịp thời cho những người lao động nhất là người lao động tự do. “Tây Ninh và một số tỉnh miền Đông này có lao động tự do cũng khá nhiều, nhất là những người bán vé dạo, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng này sẽ đạt được 2 mục tiêu – đảm bảo đời sống cho người lao động và cũng là giảm được nguy cơ lây lan dịch bệnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai Bộ trưởng cho rằng cần khẩn trương yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế phải tuân thủ nghiêm ngặt, khuyến cáo của Bộ Y tế và khuyến cáo của Bộ Công Thương về các quy trình an toàn sản xuất. Phải tăng cường kiểm tra giám sát, chỉ những nơi nào bảo đảm các yêu cầu các điều kiện an toàn về Covid-19 thì mới cho duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Khuyến cáo các doanh nghiệp tổ chức tập trung ăn ở cho người lao động, bởi bây giờ 50.000 lao động cứ đan xen nhau thì sẽ không đảm bảo được an toàn.

Có thể có một số lao động thì được đưa đón bằng xe buýt, nhưng là xe buýt đưa đón ở nhà riêng chứ không đưa đón tập trung, còn rất nhiều lao động khác lại đi bằng xe máy. Như vậy là trong quá trình họ tiếp xúc với cộng đồng, trong quá trình họ đi từ địa phương này địa phương khác thì không ai dám bảo đảm rằng những doanh nghiệp này là an toàn về Covid-19 để sản xuất”, Bộ trưởng nêu ví dụ và cho rằng: Cần phải tăng cường kiểm tra, tăng cường giám sát và tăng cường xử lý. Nếu chủ doanh nghiệp nào không tuân thủ hoặc cơ sở sản xuất nào không tuân thủ các điều kiện an toàn thì không cho sản xuất. Không thể chỉ vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mục tiêu trước mắt mà để “vỡ trận” trong việc phòng chống dịch. Bài học này đã có từ tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh.

Là Bộ trưởng Công Thương, hơn ai hết, tôi mong muốn công nghiệp và thương mại phát triển, nhưng bối cảnh hiện tại, chống dịch vẫn cần phải đặt lên hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

bo truong nguyen hong dien

Thứ ba Bộ trưởng đề nghị tỉnh chỉ đạo sát sao và quy rõ trách nhiệm để ngành Công Thương và Quản lý thị trường địa phương phải chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh kịch bản và lập kế hoạch chi tiết kết nối trực tiếp và cụ thể giữa những doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng giữa những địa phương có nguồn hàng đối với các địa phương của Tây Ninh để sẵn sàng cung ứng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân; đồng thời cũng sẵn sàng để hỗ trợ cho bà con nông dân Tây Ninh tiêu thụ sản phẩm nông sản tới vụ, nhất là những trái cây tươi. Việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân, theo Bộ trưởng cũng là điều rất quan trọng.

 “Tôi đề nghị không dừng lại ở kịch bản mà phải có kế hoạch không dừng lại kế hoạch mà phải có sự kết nối trực tiếp từ các cơ sở sản xuất từ các doanh nghiệp cung ứng cho đến các địa phương”, Bộ trưởng nêu quyết tâm.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm không găm hàng, không nâng giá, không trục lợi, không lừa đảo. Cùng với đó, ngành Công Thương sẵn sàng phối hợp với các ngành chức năng như Giao thông, Công an để tạo luồng xanh cho việc vận chuyển hàng hóa từ các nơi vào Tây Ninh và từ Tây Ninh đi các địa bàn khác, trên tinh thần: Kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống và cũng không để đứt gãy chuỗi cung ứng các hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh.

Là tỉnh biên giới với Campuchia, chúng tôi đề nghị Tỉnh chỉ đạo nắm chắc tình hình lưu thông hàng hóa qua biên giới thường xuyên trao đổi với Bộ Công Thương, nhất là Cục xuất nhập khẩu và vụ Đa biên để kịp thời tháo gỡ cần thiết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

tay ninh

Tập trung chống dịch bệnh ở mức cao nhất

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ đã trả lời về các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của tỉnh liên quan tới xét nghiệm, truy vết, thực hiện giãn cách, lưu thông hàng hóa, bảo đảm đời sống người dân... Các ý kiến cho rằng, nguy cơ dịch bệnh cao nhất tại Tây Ninh là các trường hợp từ Thành phố Hồ Chí Minh về và nhập cảnh trái phép, một số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây… Hiện có hơn 37.000 lao động tại các khu công nghiệp của Tây Ninh đến từ các địa phương khác và khoảng 10.000 người ở Tây Ninh làm việc tại nơi khác.

Các Bộ trưởng đề nghị Tây Ninh thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân; nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp; quản lý chặt người đến từ các địa phương đang có dịch, kiểm soát chặt biên giới; triển khai kịp thời việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết  68 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm chủng thật tốt theo chỉ đạo chung; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, cơ sở vật chất để tỉnh chống dịch đã được nâng cao rất nhiều so với trước đây và cơ bản đáp ứng yêu cầu so với tình hình hiện tại, nhưng cần tăng cường hơn nữa nếu tình hình phức tạp hơn. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế đã thiết lập một trung tâm cấp cứu bệnh nhân nặng đặt tại Đồng Nai điều trị các ca nặng tại khu vực phía Nam.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Tây Ninh cơ bản thực hiện có hiệu quả, hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp của tỉnh, góp phần vào thành tích chung của cả nước để thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tỉnh đạt các kết quả tích cực về tăng trưởng, xuất khẩu, thu ngân sách, bảo đảm an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng an ninh, phối hợp với các tỉnh thành xung quanh nhịp nhàng, chặt chẽ, có hiệu quả. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức cơ bản thành công, kết thúc tốt đẹp năm học an toàn, hiệu quả trong điều kiện khó khăn.

