Tết ông Công, ông Táo: Giá thực phẩm chợ dân sinh tăng, hàng siêu thị dồi dào

Giá thực phẩm, hoa quả tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội đang tăng nhẹ, do sức mua của người dân gia tăng dịp Tết ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán Tân Sửu.
thit sạch
Hàng hóa trong siêu thị tràn ngập, giá bán được niêm yết rõ ràng

Giá thực phẩm, hoa quả tươi tăng nhẹ

Chị Phạm Thị Ngọ, tiểu thương chợ hoa quả Yên Ninh, phố Hàng Bún (quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết: Chiều 2/2, giá cam canh, nguồn hàng từ Bắc Giang, Văn Giang (Hưng Yên) hiện là 70.000 đồng/kg, tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg so với trước. Một số quầy bán hoa quả phải trả tiền thuê mặt bằng, nên bán đắt hơn với giá 80.000 đồng/kg.

Một số loại quả như cam Vinh hiện được bán là 35.000 đồng/kg, trước dao động ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg; táo xanh là 50.000 - 55.000 đồng/kg, cao hơn trước từ 5.000 – 10.000 đồng/kg... “Các loại quả tăng giá là loại có mẫu mã đẹp, to tròn, được nhiều người đặt chọn để cúng lễ, Tết", chị Ngọ cho biết.

Khảo sát của phóng viên về giá bán thịt tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như: Chợ Ngọc Hà,  chợ Hôm, Hợp Nhất, Dịch Vọng, Minh Khai… cho thấy: Giá thịt lợn dao động ở mức 120.000 - 160.000 đồng/kg (tùy loại). Trong đó, giá thịt thăn từ 140.000 - 160.000 đồng/kg; giá thịt ba chỉ từ 150.000 - 170.000 đồng/kg; sườn thăn từ 120.000 - 140.000 đồng/kg; nạc vai từ 140.000 - 160.000 đồng/kg.

hoa quả
Hoa quả các vùng miền được bày bán tại siêu thị

Chị Hồng Vân, sinh sống tại khu vực quận Cầu Giấy cho biết: “Bình thường, tôi chỉ mua thịt rọi với giá 140.000 đồng/kg, 3 ngày nay đều phải mua với giá 160.000 đồng/kg; giá sườn non cũng tương tự, hiện là 160.000 đồng/kg, trước 140.000 đồng/kg. Con về hải sản, trong khi tôm tăng giá, thì giá một số loại cá không biến động”.

Tại các chợ Gốc Đề, Minh Khai, giá thịt bò thăn hiện 270.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với trước; giá bắp bò 400.000 - 450.000 đồng/kg; giá tôm lớp trước là 300.000 đồng/kg, hiện là 420.000 – 450.000 đồng/kg...

Còn tại các chợ “cóc” ở Hà Nội, giá rau, củ quả khá rẻ. Súp lơ được bán giá 20.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng/kg; giá bắp cải từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, trước là 10.000 - 12.000 đồng/kg; cà chua 10.000 đồng/kg, trước từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; trứng gà ta giá không đổi 35.000 đồng/chục quả...

Theo chị Trần Mai Hương, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hôm (quận Hoàn Kiếm), giá thịt lợn chưa giảm, do dự báo nguồn cung thịt từ nay đến Tết chưa thực sự dồi dào. Dự báo, giá thịt lợn sẽ tăng khi nhu cầu sắm Tết của người dân tăng mạnh. Các tiểu thương chỉ mong bán được nhiều hàng, giá cao hay thấp đều do thị trường tự điều chỉnh.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú dự báo: Tới ngày 28 Tết, giá một số mặt hàng thiết yếu, tươi sống sẽ tăng 20 - 30% so với trước, bởi những mặt hàng này không có trong siêu thị như: Giò nóng, hải sản tươi, thịt chân giò, thịt lợn tươi… Bên cạnh đó, do nguồn cung thiếu, giá thịt lợn tăng vì hệ thống phân phối của Việt Nam chưa tốt. Nếu hệ thống phân phối điều phối tốt thị trường, giá sẽ được bình ổn trở lại.

Hàng hóa siêu thị dồi dào, giá cả ổn định

Tại hệ thống siêu thị, giá các mặt hàng thịt lợn, thịt bò và gia cầm không biến động, nhưng là thịt “sạch”, rõ nguồn gốc, nên mức giá luôn cao. Ngày 2/2, giá thịt heo mát Meat Deli từ trang vinmart.com không xuất hiện điều chỉnh. Giá thịt lợn ba chỉ Meat Deli được niêm yết giá 164.000 đồng/kg; thịt nạc vai 171.000 đồng/kg; mông sấn 145.000 đồng/kg; sườn non có giá 264.000 đồng/kg…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, gần Tết, không chỉ thịt lợn, mà hầu hết các mặt hàng thực phẩm khác đều có xu hướng tăng, do nhu cầu tăng cao. Sản lượng lương thực, thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán dồi dào. Trong đó, thủy sản đạt mốc trên 8,4 triệu tấn; về chăn nuôi đạt 5,4 triệu tấn thịt, trong đó thịt lợn đạt 3,48 triệu tấn. Nhiều địa phương chủ động dự trữ cho Tết, nguồn cung đều tăng 10 - 20% so với ngày thường, nên người tiêu dùng có thể yên tâm về lương thực, thực phẩm dịp Tết.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc vùng Hà Nội của Tập đoàn Central Group cho biết: Hệ thống siêu thị Big C và GO! đã tăng 30% lượng hàng hóa dự trữ so với Tết năm trước, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, Big C và GO! thực hiện chương trình bình ổn giá với TP Hà Nội để ổn định nguồn cung vào siêu thị. 

“Nguồn cung các mặt hàng rau quả, thực phẩm đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng lớn, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định. Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng thường trong năm.

Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tập trung nguồn lực thực hiện kiểm soát khâu trung gian để triển khai các chương trình bình ổn thị trường”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định.        

 

Theo TTXVN