Thái Lan chi gần nửa tỷ USD đầu tư vào điện mặt trời ở Bình Phước

Đầu tư gần nửa tỷ USD để mang về gần 1 tỷ USD trong 20 năm, quả là một cú áp phe sáng giá.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra dự án điện mặt trời ở huyện Lộc Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra dự án điện mặt trời ở huyện Lộc Ninh.

Thu về gần 1 tỷ USD trong 20 năm

Cuối tháng 3 vừa qua, Hội đồng Quản trị Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan cuối tháng 3/2020 đã gửi thư tới Ủy ban Chứng khoán Thái Lan thông báo về quyết định sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam).

Super Energy đã liệt kê cụ thể từng khoản đầu tư vào các dự án. Cụ thể, khoản đầu tư vào Lộc Ninh 1 là 99,7 triệu USD; tại Lộc Ninh 2 là 140 triệu USD; tại Lộc Ninh 3 là 105 triệu USD và tại Lộc Ninh 4 là 112 triệu USD.

Theo tính toán của Super Energy, lợi nhuận trước thuế của Lộc Ninh 1 trong vòng 20 năm khi giá điện cố định ở mức 7,09 UScents/kWh rơi vào khoảng từ trên 9 triệu USD đến trên 11,5 triệu/năm; của Lộc Ninh 2 sẽ trong khoảng 9 triệu USD đến gần 12 triệu USD/năm; của Lộc Ninh 3 là 6,5 triệu USD đến 8,5 triệu USD/năm và tại Lộc Ninh 4 là trên 9 triệu uSD đến gần 12 triệu USD/năm.

Tổng cộng 4 dự án này, với giá điện cố định ở mức 7,09 UScents/kWh trong vòng 20 năm, Super Energy sẽ thu về 678 triệu USD đến 868 triệu USD.

Super Enegry chỉ được hưởng giá mua điện cố định 7,09 UScents/kWh trong thời gian 20 năm trong trường hợp 4 dự án được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 1/1/2021 theo Quyết định số 13 ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Super Enegry kịp về đích?

Điện mặt trời ngày càng có đóng góp quan trọng trong nguồn điện nước ta. Trong quý I năm nay, thủy điện huy động được 8,93 tỷ kWh (giảm 30,4 % so với cùng kỳ năm 2019), nhiệt điện khí huy động 9,46 tỷ kWh (giảm 15,9 %), nhiệt điện than huy động 33,91 tỷ kWh (tăng 21,3 %), nhiệt điện dầu huy động 1,02 tỷ kWh (tăng gần 1 tỷ kWh), năng lượng tái tạo huy động 2,76 tỷ kWh, trong đó điện mặt trời đạt 2,31 tỷ kWh (tăng gấp 28 lần so với cùng kỳ năm 2019.

 4 dự án của Super Energy sẽ kịp vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021?
4 dự án của Super Energy sẽ kịp vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021?

Chưa nói đến tốc độ phát triển với mức tăng 28 lần so với cùng kỳ quý I năm 2019; ta hãy chỉ nói đến tỷ lệ đóng góp. Trong tổng số 56,08 tỷ kWh huy động, năng lượng tái tạo đóng góp vào 2,76 tỷ kWh, chiếm 5%.

Với tốc độ “chạy đua” các dự án điện mặt trời để kịp vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 1/1/2021, chắc chắn tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo sẽ vượt mức 7% theo Tổng sơ đồ điện VII và Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh.

Theo Quyết định 13/20202/QĐ-TTg, giá mua điện mặt trời nối lưới trên mặt đất sẽ được áp dụng với các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, có 36 dự án hoặc phần dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019. Tổng công suất của các dự án này là 2.988 MW.

Theo các chuyên gia ngành điện, từ nay đến 31/12/2020 còn khoảng hơn 8 tháng nữa, nên những doanh nghiệp nào đã giải phóng mặt bằng xong, có thỏa thuận đấu nối với khoảng cách dưới 10 km sẽ kịp thi công để kịp có chứng nhận đủ điều kiện vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/1/2021.

Trong khi đó, các dự án điện Lộc Ninh 1, 2, 3 và 4 đang trong giai đoạn xây dựng với hợp đồng mua bán điện và đấu nối đã thỏa thuận xong. Có nhiều khả năng cả 4 dự án của Super Energy sẽ kịp vận hành thương mại đúng thời hạn để được hưởng mức giá điện cố định ở mức 7,09 UScents/kWh trong vòng 20 năm.

Đầu tư gần nửa tỷ USD để mang về gần 1 tỷ USD trong 20 năm, quả là một cú áp phe sáng giá.

Phủ Lý