Tuy nhiên, tỉnh còn một số hạn chế cần được chỉ ra, khắc phục bằng được trong thời gian tới.

thu tuong pham minh chinh

Về tình hình dịch bệnh, tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây và đường biên giới dài. “Phải xác định như vậy để có phương án cao hơn rất nhiều phương án đang có. Dứt khoát không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cũng không hoảng hốt, mất bản lĩnh, mất bình tĩnh khi dịch bệnh xảy ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại Trung ương

Về mục tiêu thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết là triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần XIII của Đảng.

Mục tiêu thứ hai, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên khác, phải tập trung thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Phòng chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội thành công, vừa chiến đấu với dịch vừa sản xuất, sản xuất để chiến đấu, chiến đấu để sản xuất. Nhắc lại yêu cầu các địa phương cần hết sức chủ động, linh hoạt, căn cứ  tình hình thực tế để xác định thứ tự nhiệm vụ ưu tiên, Thủ tướng cho rằng trong lúc này, trước nguy cơ cao, Tây Ninh phải tập trung, ưu tiên cho chống dịch, những nơi thực sự an toàn, kiểm soát được thì tập trung phát triển kinh tế.

Mục tiêu thứ ba, chăm lo sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Bằng mọi biện pháp không để dịch lây lan trong cộng đồng; nếu dịch xuất hiện phải khoanh vùng, dập dịch thật nhanh, thật gọn, nhanh chóng ổn định tình hình, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc, điều trị thật tốt bệnh nhân theo tinh thần “còn nước còn tát”, hạn chế tối đa các ca tử vong.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo lớn, trước hết, phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa khẩu của mình, không trông chờ ỷ lại Trung ương; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm.

Thứ hai, phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột lớn: Con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất; thiên nhiên ban tặng cho Tây Ninh tương đối thuận lợi; truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng, tinh thần đoàn kết, thống nhất.

Thứ ba phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, hài hòa, hợp lý, hiệu quả với bảo vệ môi trường.

Với chủng virus mới, quan điểm chỉ đạo là chống dịch từ sớm, từ xa, từ khi chưa có dịch và chống dịch ngay tại cơ sở, lấy cơ sở làm nền tảng, làm trung tâm để mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xã phường, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch.

Ưu tiên số 1 là tuyến cao tốc kết nối với TP HCM

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp Tây Ninh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, phải chống dịch thành công, không để lây lan trong cộng đồng, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi không để dịch bệnh xâm nhập sâu vào nhà máy, xí nghiệp. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người từ vùng dịch, các khu cách ly, phong tỏa; những nơi đã áp dụng Chỉ thị 15, 16 thì phải thực hiện rất nghiêm, dứt khoát. Chuẩn bị 4 tại chỗ ở mức cao hơn; các nhà máy thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ, chống dịch tại chỗ), nếu không an toàn thì tập trung chống dịch.

Có kịch bản phòng chống dịch cao hơn, hiệu quả hơn kịch bản hiện nay. Thủ tướng đã giao cho từng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ phục vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, cần giải quyết ngay các kiến nghị, vướng mắc của địa phương.

Thủ tướng cũng đề nghị Tây Ninh chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đón những người có nguyện vọng trở về để góp phần giải tỏa cho Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện quy trình xét nghiệm, cách ly chặt chẽ.

Thủ tướng yêu cầu “làm ngay, không chờ đợi” việc hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người mất việc làm, người yếu thế, lao động tự do…; phát huy tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo để vận dụng, triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ sát tình hình thực tế.

Một nhiệm vụ khác là rà soát, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và đề xuất xử lý, tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ đã có hai văn bản chỉ đạo về vấn đề này với các bộ, ngành, địa phương.

Quy hoạch phải đi trước, đón đầu, có tầm nhìn chiến lược, bao quát được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và liên hệ chặt chẽ với các tỉnh xung quanh, của quốc gia.

Về phát triển hạ tầng chiến lược, do nguồn lực có hạn nên phải có trọng tâm trọng điểm, xóa bỏ “xin cho”, chấm dứt dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, kéo dài trong đầu tư công. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước bằng các hình thức hợp tác công tư.

Trước đề xuất của Tây Ninh về tuyến cao tốc kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng nêu rõ, đây không phải ưu tiên cao nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại là ưu tiên số 1 của Tây Ninh trong đầu tư hạ tầng chiến lược. Do đó, Thủ tướng giao Tây Ninh phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ xem xét quyết định.

Dành kinh phí thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh …

Các nhiệm vụ khác là có giải pháp khai thác các thế mạnh của hai cửa khẩu Mộc Bài và Sa Mát; có phương án bảo vệ chặt các khu công nghiệp, thực hiện 3 tại chỗ; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng phục vụ xuất khẩu, phát huy tối đa thế mạnh của Tây Ninh trong lĩnh vực này; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường làm việc trực tuyến và phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư trong bối cảnh dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh cần coi trọng hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, coi đây là nhiệm vụ không thể thiếu. Tuyền thông phải đi trước một bước, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, lan tỏa những thông tin tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tăng cường thông tin phân tích để người dân chia sẻ với những khó khăn, thách thức, truyền cảm hứng cho người dân phát huy năng lực và tích cực hưởng ứng, cộng tác với hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Truyền thông lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, người dân được thụ hưởng thành quả truyền thông.

Thủ tướng đánh giá các kiến nghị của tỉnh về cơ bản là xác đáng, có cơ sở thực tiễn, giao các Bộ, cơ quan xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. “Mong Tây Ninh phát triển đúng tầm, chống dịch thành công”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

 

Hà An